![]() |
Học sinh Trường tiểu học xã Kon Brung, Mang Yang, Gia Lai trong giờ học đánh vần - Ảnh: Hoài Linh |
Trong khi chờ Quốc hội Việc soạn thảo và ban hành bộ luật ngôn ngữ chắc chắn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, công sức và thời gian. Trong khi đó, hằng ngày, hằng giờ, tiếng Việt đang phải hứng chịu rất nhiều tác động xấu - thậm chí là sự phá phách - đến mức nhiều người đã kêu gào phải “giải cứu”. Mặt khác, một cách vô tình chúng ta cũng đang “bị động tham gia” vào việc viết và đọc tiếng Việt một cách tùy tiện, không buộc phải theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào cả. Để kéo dài tình trạng này ngày nào thì diện mạo của tiếng Việt càng xấu đi ngày ấy. Do đó, trong khi chờ Quốc hội ban hành một bộ luật hoàn chỉnh về ngôn ngữ, cần sớm có sự can thiệp, chấn chỉnh kịp thời và quyết đoán từ phía Chính phủ hoặc một cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ thẩm quyền nhằm khắc phục tình trạng viết và đọc tiếng Việt bất nhất, tùy tiện. Có lẽ trước nhất là như vậy |
Chẳng hạn, đối với tên riêng tiếng nước ngoài, liệu phải viết theo phiên âm hay viết nguyên dạng: Giăng Pôn Xactơrơ hay Jean Paul Sartre (triết gia Pháp), Uliêm Sêchxpia hay William Shakespeare (nhà soạn kịch Anh), Pa ri hay Paris (thủ đô nước Pháp), phố Uôn hay Wall, Tếch xớt, Tếch xát hay Texas (các địa danh ở nước Mỹ)...?
Đó là với tên riêng tiếng Anh, tiếng Pháp tương đối khá quen thuộc với chúng ta, còn với các thứ tiếng không thuộc hệ chữ Latin như Lào, Triều Tiên, Ả Rập... thì viết ra sao? Nếu viết theo phiên âm thì viết liền nhau thành một khối hay phải viết rời từng âm tiết? Chẳng hạn: ôtô và ô tô, càphê và cà phê, nitơ và ni tơ, tivi và ti vi, xìcăngđan và xì căng đan... Nếu viết rời ra có cần thêm dấu gạch nối giữa các âm tiết - chẳng hạn ti-vi, cà-phê - hay không? Đâu là quy tắc chuẩn mực?
Còn nữa, khi viết tắt có sử dụng dấu chấm sau mỗi chữ viết tắt hay không? Viết bằng chữ in hoa hết cả hay có thể viết chữ thường? Chẳng hạn chỉ một cái tên Thành phố Hồ Chí Minh mà ít nhất đang tồn tại mấy cách viết tắt khác nhau: TPHCM, T.P.H.C.M., TP. HCM, Tp.HCM... Cách nào là đúng?
Sự bất nhất, lộn xộn, viết và đọc sao cũng được đã gây ra lắm khó khăn, trở ngại cho việc dạy và học tiếng Việt cũng như trong mọi hoạt động thông tin, giao tiếp thường ngày. Thoạt nhìn có vẻ chi tiết, cụ thể, nhưng thật ra nó động đến những quan niệm, nguyên tắc căn bản của ngôn ngữ học như bản sắc dân tộc, tính hệ thống, tín hiệu thông tin, sự tiện dụng, xu hướng tự phát trong ngôn ngữ... Và vì quá nhiều nên không thể nhét hết vào cái giỏ ngoại lệ.
Các cơ quan trung ương như Ủy ban Khoa học xã hội VN, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Nội vụ... từng ban hành một số văn bản hướng dẫn hoặc quy định tạm thời về cách viết hoa hoặc phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt. Tuy nhiên, các quy định này thường chỉ là tạm thời, có hiệu lực giới hạn trong một lĩnh vực, một phạm vi quản lý hoặc một ngành. Chúng không đủ sức ràng buộc thực thi một cách chặt chẽ và thống nhất trên mọi lĩnh vực cho toàn xã hội. Đã có những quy định dần rơi vào quên lãng.
Rõ ràng việc Quốc hội ban hành một bộ luật ngôn ngữ như nhiều ý kiến đề nghị là điều hết sức đúng đắn, cần thiết. Một bộ luật như thế không chỉ giải quyết căn bản tình trạng bất nhất, lộn xộn trong cách viết và đọc tiếng Việt, mà còn là nền tảng pháp lý để giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng như: chiến lược bảo vệ, phát triển tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; việc nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ; ngôn ngữ và hội nhập...
Chúng ta có Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học, có Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (các bộ quản lý các ngành vốn có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ)... - các cơ quan ấy cần ngồi lại để cùng bàn bạc, soạn thảo những quy định thống nhất về cách đọc chữ cái tiếng Việt, cách viết hoa, viết tắt, viết theo phiên âm... dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Các quy định này được xây dựng trên những quyết định chọn lựa dứt khoát: thống nhất chọn cách A hoặc chọn cách B, hoặc chính thức chấp nhận tình trạng song song tồn tại của một số trường hợp.
Trong bối cảnh như hiện nay, có lẽ nên đưa ra những giải pháp tương đối hợp lý, không quá câu nệ lý thuyết và khả thi. Điều quan trọng nhất một khi được chế định thành văn bản pháp luật, nó phải có hiệu lực ràng buộc pháp lý trong mọi lĩnh vực trên toàn quốc và được thực thi một cách nghiêm chỉnh, đặc biệt chú ý đến các ngành giáo dục và truyền thông đại chúng.
Xin đừng để muộn hơn nữa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận