Phóng to |
Khi người ta hiểu rõ hơn nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này – đến tháng 4 năm 2009 thì đây là đợt suy thoái dài nhất kể từ cuộc Đại suy thoái – việc truy tìm các thủ phạm là lẽ tự nhiên, và đã có rất nhiều hành vi quy trách nhiệm.
Biết người nào, hoặc ít nhất là cái gì, để quy trách nhiệm là điều thiết yếu nếu chúng ta muốn làm giảm khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng khác và muốn chỉnh sửa những khía cạnh rõ ràng là đang bất thường trên thị trường tài chính hiện nay.
Chúng ta phải cảnh giác với những lời giải thích quá hời hợt: rất nhiều trong số những lý giải này được bắt đầu với thói tham lam quá mức của các quan chức ngân hàng. Điều đó có thể đúng, nhưng nó không cung cấp được gì nhiều cho một nền tảng để cải cách.
Các quan chức ngân hàng đã hành động một cách tham lam, vì họ có động cơ và các cơ hội để làm điều đó, và đó là những gì cần được thay đổi. Bên cạnh đó, nội dung căn bản của chủ nghĩa tư bản là theo đuổi lợi nhuận: chúng ta liệu có nên đổ lỗi cho các quan chức ngân hàng khi họ thực hiện (có lẽ còn hơi tốt hơn một chút) những gì mọi thành phần khác trong nền kinh tế thị trường đều được cho là nên thực hiện?
Trong danh sách dài liệt kê các thủ phạm, theo cách tự nhiên thì người ta vẫn bắt đầu với những cái tên nằm dưới, với những nhà thế chấp nguyên thủy (mortgage originator). Các công ty cho vay thế chấp đã đẩy những khoản cho vay kỳ lạ đến hàng triệu người, nhiều người trong số họ còn không biết mình đang dính líu vào chuyện gì. Tuy nhiên, các công ty cho vay thế chấp đã không thể làm trò tai quái này nếu không nhận được sự trợ giúp và tiếp tay từ các ngân hàng và các cơ quan thẩm định. Các ngân hàng đã mua lại các khoản thế chấp và đóng gói lại, đem bán cho các nhà đầu tư bất cẩn khác.
Các ngân hàng và các định chế tài chính Hoa Kỳ đã khoe khoang về các công cụ đầu tư thông minh mới mẻ của họ. Họ đã tạo ra một sản phẩm mới, một sản phẩm nguy hiểm đe dọa phá sập hệ thống tài chính Hoa Kỳ, trong khi được vẫn chào bán như một công cụ quản lý rủi ro. Các cơ quan thẩm định, lẽ ra cần kiểm tra sự tăng trưởng của các công cụ độc hại này, thì lại đóng dấu phê duyệt, theo đó khuyến khích những người khác – bao gồm cả các quỹ hưu trí đang tìm kiếm nơi an toàn để cất giữ số tiền mà những người lao động đã để dành cho giai đoạn nghỉ hưu – tại Hoa Kỳ và ở nước ngoài, đi mua chúng.
Nói ngắn gọn thì thị trường tài chính Mỹ đã không thực hiện được các chức năng xã hội thiết yếu của mình đối với việc quản lý rủi ro, phân bổ vốn, và huy động tiền tiết kiệm trong khi vẫn giữ chi phí giao dịch ở mức thấp. Thay vào đó, họ đã tạo ra rủi ro, phân bổ nguồn vốn sai lầm, và khuyến khích vay nợ nhiều, trong khi áp đặt các chi phí giao dịch cao. Trong cao trào năm 2007, thị trường tài chính béo bở đã thu về 41% lợi nhuận từ khối doanh nghiệp.
Một trong những lý do tại sao hệ thống tài chính đã thực hiện việc quản lý rủi ro một cách tệ hại là: thị trường đã thẩm định giá sai và đánh giá rủi ro không chính xác. “Thị trường” đã đánh giá rất sai lầm về nguy cơ vỡ nợ của các khoản thế chấp dưới chuẩn, và sai lầm còn tệ hơn nữa khi tin tưởng vào các cơ quan thẩm định và các ngân hàng đầu tư khi họ đóng gói lại các khoản thế chấp này, cho điểm đánh giá là AAA (rất tốt) đối với các sản phẩm mới. Các ngân hàng (và các nhà đầu tư của ngân hàng) cũng cũng sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá rủi ro liên quan đến đòn bẩy ngân hàng.
Và những tài sản đầy rủi ro, thông thường phải có một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn đáng kể nhằm thuyết phục những người nắm giữ chúng, lại chỉ đem về khoản lãi nhỏ. Trong một số trường hợp, việc làm giá và thẩm định rủi ro có vẻ không chính xác đã dựa trên sự cá cược khôn ngoan: họ tin rằng nếu có rắc rối phát sinh, thì Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính sẽ giải cứu họ, riêng điều này thì họ đã đúng.
Cục Dự trữ Liên bang, trước đây do Chủ tịch Alan Greenspan lãnh đạo - sau đó là Ben Bernanke, và các cơ quan điều tiết khác đã đứng đằng sau đã để mặc cho mọi việc diễn ra. Họ không những chỉ tuyên bố rằng chỉ sau khi bong bóng vỡ thì mới biết đã có một bong bóng hay không, mà còn xác nhận: ngay cả khi có khả năng xuất hiện bong bóng, thì họ cũng chẳng thể làm gì cả. Họ đã phạm sai lầm trên cả hai khía cạnh. Chẳng hạn, họ lẽ ra đã có thể thúc đẩy các khoản thanh toán ngay với giá trị cao khi mua nhà, hoặc yêu cầu ký quỹ cao hơn cho các giao dịch chứng khoán, cả hai đều có thể làm dịu lại 2 thị trường đang quá nóng này.
Nhưng họ đã chọn cách không làm như vậy. Có lẽ còn tồi tệ hơn, khi Greenspan làm cho tình hình xấu thêm bằng cách cho phép các ngân hàng tham gia vào những khoản cho vay rủi ro nhất từ trước đến nay và khuyến khích người dân nhận các khoản thế chấp có lãi suất biến động, theo đó có thể – và thực tế là đã – làm mất khả năng thanh toán một cách dễ dàng, buộc những hộ gia đình thậm chí là có thu nhập trung bình rơi vào tình cảnh bị tịch biên tài sản thế chấp.
Những người ủng hộ việc bãi bỏ các quy định – và vẫn tiếp tục biện hộ bất chấp những hậu quả rành rành – cho rằng các phí tổn từ sự hạn chế của quy định đã vượt qua những lợi ích. Khi ngân sách toàn cầu và chi phí thực tế cho cuộc khủng hoảng này đã lên đến hàng ngàn tỷ dollar, rất khó có thể thấy được cách thức mà những người biện hộ duy trì được quan điểm trên. Tuy nhiên, họ lại tranh luận rằng phí tổn thực tế của các quy định chính là việc bóp nghẹt các cải tiến. Sự thật đáng buồn là tại các thị trường tài chính Hoa Kỳ, các cải tiến đã được định hướng với những quy định vòng vèo, các chuẩn mực kế toán và quy định về thuế không rõ ràng. Chúng tạo ra các sản phẩm phức tạp, vừa khiến cho mức rủi ro tăng thêm vừa làm thông tin mất cân đối.
Sau đó thì chẳng có thắc mắc nào về việc không thể nhận thấy bất kỳ dấu vết nào của sự tăng trưởng kinh tế bền vững (ngoài các bong bóng) từ những đổi mới tài chính này. Cùng lúc đó, các thị trường tài chính đã không đổi mới theo cách để có thể hỗ trợ các công dân bình thường trong việc đơn giản là quản lý rủi ro của sự sở hữu nhà. Những cải tiến, lẽ ra đã giúp người dân và các quốc gia quản lý được các rủi ro quan trọng khác mà họ phải đối mặt, trên thực tế lại là vô hiệu. Các quy định phù hợp đã có thể làm công cuộc đổi mới chuyển hướng theo cách thức làm tăng hiệu quả của nền kinh tế và bảo vệ được các công dân của chúng ta.
Không ngạc nhiên gì cả, ngành tài chính đã cố gắng đổ lỗi sang nơi khác – khi tuyên bố của họ rằng đây chỉ là một tai nạn (một cơn bão “ngàn năm có một”) đã bị người ta bỏ ngoài tai.
Những nhân vật trong ngành tài chính thường đổ lỗi cho Cục dự trữ Liên bang vì đã khống chế lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài. Nhưng cố sức đổ lỗi kiểu này là “hơi lạ”: những lĩnh vực ngành nghề khác sẽ nói gì khi nguyên nhân của mức lợi nhuận thấp và hiệu quả hoạt động kém của họ lại là chi phí đầu vào (thép, tiền lương) quá thấp? “Khoản đầu vào” chính yếu của giới ngân hàng là chi phí cho các nguồn tài trợ của họ, và các quan chức ngân hàng dường như đã phàn nàn rằng FED đã làm cho tiền trở nên quá rẻ! Chẳng hạn, lẽ ra đã có những khoản tài trợ với chi phí thấp được sử dụng hiệu quả, nếu các khoản tiền được dùng để đầu tư vào công nghệ mới hoặc mở rộng các doanh nghiệp, và chúng ta đã có một nền kinh tế với sức cạnh tranh cao và tính năng động.
Các quy định lỏng lẻo, nhưng không có chuyện dễ dàng đi vay tiền, cũng có thể không dẫn đến tình trạng bong bóng. Nhưng quan trọng hơn, khi người ta dễ dàng vay tiền, qua một hệ thống ngân hàng hoạt động tốt hay được quản lý tốt đi nữa, thì vẫn có thể dẫn đến sự bùng nổ, vì nó sẽ diễn ra vào các thời điểm khác và tại những nơi khác. (Vì vậy, nếu các cơ quan thẩm định đã thực hiện tốt công việc của họ, thì các tài sản thế chấp sẽ ít được bán cho các quỹ hưu trí và các tổ chức khác hơn, và độ lớn của bong bóng có thể được hạ thấp đáng kể. Điều tương tự cũng có thể có, ngay cả khi các cơ quan thẩm định không làm tốt công việc của họ, nhưng các nhà đầu tư đã phân tích rủi ro một cách hợp lý). Nói ngắn gọn, sự kết hợp của những sai lầm này đã tạo nên quy mô của cuộc khủng hoảng.
Đến lượt mình, Greenspan và những người khác đã cố gắng quy trách nhiệm về lãi suất thấp cho các nước châu Á và cơn lũ thanh khoản từ tình hình dư thừa tiền gửi tiết kiệm của các quốc gia này. Một lần nữa, việc có thể nhập khẩu vốn theo các điều khoản ưu đãi hơn lẽ ra phải là một lợi thế, một điều may mắn. Nhưng có một tuyên bố đáng chú ý: FED đã nói rằng, thực ra, họ không còn có thể kiểm soát được mức lãi suất ở Hoa Kỳ. Tất nhiên, họ có thể làm điều đó; nhưng FED đã chọn lựa để giữ mức lãi suất thấp, phần nào vì các lý do mà tôi đã trình bày.
Nhiều quan chức ngân hàng, có thể xem là đã đối xử rất bạc với những người đã cứu sống họ, đã đổ lỗi cho chính phủ – kiểu “ăn cháo đá bát”. Họ đổ lỗi cho chính phủ đã không ngăn họ lại – y như một thằng bé con bị bắt quả tang khi ăn trộm kẹo bánh trong cửa hàng lại đổ lỗi cho chủ tiệm hoặc cảnh sát vì họ lơ đễnh nhìn sang nơi khác, khiến nó tin rằng có thể kiếm chác được chút đỉnh rồi chuồn êm. Nhưng lập luận này là càng không chính trực, bởi vì các thị trường tài chính đã trả tiền để mấy tay “cảnh sát” ra chỗ khác chơi.
Họ đã thành công khi đẩy lùi được những nỗ lực để điều tiết các công cụ phái sinh và hạn chế sự cho vay nặng lãi. Họ đã toàn thắng tại Mỹ. Mỗi chiến thắng đều đem lại nhiều tiền hơn cho họ, và lượng tiền này gây ảnh hưởng đến các tiến trình chính trị. Họ thậm chí đã tranh luận rằng: bãi bỏ các quy định giúp họ thu về nhiều tiền hơn, mà tiền bạc là dấu hiệu của sự thành công. Chẳng phải như vậy sao?.
Phe bảo thủ không ưa sự đổ lỗi như thế này của thị trường; nếu có một vấn đề đối với nền kinh tế, thì từ trong thâm tâm họ biết nguyên nhân thực sự phải là chính phủ. Chính phủ muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở, và các quan chức ngân hàng đã tự bào chữa rằng họ chỉ làm phần việc của mình. Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty tư nhân đã hình thành từ điểm khởi đầu là 2 cơ quan chính phủ, đã là chủ đề chính bị bêu riếu, khi xuất hiện một chương trình của chính phủ gọi là Luật tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act – CRA), theo đó khuyến khích các ngân hàng cho vay tới các cộng đồng không đủ điều kiện được phép đi vay. Lập luận tiếp theo là: nếu không có những nỗ lực này để cho người nghèo vay tiền, mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Đoạn kinh cầu nguyện này hầu như là hoàn toàn vô nghĩa. Khoản giải cứu gần 200 tỷ dollar cho AIG (một tập đoàn tài chính và bảo hiểm lớn của Hoa Kỳ – ND) (số tiền rất lớn xét theo mọi góc độ) là dựa trên các công cụ phái sinh (hoán đổi rủi ro tín dụng: credit default swap) – các ngân hàng đánh bạc với nhau. Các ngân hàng cũng không cần bất kỳ áp lực nào cho việc quân bình nhà ở mà vẫn tham gia được vào những hoạt động chứa đựng quá nhiều rủi ro. Sự đầu tư quá lớn vào bất động sản thương mại cũng chẳng dính líu gì đến chính sách về sở hữu nhà ở của chính phủ. Tương tự cho những trường hợp lặp đi lặp lại việc cho vay các khoản nợ xấu trên toàn thế giới rồi sau đó các ngân hàng nhiều lần được giải cứu.
Hơn nữa, tỷ lệ vỡ nợ khi cho vay theo CRA thực sự là so sánh được với các lĩnh vực cho vay khác – cho thấy rằng loại hình cho vay này, nếu được thực hiện tốt, sẽ không gây ra nhiều rủi ro. Mặc dù vậy, quan điểm thường được trình bày nhất lại là: nhiệm vụ của Fannie Mae và Freddie Mac là “cho vay hợp lý”, các khoản tín dụng dành cho các tầng lớp trung lưu. Các ngân hàng lại nhảy vào những khoản thế chấp dưới chuẩn – vào thời gian đó, Freddie Mac và Fannie Mae đã không làm – điều mà chính phủ không khuyến khích. Tổng thống có thể có một số bài diễn văn về quyền sở hữu trong xã hội, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các ngân hàng quan tâm lời tổng thống phát biểu.
Một chính sách phải được đi kèm với những cây gậy và các củ cà rốt, đằng này đã chẳng có gì. (Nếu một bài diễn văn là thành công, thì sự hối thúc lặp đi lặp lại của Obama yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại các khoản thế chấp nhiều hơn và cho các doanh nghiệp nhỏ vay nhiều hơn đã có thể mang lại một số kết quả). Ngoài ra, chủ trương ủng hộ sự sở hữu nhà cửa ở đây có nghĩa là quyền sở hữu vĩnh viễn, hoặc ít nhất cũng là dài hạn. Chẳng có ích lợi gì khi bạn cho ai đó vào một căn nhà trong vài tháng rồi sau đó mời người đó ra đường khi đã tước đoạt hết tiền tiết kiệm của anh ta. Nhưng các ngân hàng đã làm vậy. Tôi không nhận thấy bất kỳ quan chức chính phủ nào nói rằng bên cho vay nên tham gia vào các thực hành cho vay nặng lãi, cho vay vượt quá khả năng thanh toán của người đi vay, với các khoản thế chấp vừa có rủi ro cao vừa có chi phí giao dịch lớn.
Sau đó vài năm khi khu vực kinh tế tư nhân đã phát minh ra các khoản thế chấp độc hại (tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn trong chương 4), các đơn vị được tư nhân hóa và ít chịu sự kiểm soát như Fannie Mae và Freddie Mac đã quyết định tham gia vào cuộc vui này. Những nhà điều hành của họ suy nghĩ, tại sao lại không thể hưởng lợi giống như những người khác trong ngành? Trớ trêu thay, trong khi làm điều đó, họ đã giúp khu vực tư nhân tháo gỡ một số sai lầm: nhiều khoản thế chấp được chứng khoán hóa đã làm tổn thương bảng cân đối của chính họ. Nếu họ đã không mua lại, những vấn đề trong khu vực kinh tế tư nhân có thể sẽ tồi tệ thêm, nhưng khi mua lại nhiều chứng khoán, họ đã giúp bong bóng phình to hơn.
Như tôi đã đề cập trong phần lời nói đầu, tìm hiểu xem những gì đã xảy ra cũng như việc “bóc vỏ một củ hành”: mỗi lời giải thích lại gợi ra những câu hỏi mới. Khi bóc vỏ củ hành này, chúng ta cần phải hỏi: tại sao các lĩnh vực tài chính lại thất bại nặng nề, không chỉ trong việc thực hiện chức năng xã hội quan trọng của nó, mà còn ngay cả trong việc phục vụ các cổ đông và trái chủ16? Những vị quản lý điều hành trong các định chế tài chính có vẻ như đã khăn gói ra đi với chiếc túi lép kẹp – túi sẽ căng hơn nếu tai nạn đã không xảy ra, nhưng thế vẫn còn tốt hơn các cổ đông nghèo của Citibank khi họ nhìn thấy khoản đầu tư của mình hầu như biến mất.
Các tổ chức tài chính phàn nàn rằng các cơ quan điều tiết đã không ngăn họ lại trước các hành vi xấu. Nhưng chẳng phải là các doanh nghiệp đều có nghĩa vụ phải tự mình hành xử đúng đắn hay sao? Trong những chương sau, tôi sẽ đưa ra một lời giải thích đơn giản: những động cơ sai lầm. Nhưng sau đó chúng ta phải lật ngược lại vấn đề: Tại sao lại có những động cơ sai lầm? Tại sao thị trường lại không “xử lý kỷ luật” các công ty có cơ cấu khuyến khích sự sai trái, theo như lý thuyết phổ biến vẫn thường thấy? Câu trả lời cho những vấn đề này là rất phức tạp, nhưng bao gồm một hệ thống quản trị doanh nghiệp khiếm khuyết, việc yêu cầu thực thi luật cạnh tranh là không đầy đủ, thông tin không hoàn hảo và sự hiểu biết không đúng đắn về rủi ro từ phía các nhà đầu tư.
Trong khi lĩnh vực tài chính chịu trách nhiệm lớn nhất, các cơ quan điều tiết cũng đã không làm những công việc mà họ nên làm: đảm bảo rằng các ngân hàng không có hành vi xấu, không tái phạm nhiều lần. Một số nhân vật trong các khu vực ít bị quản lý trên thị trường tài chính (như các quỹ phòng hộ), khi chứng kiến những vấn đề xấu nhất lại xảy ra trong những mảng được quản lý rất chặt (các ngân hàng), mau mắn kết luận rằng chính quy định mới là vấn đề. “Chỉ khi nào họ cũng không bị kiểm soát như chúng tôi, thì các vấn đề sẽ không bao giờ xảy ra”, họ tranh luận như vậy. Nhưng họ đã bỏ qua những điểm quan trọng:
Lý do các ngân hàng được kiểm soát là vì sự đổ vỡ của chúng có thể gây ra những thiệt hại lớn cho phần còn lại của nền kinh tế. Lý do tại sao có ít quy định cần thiết dành cho cho các quỹ phòng hộ, ít nhất là cho những đơn vị nhỏ hơn, là vì chúng chỉ có thể gây ra tổn thất ít hơn. Các quy định không khiến cho các ngân hàng có hành vi xấu; chỉ là thiếu sót trong quy định và việc cưỡng chế thực thi đã không ngăn cản được các ngân hàng nhiều lần áp đặt chi phí lên phần còn lại của xã hội. Thật ra, điều này là khả thi: Đã từng có một khoảng thời gian trong lịch sử nước Mỹ khi ngân hàng không áp đặt các chi phí này trong một phần tư thế kỷ sau Chiến tranh Thế giới II, khi đó những quy định nghiêm ngặt được thực thi một cách có hiệu quả.
Một lần nữa, sự thất bại của các quy định trong một phần tư thế kỷ vừa qua cần phải được tìm hiểu: câu chuyện tôi kể dưới đây cố gắng tìm ra sự liên hệ giữa những thất bại này với ảnh hưởng chính trị của các nhóm lợi ích đặc biệt, nhất là của những người trong ngành tài chính đã kiếm được tiền từ việc bãi bỏ các quy định (nhiều khoản đầu tư kinh tế của họ đã “bốc mùi chua”, nhưng họ sắc sảo hơn rất nhiều trong lĩnh vực đầu tư chính trị), và đến cả ý thức hệ – những ý tưởng cho rằng quy định là không cần thiết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận