ThS.BS Phan Hữu Phước, Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết ở những lứa tuổi khác nhau thì biểu hiện của tình trạng rối loạn chú ý tập trung cũng khác nhau: Ở học sinh thì thể hiện ở việc học lực giảm sút, biểu lộ sự lơ đãng, phân tán, hành động vô thức, không chú ý nghe giảng...; ở người độ tuổi đi làm thì có triệu chứng năng suất làm việc kém đi, không tập trung làm bất cứ việc gì; ở độ tuổi cao hơn, khoảng 40 - 50 tuổi thường có triệu chứng giảm trí nhớ. Biểu hiện của tình trạng rối loạn tập trung tương đối đa dạng, tùy theo lứa tuổi, tùy theo công việc và lĩnh vực làm việc.
Khi bị tình trạng rối loạn tập trung, người bệnh có một số biểu hiện mà ta có thể tự đánh giá. Những biểu hiện này thông thường phải kéo dài trên 6 tháng, chẳng hạn như: Luôn không chú ý đến người đang trực tiếp nói chuyện với mình; thường không hoàn tất được bài vở, công việc và đôi khi gặp khó khăn trong việc tổ chức các công việc của mình; có những bất cẩn trong học tập, trong công việc hoặc trong hoạt động; người bệnh thường khó khăn khi phải duy trì một công việc. Người bị bệnh thường né tránh hoặc không thích tham gia những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ. Một biểu hiện nữa của người bị rối loạn tập trung là hay quên, thường xuyên để thất lạc các đồ đạc và các vật dụng thường sử dụng, rất dễ bị phân tâm bởi những kích thích bên ngoài.
Vấn đề rối loạn chú ý tập trung không hẳn là một trạng thái bệnh lý mà nó có liên quan đến vấn đề sức khỏe, về phát triển tâm lý và tâm thần nhiều hơn. Ở trẻ em, để khắc phục tình trạng này, chúng ta có thể cho bé thực hiện những bài tập tăng sự chú ý tập trung như chơi game, chơi ô số sokudo, những trò chơi mang tính tập trung nhiều. Trong một số trường hợp, mất chú ý tập trung là do sự quá tải trong công việc, trong học tập, nên sắp xếp lại công việc, học tập một cách hợp lý giúp não bộ có thời gian nghỉ ngơi để có thể tiếp thu và xử lý các thông tin từ bên ngoài một cách tốt hơn. Cuối cùng là bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ, bác sĩ có thể cho sử dụng một số nhóm thuốc khác nhau để hỗ trợ hoặc điều chỉnh hành vi, cải thiện giấc ngủ hoặc dùng những biện pháp tâm lý để người bệnh có thể có những trạng thái tập trung cao hơn.
Cũng theo ThS.BS Phan Hữu Phước, khi có người trong gia đình hay bản thân có những vấn đề liên quan đến rối loạn tập trung thì nên đến gặp thầy thuốc. Vì điều trị là một quá trình không đơn giản. Nếu để tình trạng bệnh lý kéo dài hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc mà không qua sự tư vấn của bác sĩ, có thể sẽ gây ra những thay đổi về nhân cách, thậm chí thay đổi về cử chỉ hành vi, làm cho tình trạng bệnh nặng hơn khiến cho việc điều trị càng trở nên khó khăn.
![]() |
Tập luyện thể dục thể thao giúp não bộ thư giãn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận