Ngay sau khi phẫu thuật, tôi nói nhỏ nhưng vẫn phát ra thanh. Sau 2-3 ngày, tiếng ngày càng nhỏ và bị khàn. Hiện tôi vẫn nói nhỏ và khàn, không phải tiếng gió, có thanh âm nhưng nhỏ, người đối diện phải ngồi gần mới nghe. Xin hỏi tình trạng của tôi liệu có thể nói lại, tất nhiên không thể như cũ nhưng liệu có nói bình thường được không?
Các bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương giải thích là vết mổ sưng tấy chèn vào thanh quản, khi hết sưng, sau 1-2 tháng tình trạng này sẽ hết. Liệu tôi có nên hi vọng như thế? Tôi đang rất hoang mang vì tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi sau này.
Pham My Nuong
- Trả lời của Phòng mạch Online:
Khàn tiếng (hay thay đổi giọng nói) là một trong số các biến chứng có thể xảy ra khi mổ tuyến giáp. Sự thay đổi này do tổn thương của các cấu trúc vùng cổ liên quan đến sự phát âm, có thể do sự phù nề, sưng tấy sau mổ của dây thanh và các cơ vùng cổ, hoặc do chèn ép dây thần kinh điều khiển dây thanh. Các trường hợp nhẹ, giọng nói sẽ phục hồi dần sau vài tuần, có khi vài tháng mới trở về (gần như) bình thường.
Trường hợp nặng nhất là sợi thần kinh điều khiển dây thanh bị cắt đứt trong khi mổ. Tình huống này người bệnh có biểu hiện khò khè, khàn giọng, ăn uống bị sặc… Nếu cả hai dây thần kinh đều bị tổn thương (mỗi người có 2 dây thần kinh quặt ngược thanh quản điều khiển 2 dây thanh hai bên), người bệnh có dấu hiệu khó thở ngay sau mổ, mất tiếng, uống sặc... Biến chứng này khá nghiêm trọng và rất khó phục hồi.
Những biến chứng trên là những rủi ro có thể xảy ra khi mổ tuyến giáp. Trong trường hợp của chị, nếu chỉ mới mổ vài tuần thì cần có thời gian để giọng nói phục hồi, và dựa theo chi tiết chị mô tả là còn tiếng nói rõ, không bị sặc khi ăn uống, nhiều khả năng chị chỉ bị tổn thương nhẹ do phù nề, sưng tấy sau mổ gây ra, không phải là dấu hiệu của liệt dây thanh do dây thần kinh bị đứt. Cấu trúc vùng cổ cũng bị thay đổi sau mổ và hình thành sẹo nên làm các động tác nuốt và nói bị ảnh hưởng, không còn hoàn toàn giống như trước. Tuy nhiên, những rối loạn này giảm dần theo thời gian và cần nhiều tháng để người bệnh quen dần với tình trạng mới này, cũng như không còn cảm giác khó chịu.
Một điều cần lưu ý về bệnh Basedow của chị, mặc dù đã được điều trị nội khoa và đã mổ cắt một phần tuyến giáp, diễn tiến tiếp theo có thể là ổn định lâu dài, cũng có thể tái phát cường giáp nhưng khả năng bị suy giáp là khá cao. Chị cần định kỳ theo dõi kiểm tra chức năng tuyến giáp (đo TSH và FT4, FT3) nhằm phát hiện sớm các tình huống (suy giáp hoặc cường giáp) xảy ra.
Chào chị và chúc chị mau phục hồi.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận