Phóng to |
(Hue Trinh)
- Trả lời của Phòng mạch Online:
Trong thế giới động vật, côn trùng chiếm một phần đáng kể. Ngoài những loài đã trở thành những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền như bọ cạp, ong mật, ve sầu… nhiều loài khác ít được biết đến nhưng lại có tác dụng thiết thực trong việc phòng và chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian.
Theo sách Bản thảo thập di, tác dụng của ong đất giống như ong mật có tác dụng: trừ phong, giải độc, sát trùng. Dùng chữa đầu phong, phong tê thấp, ma phong, đơn độc, phong chẩn... Phong theo đông y là những tác nhân từ môi trường: nhiệt độ, gió, độ ẩm, khói bụi, vi khuẩn… xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Thí dụ cảm phong hàn tức là bạn bị cảm lạnh (đau nhức do tà khí xâm nhập vào đường kinh lạc, chân lạnh, đầu nóng, người bứt rứt khó chịu… vì thế bà con mình cạo gió đuổi tà khí ra ngoài, cạo xong thấy nhẹ người).
Trở lại chuyện ong của bạn:
Ong bầu: theo y học cổ truyền, con ong bầu có thể chữa bệnh động kinh, phong ngứa, nhức mỏi, đau khớp. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dân huyện Củ Chi, TP.HCM, đổ xô đi săn ong bầu bán bất chấp bị gai đâm, ong chích. “Con ong bầu rất độc, chích trái bầu, trái bí nào là thối liền trái đó nhưng ngâm rượu uống lại chữa được bệnh đau lưng, nhức mỏi “.
Ong đen: ong đen được sử dụng rộng rãi hơn trong đông y và trong dân gian. Ong đen còn có tên là ong vò vẽ (bò vẽ), ong mướp, ô phong, hùng phong, tượng phong... Tên chính thức trong đông y Trung Quốc là trúc phong, tên khoa học là Xylocoba dissimilis (Lep). Ngoài con ong đen trên, người ta còn dùng ong đen Xylocopa phalothorax nhỏ hơn, nhưng không dùng con có đốm trắng ở đầu.
Ong đen sống khắp nơi. Tại miền nam Trung Quốc người ta thường bắt ong này vào mùa thu đông, là mùa ong sống trong ống tre, ống nứa. Sau khi biết ong ở đâu, người ta nút kín ống tre hay ống nứa lại, hơ nóng cho ong chết, sau đó chẻ ra lấy ong dùng. Ong đen phải sấy cho khô, không nên phơi nắng dễ hỏng và dễ mốc, mọt hơn.
Theo đông y, ong đen có vị ngọt chua, tính hàn, không độc, vào hai kinh vị và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, trừ phong. Dùng trong những trường hợp sâu răng, miệng lở loét, đau cổ họng, trẻ con kinh phong...
Rượu thuốc là hình thức dùng rượu làm dung môi, để hòa tan (chiết xuất) các hoạt chất trong vị thuốc. Dân ta dùng 100-150 con ong vò vẽ, bỏ cánh, ngâm trong rượu 40-45 độ. Để rượu chừng 100 ngày rồi lấy ra uống mỗi tối một chung hạt mít. Rượu này chữa đau khớp. Chỉ có một điểm lưu ý là nọc ong độc nên người suy thận không được dùng. Tuy nhiên ong bầu và ong vò vẽ đều chữa đau nhức khớp tốt. Nếu nói cơ sở khoa học thì chưa có những nghiên cứu kỹ lưỡng, rượu ong vò vẽ vẫn là kinh nghiệm dân gian mà thôi.
Rượu tỏi: Theo đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và vị, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm... Vào thập niên 1970, Tổ chức Y tế thế giới thấy Ai Cập là nước nghèo, thời tiết khắc nghiệt nhưng người dân khỏe mạnh, tuổi thọ cao. Họ tiến hành nghiên cứu và thấy gia đình nào cũng có một hũ rượu tỏi.
Qua nhiều nghiên cứu phân tích người ta thấy rượu tỏi có thể chữa được bốn nhóm bệnh: xương khớp (viêm đau khớp, vôi hóa các khớp, mỏi xương khớp), hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản), tim mạch (huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ mỡ động mạch), tiêu hóa (ợ chua, khó tiêu, viêm loét dạ dày - tá tràng).
Năm 1983, các nhà nghiên cứu Nhật Bản lại thông báo bổ sung thêm hai nhóm bệnh nữa là bệnh trĩ và tiểu đường. Họ nhận xét đây là loại thuốc có hiệu quả chữa bệnh cao, không gây phản ứng phụ.
Bạn có thể làm rượu tỏi theo khuyến cáo của Tổ chúc Y tế thế giới: 400g đã lột vỏ, rửa sạch, để ráo xắt nhỏ, cho vào chai ngâm với một lít rượu trắng 40-45 độ, thỉnh thoảng lại lắc chai rượu, dần dần rượu chuyển từ màu trắng sang màu vàng, đến ngày thứ 10 thì chuyển sang màu nghệ và uống được.
Mỗi ngày dùng hai lần, sáng uống 40 giọt (tương đương một muỗng cà phê) trước khi ăn; tối uống 40 giọt trước khi ngủ. Uống liên tục suốt đời với một lượng rượu rất nhỏ như thế, người kiêng rượu hoặc không uống được rượu vẫn dùng được.
Phải nói thêm với bạn điều này: hai loại rượu chữa đau khớp mà bạn hỏi, theo tôi, nên khuyên người nhà dùng rượu tỏi vì đã được nghiên cứu. Còn rượu ong vò vẽ hiện mới chỉ dựa vào kinh nghiệm mà thôi.
BS LÊ THÚY TƯƠI
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận