28/05/2005 18:02 GMT+7

Rượu dỏm miền Tây

 DƯƠNG THẾ HÙNG
 DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCN - Cứ mỗi buổi sáng, đi ngang chợ Cao Lãnh, nếu để ý bạn sẽ thấy có một bà cụ tội nghiệp lẳng lặng ngồi đập từng trái chuối hột rồi quăng ra đường phơi khô. Bất kể trời mưa hay nắng, đường lầy lội hay bụi bặm, chuối hột vẫn được vô tư phơi khô.

hmWT5lQW.jpgPhóng to
Chỉ cần một dĩa mồi, chai rượu đế là đủ... nhậu

Có bữa mắc mưa, chúng ướt nhẹp rồi nổi rêu mốc lốm đốm, trắng ngời. Chắc chắn rồi chuối hột đó sẽ được vào keo rượu. Và dân nhậu vẫn cứ mãi vô tư mà uống.

Khi tôi hỏi đường vô mấy lò kháp rượu, anh bác sĩ ở đội y tế dự phòng TX Cao Lãnh (Đồng Tháp) trợn mắt: “Ông vác xác vô đó coi chừng dân lấy chổi chà rượt. Đó là nồi cơm của họ”. Mấy anh công an thì lắc đầu: “Khó mà bắt quả tang các tay pha chế rượu lậu, bởi họ xóa dấu vết rất kỹ”.

Loay hoay, tôi sực nhớ tới Phước, trước đây từng kiếm sống bằng nghề bỏ mối rượu cho các quán nhậu, rồi kháp rượu tại nhà lấy hèm nuôi heo, hiện đã giải nghệ. Anh có mối quan hệ khá rộng với các chủ lò và “lái” rượu.

Nấu rượu không men

Phước dẫn tôi đi lòng vòng qua những xóm vườn xã Tân Thuận Tây (TX Cao Lãnh). Tới nhà Ba Đúng, anh đưa thẳng ra phía sau. Ở đó có một cái lò, kiểu lò đắp đất thông ống khói lên nóc nhà, đốt bằng trấu. Trên miệng lò bắc sẵn cái nồi to tướng, nắp nồi có một ống nhôm thông qua cái bình lớn để bên cạnh. Ba Đúng đang hứng rượu ra lò từ cái bình lớn. Anh than: “Mấy bữa nay gió nhiều, rượu thất quá. Một nồi 10 lít gạo nấu ra có 7 lít rượu. Rượu lại đục, khó bán”.

Rồi anh lấy đầu đũa nhúng vô chai thuốc trừ sâu để ở góc nhà. Anh đem tới can rượu vừa chiết ra từ lò, nhúng đầu đũa dính thuốc sâu vô. Lập tức can rượu từ đục bỗng chuyển sang màu trong veo, hệt như mắt mèo. Tôi hỏi: “Uống rượu này có bị trúng độc không?”. Ba Đúng thản nhiên: “Chút đỉnh mà, có sao đâu. Tui còn pha loãng ra nữa mà”.

yKoamqQi.jpgPhóng to

Những quán rượu bình dân ở miền Tây đều bày đủ các loại rượu như thế này mà không biết chất lượng ra sao

Nói rồi anh mở lu nước mưa múc ra bốn ca đổ vô can rượu. Anh giải thích: “Thêm bốn lít nước nữa cho rượu nhẹ bớt. Mình vừa được lợi mà người uống cũng đỡ bị gắt. Một chút thuốc sâu sẽ làm cho nồng độ rượu tăng từ 18 lên 35 độ. Để vậy bị phát hiện liền, phải pha nước thêm”.

Phước cho biết trước đây nhà vườn kháp rượu bán cốt đủ vốn. Phần lời là hèm để dành nuôi heo, đỡ tốn tiền thức ăn. Bây giờ dân nhậu nhiều quá, các chủ lò cũng chạy theo lợi nhuận nên tìm mọi cách để có “năng suất rượu cao”. Trong xóm này mười lò thì pha hết chín.

Chúng tôi băng qua sông Tiền tìm đến lò rượu ông Năm Thành ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang). Đây cũng là một “mối” rượu quen thuộc của Phước. Nghe Phước giới thiệu tôi đến đặt 40 lít rượu cho nhà làm đám cưới, ông Năm xăng xái tiếp đón niềm nở.

Ông không ngần ngại dẫn ra sau nhà, nơi có đặt hai lò nấu rượu và hàng dãy lu hũ lỉnh kỉnh. Lúc này bà Năm Thành đang vô men, đưa nồi lên nấu. Phước khều tay tôi ra hiệu. Tôi để ý thấy bà Năm rót một ly nước màu trắng đổ vô nồi nấu.

Phước nói nhỏ vô tai tôi: “Cồn đó. Bây giờ người ta cho cồn vô nồi trước khi nấu, lúc ra rượu không còn mùi. Cồn đó là cồn công nghiệp, ra chợ mua thiếu gì. Có khi dân nấu rượu cho luôn cả cồn khô - một loại cồn dùng nấu bếp - vô cho gọn. Nó làm cho rượu lúc nào cũng có nồng độ cao, năng suất tăng lên 2-3 lít/nồi”.

Theo kết quả kiểm tra 51 mẫu rượu ở hai địa bàn TX Sa Đéc và TX Cao Lãnh (tháng 4-2005) của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, có 30 mẫu rượu có hàm lượng furfurol cao hơn mức qui định. Đây là một loại tạp chất có tác động ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm nhức đầu, buồn nôn. Trong 46 mâu rượu lấy từ các lò nấu, có 15 lò sử dụng men trôi nổi không rõ nguồn gốc, không có nhãn hiệu đăng ký. Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện hai cơ sở sản xuất men lậu và đề nghị thanh tra ngành y tế tiếp tục làm rõ. Ngoài ra, trong một số mẫu rượu lấy ngẫu nhiên ở các quán nhậu để xét nghiệm có hàm lượng furfurol vượt mức cho phép.

Tôi đưa tiền đặt cọc rồi hẹn bốn ngày sau quay lại lấy rượu. Trước khi ra về, ông Năm tặng tôi một chai rượu “đặc biệt”. Ông rót một ly cho tôi nhấp thử. Quả là có mùi thơm nếp mới rất hấp dẫn. Trên đường về, Phước đợi đò ra tới giữa sông thì lấy chai rượu quăng bỏ xuống nước.

Tôi lấy làm lạ thì anh giải thích: “Nếp mới con mẹ gì, toàn là tinh mùi, hương hóa chất không đó. Loại này bán tràn lan ở các quán nhậu bình dân cóc ổi lề đường. Một lít rượu pha vô một giọt là thơm nức mũi. Nhưng uống vô rồi qua bữa sau “ngặt mình” chịu không thấu”.

Hôm sau Phước lại dẫn tôi về phía huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Qua khỏi cầu Cần Lố, quẹo tay phải đường quốc lộ 30, anh tấp xe vô. Lần này không phải lò rượu mà là lò men. Anh không cho tôi vô mà bắt đứng ở ngoài chờ. Chỉ năm phút sau, Phước trở ra với bịch men lủng lẳng trên tay. “Men là chuyện nhỏ, cái này mới là chuyện lớn”.

Nói rồi Phước móc trong túi quần ra một bịch nhỏ đựng bột màu trắng. “Phụ gia của men đó - Phước tiết lộ - có cái này một kháp rượu sẽ tăng được 3-4 lít mà giá chỉ có 1.000đ/bịch. Nghe nói ở Trung Quốc đem về, và là “bí mật công nghệ” của các lò men. Chỉ những người tâm phúc mới mua được. Chủ lò không bao giờ bán cho người lạ. Độ độc hại thế nào không biết nhưng coi cái cách mua bán bí mật của chủ lò men, tôi thấy hơi ngờ ngợ vì có điều gì đó không bình thường”.

Nước lã khuấy… rượu

Liyumbhd.jpgPhóng to

Một lò nấu rượu ở xã Tân Thuận Tây

Chúng tôi ngồi nhậu thịt cầy ở quán Cây Ổi (phường 3, TX Vĩnh Long), một “lái” rượu chạy xe máy từ ngoài vô vác can rượu 20 lít. Tới bên quầy có để sẵn 6-7 keo rượu đã vơi hơn phân nửa, anh đổ ào vô keo cho đầy. Xong, chủ quán bước ra đưa tiền. Hai bên không ai nói với ai tiếng nào. Tay “lái” rượu lẳng lặng ra ngoài nổ máy xe vọt mất. Tất cả diễn ra chưa đầy hai phút.

Chúng tôi gọi thêm một chai rượu. Cô phục vụ vui vẻ đong rượu từ keo vừa đổ đầy khi nãy. Phước hỏi: “Rượu gì vậy em?”. Cô gái nhỏ nhẹ: “Dạ, chuối hột đó anh. Chú em ở vườn nấu rồi ngâm chuối hột, cả tháng mới dùng được đó”. (Trời ạ!) Phước lại hỏi: “Có rượu gì khác không em? Cái gì “sung sung” ấy”. Cô gái sáng mắt lên: “Dạ có. Em có bìm bịp, ngọc dương, rắn, sâm cúc, cả hải mã nữa”. Tôi làm bộ bước vô trong thử rượu. Các keo đều có dán nhãn in vi tính tên các loại rượu cô gái vừa kể. Bên trong quả là có chuối hột, rắn, bìm bịp thật, cả hải mã nữa. Nếu không tận mắt thấy anh chàng “lái” rượu khi nãy đổ rượu mới vô, chắc có lẽ chúng tôi đều lầm tưởng đây là rượu ngâm thứ thiệt.

Phước đúc kết: “Rượu ngâm thứ thiệt không bao giờ có giá 8.000đ/lít như các quán thường bán. Hơn nữa, nếu ngâm thuốc bắc hoặc đồ bổ phải mất ít nhất ba tháng mới dùng được. Các quán bán cho khách nhậu hằng ngày không bao giờ ngâm kịp. Với tốc độ nhậu chóng mặt mỗi chiều của các bợm như hiện nay, rượu kháp trong lò cũng không thể đáp ứng đủ. Vậy thì làm sao “cung” đủ “cầu”? Phước không trả lời. Anh lên xe chở tôi đi vô một con hẻm ở phường 8 (TX Vĩnh Long).

Dừng xe trước một căn nhà cửa sắt đóng kín mít, Phước bắc loa tay lên miệng kêu vọng vô trong: “Long ơi! Long...”. Cánh cửa xịch mở. Bên trong thò ra khuôn mặt xanh tái, bơ phờ của một người đàn ông ít ra ánh nắng mặt trời. Nhận ra Phước, Long mở cửa mời vào. Phước làm bộ nói đi ngang ghé thăm bạn cũ, hỏi thăm tình hình làm ăn bấy lâu nay. Phước cũng kể chuyện mình đã gác kiếm, tìm được một chân trong cơ quan nhà nước. Long tâm sự: “Mình cũng muốn giải nghệ thôi. Cái nghề này độc ác quá, sợ không để đức cho con”.

wsjoVuRn.jpgPhóng to
Men nấu rượu không rõ nguồn gốc. Hai gói nhỏ là “phụ gia”, bí mật nghề nghiệp của các lò men
Trong lúc hai người nói chuyện thì tôi đưa mắt quan sát xung quanh. Gian nhà chật chội, tối tăm. Cả nhà sau để đầy thau, can nhựa, đặc biệt là một bao cau khô nằm rơi vãi. Phía trước nhà, hơn chục can nhựa đã vô rượu sẵn chờ đi bỏ mối. Bỗng dưng cánh cửa xịch mở. Một cái bóng bước vô, lẳng lặng tới chỗ góc nhà bưng một can rượu đi ra ngoài. Cái dáng lẳng lặng, nhanh nhẹn, có vẻ quen quen làm tôi giật mình. A, nhớ rồi! Tay “lái” rượu khi nãy. Thì ra tôi đang ở trong một lò rượu... lậu.

Phước kể: “Long làm rượu toàn bằng... nước lã. Nước máy xả vô thau, Long quậy cồn pha vô, cho thêm một chút tinh mùi. Muốn cho rượu có màu đo đỏ, Long lấy cau khô ngâm vào, cho thêm một chút phẩm màu. Bợm nhậu uống vô nghe chan chát tưởng là rượu chuối hột. Lầm chết. Loại này bỏ mối cho các quán chỉ có 2.800đ/lít. Quá dễ ăn”.

Phước lại dẫn tôi đi dọc bờ sông Tiền, tìm thằng bạn “rượu” của anh lúc trước. Khuất sau một con rạch nhỏ, chúng tôi tìm được một chiếc ghe “cóc” đang đậu. Thoạt nhìn ai cũng tưởng là ghe câu.

Phước rủ tôi xuống ghe chơi. Thành - bạn của Phước - đang loay hoay chiết rượu từ thau vô can. Rượu có màu trắng đục. Tôi để ý thấy có 4-5 cái bọc vải bằng trái bưởi để dưới sạp ghe. “Tro đó - Phước nói - mà phải là tro đốt từ rơm mới được nghen. Dùng để lọc nước trước khi chế”. “Nước ở đâu?” - tôi hỏi. “Thì dưới sông múc lên chớ đâu” - Phước cười. Công thức pha chế giống như ở Vĩnh Long. Có nghĩa là rượu = nước lã + cồn + cau khô + phẩm màu.

Riêng Thành còn có “chiêu” riêng: thêm gói bột trắng. Nó có tác dụng làm cho rượu trong lại và tăng độ. Tôi hỏi Phước “có phải gói bột trắng ở cầu Cần Lố không?”. Phước nói: “Không. Cái này mua ở tiệm thuốc bắc. Nghe nói cũng là hàng Trung Quốc”. Để tránh công an, Thành phải mò xuống ghe, nửa đêm ra sông Tiền múc nước lên chế. Được can nào anh bán hết can đó rồi lại chế. Nếu rủi ro bị khám xét bất ngờ, Thành chỉ cần quăng hết đồ nghề xuống sông phi tang là xong.

 DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên