27/07/2006 12:32 GMT+7

Rủ nhau đi luyện thanh

Theo Người Lao Động
Theo Người Lao Động

Đến với lớp thanh nhạc không chỉ để trở thành ca sĩ như nhiều người vẫn nghĩ, giới trẻ ngày nay rủ nhau đi học thanh nhạc để thể hiện sự tự tin và sức hút trước đám đông khi mà ngày càng nhiều hoạt động xã hội gắn với âm nhạc.

A3WVql7q.jpgPhóng to
Một buổi học thanh nhạc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM trong giờ luyện thanh
Đến với lớp thanh nhạc không chỉ để trở thành ca sĩ như nhiều người vẫn nghĩ, giới trẻ ngày nay rủ nhau đi học thanh nhạc để thể hiện sự tự tin và sức hút trước đám đông khi mà ngày càng nhiều hoạt động xã hội gắn với âm nhạc.

Thu Hà, nhân viên phòng kinh doanh tại một công ty lớn ở TP.HCM, cho biết mỗi lần có dịp cùng đồng nghiệp hoặc đối tác đến phòng karaoke, chị luôn thiếu tự tin với giọng ca của mình khi thường xuyên vào lệch tông hoặc hát sai nhạc.

Với đặc thù công việc phải giao tiếp thường xuyên mà không hát thì khó tạo được không khí vui vẻ, hòa đồng, chị đã quyết định đến lớp luyện thanh để “cải thiện” giọng hát của mình.

Thỏa niềm đam mê

Phòng học thanh nhạc của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM được bố trí khá đơn giản với điểm nhấn là chiếc piano đặt ở góc phòng. Bên cạnh là chiếc organ mà thầy giáo đang hướng dẫn một học viên nam thể hiện bài hát Đêm thành phố đầy sao.

Trong lớp có gần 20 học viên, mỗi người cầm trong tay một cuốn sách nhạc có lời và lần lượt trình bày bài hát tự chọn để giáo viên đệm đàn và điều chỉnh khi cần. Sau đó lớp học bước sang phần chính là luyện thanh. Tiếng dương cầm lẫn với âm điệu “mi ma mô” của thầy và trò vang lên đều đặn, khỏe khoắn.

“Ở nhà em rất hay hát, nhưng chẳng ai ủng hộ em cả, em đến lớp học này để được hát và hát hay hơn” - Thơm, sinh viên Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, tâm sự. Còn Thủy, học sinh lớp 10, cho biết các bạn cùng lớp rủ đi học nhiều môn học khác hấp dẫn hơn trong dịp hè nhưng vì rất thích hát nhạc Trịnh Công Sơn nên em đã chọn lớp thanh nhạc này để “luyện” một tuần 2 buổi.

Luyện thanh không chỉ để hát

Mỗi bạn trẻ đến lớp luyện thanh với những mục đích khác nhau. Bạn Hoàng Mai, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, cho biết do thường xuyên tham gia các phong trào sinh hoạt của trường, bạn đã quyết định đến lớp thanh nhạc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM để luyện giọng tốt hơn. Ước mơ trở thành một MC cũng là lý do thôi thúc Hoàng Mai đến với thanh nhạc.

Còn Tiến, sinh viên ĐH Mở - Bán công TP.HCM, nói: “Vừa đi học vừa đi làm khiến mình phải chịu rất nhiều áp lực, do đó mình đến với lớp luyện thanh như một cách giải tỏa và làm cho cuộc sống phong phú hơn”. Học thanh nhạc để tham gia vào đội văn nghệ của trường là mục đích của Thanh, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV.

Trong khi đó, chị Thu, công nhân ở Khu Chế xuất Tân Thuận, đến với lớp luyện thanh để mỗi lần có sinh nhật hay đám cưới bạn bè có thể tự tin “khoe” vài bài hát tủ. Tại các lớp luyện thanh có không ít người lớn tuổi, một số chị cho biết họ có những tâm tư không biết san sẻ cùng ai nên đến lớp thanh nhạc như một cách xả stress hiệu quả.

Ngoài ra, khá nhiều học viên đến với lớp thanh nhạc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM là giáo viên, MC, hướng dẫn viên du lịch - những người cần luyện thanh để có giọng nói truyền cảm, hấp dẫn, thu hút hơn và không mệt khi phải nói nhiều.

Thầy Lê Hoàng, giáo viên lớp thanh nhạc buổi tối tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, cho biết tùy vào khả năng của từng người, nhưng học thanh nhạc cần phải có thời gian để thấm dần. Một số học trò của thầy sau khoảng một năm học tại lớp thanh nhạc có thể đứng được ở một vài sân khấu nhỏ, có bạn có thể kiếm sống bằng nghề ca hát.

Tự tin hơn trước đám đông

Theo cô Vũ Thanh Xuân, giáo viên thanh nhạc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, mỗi học viên theo học khoảng từ 50 đến 70 buổi (mỗi tuần 2 buổi) là có thể đưa âm thanh vào đúng vị trí, khả năng nhả chữ tốt và biết cách điều chỉnh hơi thở, khẩu hình...

Khi đến với các lớp thanh nhạc, học viên được rèn luyện nội lực để giọng đủ độ cao, tròn, sáng, rõ, khỏe và có cảm xúc. Cô Xuân cho biết, trước khi đến với lớp thanh nhạc, nhiều bạn chưa bao giờ hát trước đám đông, thậm chí nhiều người lần đầu tiên hát trước lớp còn run và hát không ra hơi.

Tuy nhiên, sau một thời gian luyện thanh, khả năng ca hát của họ đã được cải thiện nhiều và đặc biệt, nhiều bạn không còn ngại ngùng khi hát trước chỗ đông người.

Theo Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên