07/11/2007 04:10 GMT+7

Ruộng dân bỏ hoang, công trình đứt đoạn

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Ruộng của dân bỏ, công trình thì “đắp chiếu” không thi công được. Thực trạng này xảy ra tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

urfdPLlf.jpgPhóng to
Ngày trước nơi đây là cánh đồng lúa, giờ là đồng hoang lau lách - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
TT - Ruộng của dân bỏ, công trình thì “đắp chiếu” không thi công được. Thực trạng này xảy ra tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Trước kia, cánh đồng Cây Bứa của xã Hòa Liên được xem là vựa lúa đảm bảo lương thực cho nhiều hộ nông dân trong xã. Nhưng từ tháng 3-2005, tuyến đường tránh TP Đà Nẵng (nối với đường dẫn vào hầm Hải Vân) khởi công, đồng ruộng bắt đầu rơi vào tình trạng bên ngập nước bên khô hạn, không thể trồng lúa và cỏ dại mọc um tùm.

Cánh đồng cỏ dại

Chị Ngô Thị Oánh (ngụ Quan Nam 1) có bốn sào ruộng. Chị nói: “Từ tháng 8-2005, người ta làm đường thế nào mà 2, 3 sào đất nhà tôi chìm trong nước không thể sản xuất được. Ruộng bỏ hoang từ năm đó đến chừ. Nhà bốn miệng ăn mà chỉ còn hơn sào đất thì làm sao đủ gạo”. Chị Oánh tính nhẩm mỗi năm hơn hai sào đất bị hoang hóa của chị cho thu hoạch cũng 8,5-9 tạ lúa, nếu bán đi cũng có hơn chục triệu đồng.

“Nông dân không có ruộng thì khác gì có mồm mà không được ăn” - chị Oánh bức xúc. Theo lẽ thường lúa gạo dư dả, hằng năm nhà chị nuôi gần 20 con heo, mỗi đợt xuất chuồng vài tạ thịt là chuyện thường, nhưng từ khi lúa gạo không còn nhiều nhà chị Oánh cũng đành “treo chuồng”.

Phải tạm dừng công trình

Ông Nguyễn Thanh Trà - phó giám đốc Ban quản lý dự án 85 - đơn vị chủ đầu tư, cho biết: “Mức đền bù được áp giá đúng theo qui định của TP Đà Nẵng dành cho đất nông nghiệp vùng miền núi Hòa Liên là 12.000đ/m2, ngoài ra trợ cấp cho cây cối hoa màu 3.600đ/m2 và các trợ cấp khác là 4.500đ/m2. Còn mức giá 21.000đ/m2 (trong đó có 9.000đ hỗ trợ thêm của doanh nghiệp) mà người dân nói trước đây do đường qua KCN Hòa Khánh được phía doanh nghiệp hỗ trợ thêm chứ không hề có trong luật định. Vì vậy người dân không chấp nhận”. Ông Trà cũng cho biết thêm hiện các đơn vị có liên quan đang gửi báo cáo lên TP Đà Nẵng để chờ hướng giải quyết, và công trình đang thi công cũng phải tạm dừng.

Bà Ngô Thị Lợ (ngụ Quan Nam 3) buồn rầu nói: “Hai vợ chồng nhà tui ăn ở với miếng ruộng 1,7 sào đất ni đã mấy chục năm trời. Lúc đói thì mó vô chum gạo. Thế mà gần ba năm, bằng năm vụ lúa rồi có trồng được hạt nào đâu”. Không còn đất sản xuất, bà Lợ bàn với chồng một người đi phát rừng thuê, còn một người ở nhà chăm mẹ già ốm đau với con trâu còi.

Nhưng người ta thuê người trẻ, khỏe tới 50.000 đồng/ngày, còn vợ chồng bà chỉ được 20.000 đồng/ngày. Số tiền làm thuê ít ỏi, hai vợ chồng già lại tranh thủ đi mót lúa gạo ở khắp cánh đồng của Hòa Liên và các xã lân cận. “Có ai như nông dân chúng tôi lại phải đi mót từng hột lúa về ăn. Kiểu ni thì đói đến nơi mất rồi” - bà Lợ nghẹn giọng.

Mùa đông sắp đến, những nhà chăn nuôi trâu, bò ở đây lại càng lo hơn. “Hằng năm chúng tôi đều phải tích trữ rơm vì vô mùa đông đâu có cỏ. Năm trước còn đi mượn, đi xin được chứ năm ni chưa biết lấy chi cho gia súc ăn nữa” - anh Nguyễn Văn Tường lo lắng.

Ngăn cản bên B để “đòi nợ” bên A

Trước tình cảnh ruộng đồng bỏ hoang cho cỏ dại mọc, người dân ở Hòa Liên viết đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi không thấy giải quyết, bèn kéo nhau lên công trường đang thi công để ngăn cản (đơn vị trúng thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Cienco 6).

Ngày 2-3-2006, Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư, xây dựng số 2 (gọi tắt là Ban 2) có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng với nội dung: “Phần đất nông nghiệp nằm ở hạ lưu cống do bị ảnh hưởng của dòng chảy không sản xuất được, UBND TP xem xét thực tế đền bù”. Đến khoảng giữa năm 2006, Ban 2 mới có quyết định hỗ trợ vụ đầu tiên (tức vụ lúa đầu năm 2005 mà dân không thu hoạch được) với giá 500.000 đồng/sào. “Có mỗi lần đó tới chừ chúng tôi không được đền bù thêm bất cứ một khoản nào” - một người dân ở đây cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Quân - phó giám đốc điều hành công trường - ngán ngẩm: “Đã gần chục lần người dân kéo ra không cho thi công. Nhựa đường đã nấu sẵn, chuẩn bị tưới đường cũng đành bỏ, vận chuyển máy móc ra rồi nằm đó, công nhân chán nản đã bỏ việc”. Cũng theo ông Quân, tuyến đường đáng lẽ hoàn thành vào tháng 7-2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ là do người dân không cho thi công. Ông Quân nói: “Chỉ mong ban ngành liên quan sớm giải quyết để chúng tôi thuận lợi hơn trong thi công”.

Ngày 29-10, gần 30 hộ dân ở Hòa Liên thấy công nhân lên hoàn thành nốt công việc còn lại thì tiếp tục ngăn cản. Ngay trong buổi họp giữa các đơn vị liên quan ngày hôm đó để tìm hướng giải quyết vấn đề, chủ tịch UBND xã Hòa Liên Nguyễn Hữu Phong cho biết: “Một mặt chúng tôi phải tuyên truyền cho bà con hiểu việc cản trở thi công là phạm luật, đồng thời cũng mong các cơ quan liên quan sớm giải quyết. Chính quyền cũng đang đề nghị nâng mức giá đền bù cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay”.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên