21/02/2005 00:05 GMT+7

"Sa mạc" giữa vùng ngọt hóa

Bài & ảnh: VÂN TRƯỜNG
Bài & ảnh: VÂN TRƯỜNG

TT - Cuối tháng hai, những cơn gió chướng bắt đầu mạnh dần và mang hơi nước biển mặn chát vào tận vùng đất phù sa cách bờ biển đến hàng chục cây số.

HvwCkVdf.jpgPhóng to
Nhiều con kênh ở Bình Đông, Tân Trung (Gò Công Đông) đã cạn khô
TT - Cuối tháng hai, những cơn gió chướng bắt đầu mạnh dần và mang hơi nước biển mặn chát vào tận vùng đất phù sa cách bờ biển đến hàng chục cây số.

Qua khỏi cầu Chợ Gạo, tôi đi vào vùng ngọt hóa Gò Công, Tiền Giang. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa đông xuân bạt ngàn đang thời kỳ làm đòng trổ hạt oằn oại trong gió.

Nhiều mảnh ruộng lúa chết loang lổ trơ đất nhuốm phèn vàng quạch. Nơi khác lúa mới chỉ trổ được nửa bông và dường như bị “mắc nghẹn” không thể tiếp tục trổ hết phần còn lại vì khát nước.

Vắt đất ra nước!

Trên suốt đoạn đường gần 15km từ thị xã Gò Công ra bến phà Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ (Long An), chúng tôi thấy không ít ông già, bà lão, thậm chí còn có những đứa trẻ lên mười tất bật giữa cái nắng như thiêu đốt móc từng nắm đất, khơi dòng những con kênh nhỏ sắp cạn trơ đáy. Thấp thoáng trên cánh đồng là những chiếc máy bơm nước đủ loại siết ga giành giật từng lít nước đen ngòm cho những mảnh đời còm cõi.Ông Ba Đức, ở ấp Ông Non, xã Tân Trung (Gò Công Đông), lắc đầu than thở: “Mới ăn tết xong mà nước trong các kênh nội đồng đã cạn hết trơn hết trọi. Muốn bơm nước cứu lúa phải bơm chuyền hai ba cấp mới tới. Tốn kém, cực khổ cơ man nào mà kể nhưng chưa chắc cứu được lúa!”. Xã Tân Trung nằm gần con kênh nước ngọt khá lớn nhưng nạn hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Vào khu vực ấp Ông Cai, tiếng động cơ máy bơm càng rõ mồn một. Đã gần 12 giờ trưa, hàng chục nông dân quần áo lấm lem bùn đất vẫn hì hục dẫn nước cứu lúa. Chị Trần Thị Tạo vừa lặn ngụp dưới kênh móc đất thảy lên bờ vừa cho biết cả tuần nay chị phải thức dậy từ 4 giờ sáng để canh bơm nước. Nước cạn, bơm năm bảy phút hết nước phải nghỉ chờ… Từ ba ngày nay nước trên kênh không còn, chị bỏ hết mọi việc nhà để móc kênh, canh bơm liên tục tám chín tiếng đồng hồ mới đủ nước cho bốn công ruộng đang trổ.Càng đi sâu vào cuối nguồn nước ngọt thuộc các xã Bình Xuân, Bình Đông (huyện Gò Công Đông) tình trạng khô hạn càng rõ hơn. Vài con kênh ven quốc lộ 50 giờ đã cạn khô. Ba bốn chiếc xuồng nhỏ chậm rời bến đã mắc cạn phơi mình chờ… làm củi.

Ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết hiện toàn xã có 720ha lúa đang và sắp trổ. Đây là vụ lúa được nông dân trông đợi nhất vì năng suất thường đạt đến 4-5 tấn/ha, cao nhất trong năm. Thế nhưng nước tưới hiện thời trong các kênh trục chính chỉ có thể cứu được vài ba trăm hecta nằm gần kênh trục chính mà thôi. Một số diện tích lúa tài nguyên, nàng thơm ở ấp Cộng Lạc đã bị chín háp vì thiếu nước. Theo bà Huỳnh Thị Tỏ, phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, đến ngày 19-2 toàn huyện đã có 44ha lúa chết và 380ha lúa chết gần 50% diện tích, hơn 3.000ha được dự báo năng suất sẽ rất bấp bênh. Hiện nay huyện đang huy động lao động công ích làm thủy lợi nội đồng, bơm chuyền… để cứu 10.000ha lúa đã trổ.

Theo tin từ Công ty Khai thác công trình thủy lợi, có thể cống Xuân Hòa ở huyện Chợ Gạo - nơi duy nhất lấy nước cho vùng ngọt hóa Gò Công hiện nay - cũng sẽ phải đóng luôn vào ngày 27-2 tới đây vì độ mặn của nước sông hiện đã xấp xỉ 2‰.

Bỏ xứ mà đi!

Càng đến gần sông Vàm Cỏ - nơi có bến phà Mỹ Lợi đưa khách qua Long An rồi về TP.HCM và con đê bao bọc vùng ngọt hóa Gò Công, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những cánh đồng lúa xanh rì - biểu tượng lâu nay của vùng ngọt Gò Công - biến mất. Hai bên đường là những đám ruộng phẳng lì một màu vàng của nước nhiễm phèn và những bãi cỏ hoang chết khô. Nắng, gió biển táp vào mặt nóng bừng, gió chướng thổi ù ù, mồ hôi tươm ra nhớt nhợt khắp cả người, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một vùng sa mạc. Một vùng đất kỳ lạ! Chúng tôi thật bất ngờ khi dừng xe gắn máy trước cổng ấp văn hóa Hồng Rạng, xã Bình Đông. Không một cây lúa. Cỏ hoang mọc đầy trên đồng đã chết khô tự bao giờ. Càng đi sâu vào bên trong ấp Hồng Rạng, cái cảm giác đi giữa sa mạc càng rõ hơn. Cây cối chết trơ cành. Đường làng vắng tanh. Một ít nước còn sót lại trong ao giờ đặc quánh màu đỏ pha đen như nước màu dừa dùng để kho thịt, cá.

Chúng tôi rẽ vào căn nhà lợp lá, một ông lão tóc điểm bạc lấp ló sau nhà hồi lâu mới chậm rãi bước ra hỏi: “Mấy chú ở ngân hàng?”. “Không phải, thưa bác! Tụi cháu là…”. Lúc này ông cụ mới nở nụ cười: “Tui tưởng mấy chú ở ngân hàng tới nhắc nợ…”. Ông cụ tên Lê Phát Quyền, 64 tuổi, được xem là “kẻ liều mạng” nhất vùng “sa mạc” này. Gia đình ông Quyền đã sống ở ven sông Vàm Cỏ gần 50 năm.

Ông bảo hồi xưa mỗi năm còn làm được một vụ lúa mùa, trồng trọt, chăn nuôi, giăng lưới ngoài sông… đủ để nuôi gia đình. “Cả chục năm nay, kể từ khi con đê nước ngọt xuất hiện, những tưởng cuộc sống sẽ khá hơn ai dè phải mua từng hột gạo, con cá sống qua ngày… Bà nhà tui 62 tuổi rồi mà phải lên Sài Gòn giữ con cho người ta” - ông Quyền thở dài.Chuyện bỏ xứ mà đi vì không làm lúa được từ mảnh đất miền Tây màu mỡ là chuyện lạ, nhưng biết làm sao bây giờ, quê họ đang dần dần trở thành sa mạc cháy nắng, đất còn khô khốc khát nước huống chi con người...

Wp7Dizs5.jpgPhóng to
Ông Lê Phát Quyền trong vườn cây ăn trái chết khô của mình
Đưa chúng tôi ra vườn cây ăn trái tiêu điều của mình, ông Lê Phát Quyền than thở: “Cách đây khoảng 7-8 năm, sau khi đắp đê ngọt hóa, tui nghĩ là sẽ có nước ngọt quanh năm nên lên liếp trồng xoài, mãng cầu gai. Thế nhưng cây nào sống thọ lắm cũng chỉ hai năm rồi chết khô. Bỏ đất hoang thì tiếc nên tui vay mượn mua cây giống giặm lại. Mấy năm nay giặm mấy chục ngàn cây, nợ trên 50 triệu đồng mà chưa bán được ký xoài nào hết”. Ghé thăm mấy gia đình, chúng tôi chỉ gặp toàn ông già bà lão. Họ bảo thanh niên trong vùng đã bỏ xứ đi làm ăn xa gần hết - chuyện chưa từng có ở vùng lúa cao sản xưa nay!

Chương trình ngọt hóa Gò Công được hoàn thành cách đây khoảng mười năm. Đây được xem là chương trình hiệu quả nhất của ĐBSCL. Thế nhưng, có một vùng rộng lớn (khu 2, vùng 3) ở xã Bình Đông và một phần Bình Xuân, Tân Trung, huyện Gò Công Đông phải gánh chịu hậu quả quá lớn của việc xây dựng các công trình không đồng bộ.

Vùng “sa mạc” này ở cuối nguồn, lại là vùng đất gò cao, lẽ ra phải có rất nhiều cống thủy lợi xả nước phèn từ các huyện phía đầu nguồn đổ về, nhưng cả chục năm nay nơi này chỉ có duy nhất cống xả Bình Đông 1. Người dân địa phương cho biết đã có hàng trăm cuộc tiếp xúc cử tri, lần nào họ cũng phản ánh với các vị ứng cử viên đại biểu HĐND huyện, tỉnh, đại biểu Quốc hội xin thêm một cái cống xả phèn.

Ai cũng hứa, thế mà cho đến bây giờ… Chủ tịch xã Bình Đông Lê Văn Hiệp cho biết toàn xã Bình Đông hiện có trên dưới 14.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng đã có khoảng 4.000 người thuộc các ấp Hồng Rạng, Lạc Hòa, Năm Châu… bỏ xứ đi làm ăn xa vì đất đai không canh tác được.

Bài & ảnh: VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên