17/10/2005 04:15 GMT+7

Ruột thừa: không thể cứ nghi là cắt

KIM SƠN ghi
KIM SƠN ghi

TT - Ruột thừa (RT) chứa nhiều mô lymphô bạch huyết, nó chính là một bộ phận miễn nhiễm của cơ thể chứ... không phải là thừa. Cắt hay không cắt RT phòng ngừa còn nhiều quan điểm khác nhau.

PzG1aJm5.jpgPhóng to

ThS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc, trưởng Trung tâm Phẫu thuật nội soi BV Đại học Y dược TP.HCM - cho biết:

-Viêm ruột thừa (VRT) là một bệnh ngoại khoa phổ biến và cấp cứu nhiều nhất. Bệnh nhân thấy đau bụng ở vùng hố chậu phải, sốt, chán ăn, có thể kèm rối loạn tiêu hóa. Bệnh cấp tính nên diễn tiến nặng trong vòng 1- 2 ngày.

Có trường hợp tự ổn định rồi hết nhưng rất hiếm và tái diễn thành VRT mãn tính. Tuyệt đại đa số sẽ diễn biến hóa mủ, hoại tử, vỡ vào ổ bụng gây nhiễm trùng rất nặng gọi là viêm phúc mạc. Nếu không xử lý kịp sẽ gây tử vong, vì vậy khi bệnh nhân thấy đau ở vùng hố chậu phải và sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.

Biện pháp điều trị duy nhất là cắt bỏ nhưng đôi khi bệnh nhân đau hố chậu phải, có sốt nhưng không phải VRT và BS cần có thời gian theo dõi để chẩn đoán chính xác. Nếu chẩn đoán muộn,VRT có biến chứng đã hoại tử, viêm phúc mạc, điều trị sẽ khó khăn hơn, nhiều biến chứng hơn và để lại di chứng cho bệnh nhân như dễ dính ruột, gây tắc ruột sau mổ. Vì vậy nhiều BS muốn chẩn đoán sớm cho bệnh nhân, có quyết định mổ trong giai đoạn sớm dù lúc này triệu chứng chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn, có thể nhầm với bệnh khác.

Một nguyên nhân nữa là đau vùng hố chậu có nhiều bệnh đau giống như VRT - đặc biệt là ở phụ nữ trẻ tuổi - như đau bụng kinh, u nang buồng trứng xoắn, vỡ nang hoàng thể…

Cần khám một cách kỹ lưỡng về triệu chứng đau bụng, triệu chứng nhiễm trùng, làm xét nghiệm máu, siêu âm bụng. Nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng để xác định VRT, nhưng cũng có khi triệu chứng mơ hồ mà BS không thể loại trừ hẳn VRT, bắt buộc mổ thì có thể làm tăng tỉ lệ “mổ bụng trắng” hay mổ ruột thừa không viêm...

* Nếu mổ ra thấy ruột thừa bình thường thì có nên cắt hay không?

- Chính vì những lý luận trên nên có nhiều trường hợp để chẩn đoán sớm hoặc chẩn đoán sai, không phải VRT thì thái độ xử trí ra sao? Trước đây hay ngay cả bây giờ vẫn còn có những bệnh nhân cắt RT dự phòng (hiện chỉ một vài trường hợp như thủy thủ tàu viễn dương sống trên biển dài ngày cần cắt RT dự phòng).

Vậy đối với những bệnh nhân được chẩn đoán VRT nếu mổ ra không phải VRT, cần xác định nguyên nhân đau là gì. Có thể là một bệnh khác trong ổ bụng, hay viêm trong giai đoạn đầu (giai đoạn sớm) mà biểu hiện của hình ảnh VRT không rõ ràng, nhưng nếu không cắt diễn biến tiếp tục sẽ gây ra VRT sau mổ, làm khó khăn cho việc theo dõi diễn biến sau mổ của bệnh nhân.

Một lý do quan trọng khác là nếu để RT lại thì vai trò RT ở những người trưởng thành không có nhiều ý nghĩa (RT chỉ có ý nghĩa ở giai đoạn trẻ nhỏ với chức năng làm tăng miễn dịch, chống nhiễm trùng), còn nếu cắt đi, có nhiều cơ quan khác cũng đảm nhận chức năng chống nhiễm trùng này (ở tuổi càng lớn RT càng giảm vai trò, ở người già RT teo lại).

Tóm lại, các lý do phải cắt RT là: vai trò nó không nhiều; tần suất VRT rất cao: 1/18 (cứ 18 người đến tuổi già chết đi có một người đã bị VRT); khi bệnh nhân đã có vết mổ cắt RT rồi mà đau bụng trở lại thì các BS rất phân vân trong chẩn đoán, vì nghĩ rằng bệnh nhân đã cắt bỏ RT rồi nên sẽ chẩn đoán chậm cho bệnh nhân.

* Người bệnh không VRT, BS cứ nghi là mổ cho chắc ăn thì sao?

- Mổ sớm là vì bệnh nhân chứ không phải do chẩn đoán không kỹ. Nếu ai đau bụng mà BS cũng đè ra mổ thì đó là vấn đề y đức.

Ngừng “cắt lầm hơn bỏ sót”

xF8nMokg.jpgPhóng toThS.BS Nguyễn Hùng Vĩ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, giải thích: Ở các nước tiên tiến, để tránh tình trạng bị bệnh nhân kiện đòi bồi thường do chậm mổ làm ruột thừa vỡ mủ, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định mổ sớm.

Khi mổ ra mà thấy ruột thừa không viêm, họ chủ trương “thà cắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Tỉ lệ bệnh nhân bị cắt ruột thừa không cần thiết chiếm khoảng 20-40%, có nơi còn cao hơn. Riêng tại BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang, trước năm 2004, mỗi năm mổ ruột thừa khoảng 1.000 ca, trong đó khoảng 300 ca ruột thừa không viêm, tỉ lệ 30%.

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho biết việc cắt ruột thừa không viêm sẽ gây ra nhiều tác hại về mặt sức khỏe và kinh tế. Một tài liệu nghiên cứu của Mỹ năm 2002 nói rằng: cắt ruột thừa không viêm có nguy cơ nhiễm trùng tới 2,6%, trong khi cắt ruột thừa bị viêm tỉ lệ này chỉ có 1,8%; nguy cơ tử vong do cắt ruột thừa không viêm là 1,5%, trong khi tỉ lệ cắt ruột thừa bị viêm chỉ có 0,2%. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cắt ruột thừa không viêm sẽ để nhiều di chứng như: tắc ruột, dính ruột, vô sinh, thai ngoài tử cung…

Từ những lý do trên, BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang qui định không cho bác sĩ cắt ruột thừa không viêm của bệnh nhân từ đầu năm nay. Nhờ vậy mà chín tháng đầu năm 2005 chỉ có 65 ca bị cắt ruột thừa “nhầm” trên tổng số 930 ca mổ ruột thừa tại BV, chiếm tỉ lệ 6,98% (giảm 23%).

Nếu tất cả phòng mổ tuyến huyện đều được đầu tư phương tiện chẩn đoán và mổ nội soi như BV tỉnh thì tỉ lệ cắt ruột thừa không cần thiết sẽ giảm.

KIM SƠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên