Phóng to |
Tôi chắc chắn không phải là người mong muốn nền kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ, kéo theo hậu quả toàn cầu. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini, chuyên gia tài chính George Soros của Đại học New York, Stephen Roach của Morgan Stanley, chuyên gia về nhà ở Robert Shiller của Đại học Yale, và Robert Wescott từng là thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế/ Hội đồng Kinh tế Quốc gia của tổng thống Clinton trước đây đều lặp đi lặp lại những lời cảnh báo. Tất cả đều là các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes, cùng chia sẻ quan điểm cho rằng thị trường không tự điều chỉnh. Hầu hết chúng ta đều lo lắng về bong bóng nhà ở; một số người (như Roubini) tập trung vào các rủi ro gây ra từ sự mất cân bằng toàn cầu dẫn đến sự thay đổi bất ngờ trong tỷ giá hối đoái.
Nhưng những nhà thiết kế của chiếc bong bóng (Henry Paulson đã đưa Goldman Sachs lên một đòn bẩy có tầm cao mới, và Ben Bernanke đã cho phép tiếp tục cấp phát các khoản vay thế chấp xấu) vẫn cứ tin rằng thị trường có khả năng tự điều chỉnh - cho đến khi họ buộc phải đối mặt với thực tế là sự sụp đổ trên quy mô lớn. Một người không cần phải có bằng Tiến sĩ tâm lý học thì mới hiểu được lý do tại sao người ta cứ muốn giả vờ rằng nền kinh tế chỉ đang trải qua giai đoạn xáo trộn nho nhỏ, diễn biến này có thể dễ dàng được gạt sang một bên.
Đến tháng 3 năm 2007, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Bernanke vẫn tuyên bố rằng “dường như đã kiểm soát được các ảnh hưởng từ thị trường tín dụng dưới chuẩn đối với nền kinh tế trên quy mô rộng hơn và các thị trường tài chính”. Thậm chí là 1 năm sau, ngay cả sau khi Bear Stearns (một ngân hàng đầu tư của Mỹ - ND) sụp đổ, với những tin đồn về sự sụp đổ của Lehman Brothers sắp xảy ra, dòng thông tin chính thống (không những chỉ tuyên bố công khai mà còn có ngay trong các phòng họp kín giữa các quan chức ngân hàng nhà nước khác) vẫn là: nền kinh tế đang trên đường hồi phục mạnh mẽ sau một vài sự cố nhỏ.
Bong bóng bất động sản buộc phải nổ tung chính là triệu chứng rõ ràng nhất của “căn bệnh kinh tế”. Nhưng đằng sau triệu chứng này là những vấn đề căn bản hơn. Nhiều người đã cảnh báo các rủi ro của việc bãi bỏ các quy định. Trở lại thời điểm năm 1992, tôi đã lo ngại việc chứng khoán hóa các khoản thế chấp sẽ kết thúc trong thảm họa, vì cả người mua và người bán đều đánh giá thấp khả năng giảm giá và phạm vi của mối tương quan.
Thật vậy, bất cứ ai nhìn kỹ vào nền kinh tế Mỹ đều có thể dễ dàng thấy rằng: tồn tại các vấn đề lớn trên tầm “vĩ mô” cũng như “vi mô”. Như tôi đã trình bày trước đây, nền kinh tế của chúng ta đã được duy trì bởi một bong bóng không bền vững. Nếu không có bong bóng, tổng cầu - tổng số tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà các hộ gia đình, các công ty, chính phủ, và người nước ngoài cần có - sẽ yếu, một phần vì sự bất bình đẳng ngày càng tăng tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới, theo đó tiền được dịch chuyển từ những người lẽ ra phải tiêu dùng nó sang những người không dùng.
Trong nhiều năm qua, người đồng nghiệp Columbia là Bruce Greenwald và tôi đã quan tâm chú ý nhiều đến vấn đề rộng hơn khi có sự thiếu hụt trong lượng tổng cầu trên toàn thế giới - là tổng số tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà mọi người trên toàn cầu muốn mua. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tổng cầu thế giới là một vấn đề. Nếu tổng cầu của mọi người trên thế giới thấp hơn sản lượng mà thế giới có thể sản xuất ra, thì đó là lúc phát sinh trục trặc - một nền kinh tế toàn cầu yếu kém. Một trong những lý do tại sao lượng tổng cầu của thế giới yếu kém là do mức dự trữ gia tăng - lượng tiền mà các quốc gia để dành lại cho những “ngày mưa bão”.
Các nước đang phát triển đã để dành hàng trăm tỷ dollar nhằm tự bảo vệ mình trước sự bất ổn toàn cầu ở cấp độ cao, từng để lại dấu ấn trong thời kỳ bãi bỏ quy định, và từ lúc họ cảm thấy khó chịu khi phải cầu cứu IMF. Một vị thủ tướng của một quốc gia từng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997 nói với tôi rằng: “Chúng tôi đã “theo học” khóa ‘97. Chúng tôi đã học được những gì sẽ xảy ra nếu không có đủ tiền dự trữ”.
Các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn cũng tích lũy khoản dự trữ - họ biết rằng mức giá cao của dầu thô là không bền vững. Đối với một số quốc gia thì lại có một lý do khác để tích lũy dự trữ. Tăng trưởng nhờ xuất khẩu đã được tán dương như phương cách tốt nhất cho các nước đang phát triển để đi lên; sau khi các quy tắc thương mại mới từ Tổ chức Thương mại Thế giới đã lấy đi rất nhiều công cụ truyền thống mà các nước đang phát triển đã sử dụng để giúp tạo ra các ngành mới, nhiều quốc gia đã chuyển sang chính sách: giữ tỷ giá hối đoái ở mức cạnh tranh. Và điều này có nghĩa là mua vào đồng dollar, bán ra các loại nội tệ, và tích lũy dự trữ.
Tất cả đều là các lý do chính đáng để tích lũy dự trữ, nhưng điều này đã mang lại một hệ quả xấu: tổng cầu trên thế giới bị thiếu hụt. 500 tỉ dollar, hoặc nhiều hơn, đã được để dành riêng sang một bên cho dự trữ hàng năm trong giai đoạn trước khi có cuộc khủng hoảng. Hoa Kỳ đã đến giải cứu tình hình với mức tiêu dùng bừa bãi dựa trên các khoản vay nợ, các khoản chi tiêu vượt quá khả năng. Quốc gia này trở thành giải pháp tiêu dùng cuối cùng của thế giới. Nhưng tình thế này là không bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận