“Mồi” gì cũng có
Cuối tuần, rảnh rang tôi về huyện C thăm lại mấy người bạn, trời mưa lất phất, cảnh vật hữu tình thế này mà không gầy độ nhậu thì đúng là “phụ tình dân nhậu”. Mấy người bạn đề nghị kéo nhau đi nhậu lẩu bò và “rượu kèm mồi”.
Ở miệt vườn C, phần đông bà con sống bằng nghề nuôi bò sữa nên lẩu bò ở đây được xem là rẻ nhất Sài thành. Còn cái món “rượu kèm mồi” là cái giống gì mà tôi chưa biết nên tò mò hỏi thì một người đáp vẻ tự hào: “đó là đặc sản chỉ ở đây mới có, giá rất bình dân nhưng thưởng thức một lần là “ngất ngây con gà tây”!
Theo kinh nghiệm ăn nhậu lâu năm của mấy người bạn, chúng tôi chọn một “chòi nhậu” nằm khá xa bổn quán với mục đích không bị ai dòm ngó. Sau khi đã chọn được mồi và bia, người bạn lên tiếng: “quán nay có “mồi” nào mới lạ không?”.
Nghe hỏi, ông chủ quán cười cười đáp: “Quán tui có dịch vụ nhậu “rượu kèm mồi” này lâu rồi nên “đào” quen của quán toàn là trẻ đẹp. Các anh thích loại mồi gì cũng có”. Nói xong gã móc điện thoại ra gọi cho “mồi”. Một lúc sau, bốn cô gái người đi xe máy, kẻ đi xe đạp đến cùng một lúc.
Ngồi trước mặt tôi là những cao thủ ăn nhậu thuộc loại “ba chai chưa say”. Thế mà không hiểu sao, họ lại say với cái món “rượu kèm mồi”. Không biết họ say thật hay giả, mà tôi thấy anh nào anh nấy cứ hết gục đầu vào ngực cô này, lại gục đầu vào ngực cô khác như trẻ con làm nũng mẹ. Còn các cô thì cứ ngồi ăn và nốc rượu một cách tự nhiên như không có gì xảy ra.
Hồng - cô gái được phân công ngồi “hầu rượu” cho tôi - hỏi: “anh mới đi nhậu món này lần đầu hả, sao thấy anh hiền ghê?”. Không trả lời, tôi hỏi lại: “Sao lại gọi là rượu kèm mồi?”. Nghe tôi hỏi, cô cười như nắc nẻ và giải thích: “Nghề làm “rượu kèm mồi” của bọn em có khác gì gái bia ôm đèn mờ đâu, chẳng qua ở miệt quê, người ta thích gọi vậy cho nó dân dã thôi. Có khác gái bia ôm ở chỗ là bọn em thích làm gì thì làm”. Nói rồi cô cho biết thêm: công việc của các cô chủ yếu là làm công nhân xí nghiệp, hay bán quán cà phê, khi nào có khách, chủ quán gọi, thích thì đi, không thì thôi. Tiền công cho mỗi lần phục vụ nhậu có giá từ 100-150 nghìn đồng, ngoài ra không được hưởng thêm bất cứ khoản nào khác từ chủ quán. Một số tiền quá bèo bọt so với những cô làm nghề chuyên nghiệp trong các quán bia ôm ở thành thị.
Không qui định giờ giấc, khi nào tàn cuộc nhậu thì “đường ai nấy đi”. Còn nếu muốn “đi chung đường người ta” thì thỏa thuận rồi đưa nhau đi tìm “bãi đáp”, chứ không được “hành sự lỗ mãng” trong “chòi nhậu”.
Được biết, nguyên nhân khiến các cô chấp nhận số tiền ít ỏi đó là do khi được gọi đến, khách không có quyền từ chối hay bắt đổi người như trong các quán bia đèn mờ. Và không biết bao giờ, từ chủ quán đến khách nhậu và gái phục vụ nhậu “rượu kèm mồi” xem đó là một cái lệ ở đây.
L, bạn tôi, người có gần chục năm ăn cơm bụi, ngủ nhà thuê cho biết: “Mấy em làm nghề này ở đây nhiều lắm. Có em làm công nhân, bán vé số, bán cà phê cũng có. Bất cứ lúc nào, chỉ cần vào quán nhậu nói với chủ quán là họ gọi tới ngay”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ cái dịch vụ nhậu “rượu kèm mồi” sống được là do dân lao động nhập cư nhiều. Đa số họ làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy. Ngày nào có việc thì làm, không có việc là tổ chức ăn nhậu, không thì cũng bài bạc chứ chẳng còn nơi vui chơi giải trí nào khác. Mà khi đã “rượu vào” bỗng dưng người ta bắt đầu có những ham muốn khác, thế là gái nhậu “rượu kèm mồi” xuất hiện kiểu “ai kêu tui đó”. Hầu như các quán nhậu từ sang cho đến bình dân. Quán nào cũng có số điện thoại của các cô, quán ít thì năm, ba số, quán nhiều thì hơn chục số. Mỗi khi khách có nhu cầu nhậu món “rượu kèm mồi” là chủ quán gọi các em tới. Đối với chủ quán, đó là việc ba bên cùng có lợi: khách có “mồi” để nhậu, gái có tiền và chủ quán giữ được khách đúng với câu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Ông T, một chủ quán nhậu bình dân giải thích: “Dân nhậu ở đây đa số là công nhân, tiền thì ba cọc ba đồng nên họ rất thích món “rượu kèm mồi” vì hợp với túi tiền. Hơn nữa, thời buổi cạnh tranh, ai cũng làm như vậy nên mình không thể đứng ngoài cuộc”.
Bà L, vợ của một bợm nhậu ghiền món “rượu kèm mồi” than: “Biết ổng tụ tập bạn bè đi nhậu với gái, nhưng nói cũng không được vì mình tới thì thấy mấy ổng ngồi với mấy con nhỏ đó nhậu bình thường chứ có bắt quả tang ổng làm gì bậy bạ đâu mà nói”. Đúng là chồng đi “nâng chén tiêu sầu” ở nhà vợ “càng sầu thêm”!
Rõ ràng đây là hình thức biến tướng của tệ nạn xã hội. Thế nhưng, để xử lý vấn đề này không phải dễ, bởi người có thẩm quyền đến kiểm tra đột xuất cũng không có chứng cứ, vì luật pháp không cấm nam nữ nhậu chung. Đó là lý do mà nạn nhậu “rượu kèm mồi” cứ ngang nhiên tồn tại.
Tuổi Trẻ Cười số 485 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận