22/02/2005 00:04 GMT+7

Rời Chà Vum sống đời du mục

THÁI SƠN NGỌC
THÁI SƠN NGỌC

TT - Chà Vum nằm cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 15km về hướng tây - bắc, được xem là “đại bản doanh” của vùng kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc có sừng của tỉnh Ninh Thuận.

VtW9ugPS.jpgPhóng to
Đàn bò chạy đồng của những người nông dân du mục
TT - Chà Vum nằm cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 15km về hướng tây - bắc, được xem là “đại bản doanh” của vùng kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc có sừng của tỉnh Ninh Thuận.

Ấy vậy mà cái hạn đã biến vùng Chà Vum trở thành “chảo lửa” khổng lồ. Mọi thứ cây cỏ đều bị nắng gió thiêu rụi. Mọi ao hồ đều bị vắt khô kiệt. Đàn bò, đàn dê, cừu đói khát trơ xương. Chúng ăn cả xương rồng và giẻ rách! Các chủ trang trại chăn nuôi bò đành phải ngậm ngùi nói lời từ biệt với đồng đất Chà Vum...

Chảo lửa Chà Vum

Đi bên lão nông Thành Tầm dưới cái nắng trưa như đổ lửa giữa vùng Chà Vum bạt ngàn gió hú, ông lặng lẽ giãi bày: “Tuy Phan Rang nổi tiếng là vùng khô hạn nhất cả nước nhưng mấy năm trước ít nhiều trời còn có mưa. Đàn bò còn có cái ăn cái uống cầm hơi. Đâu như năm ngoái, năm nay, cả năm chỉ có đôi ba cây mưa lớt phớt không đủ ướt áo lấy đâu ra nước cho cỏ mọc, cho trâu bò uống. Tui đã một đời gắn bó với con bò. Nhờ nó mà tui xây được nhà, nuôi được con cái ăn học. Cả mấy trăm hộ ở làng Chăm Lương Tri sống nhờ bò...” .

Sinh trưởng ở làng Chăm Lương Tri (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), lão nông Thành Tầm, 72 tuổi đời và đã tròn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò đàn. Với 200 con cừu và 50 con bò, tên tuổi của lão nông Thành Tầm được xếp vào hàng trang trại “đầu bảng” của làng Chăm Lương Tri nổi tiếng có nghề chăn nuôi phát triển vào loại bậc nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nhưng chưa năm nào ông thấy hạn hán kéo dài như thế này.

Chỉ vào cây rơm cao ngất ngưởng nằm phía sau chuồng bò trống không, ông nói: “Mấy năm trước bà con gặt lúa cho mình chở rơm miễn phí. Bây giờ rơm cũng mắc như... vàng! Một xe máy cày rơm bà con bán giá 400.000 đồng. Tui mua tám xe rơm mất đứt 3,2 triệu đồng. Rơm chở về chất chưa kịp cho bò ăn thì phải lo chạy đồng kiếm nguồn nước uống. Nhịn đói còn gắng được đôi ba ngày chớ nhịn khát một bữa là chết liền. Tui cũng đã đầu tư 6 triệu đồng đào ao sâu 3m, cũng có chút đỉnh nước nhưng thất vọng vì hạn hán làm nước sắc lại mặn hơn... muối!”.

xTE5Jsli.jpgPhóng to
Hạn hán khốc liệt làm các nguồn nước đều cạn kiệt
Cuộc du mục đầu tiên

Đối với đàn dê, cừu có thể tiếp tục đứng chân tại chuồng để hằng ngày chở nước và chở cỏ từ nhà lên tiếp tế. Nhưng với đàn bò mà tiếp tục đứng tại vùng khô hạn Chà Vum thì sớm muộn gì rồi cũng phải đem đi nấu... cao! Vì thế, lão nông Thành Tầm khởi xướng phương án đưa bò chạy đồng kiếm nước.

Ông đưa ra bàn bạc được các chủ trại chăn nuôi hưởng ứng đưa bò về hạ nguồn của hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm. Bà con tỏa đi tiền trạm tìm đồng rạ đứng chân, mua lưới thép B.40 làm chuồng tạm, mua bạt nilông dựng lên làm lều. Thế rồi cả đêm ngày 1 rạng ngày 2-1-2005, mấy chục hộ chăn nuôi bò ở Chà Vum không ngủ. Họ thao thức chờ đến giờ G là “phát lệnh” lùa bò sang các huyện Ninh Hải, Ninh Phước làm cuộc du mục đầu tiên. Đúng 3 giờ sáng, thời điểm an toàn cho sự dịch chuyển đàn bò với số lượng lớn, đàn bò của lão nông Thành Tầm xuất phát mở đường cho đàn bò các hộ Đạo Bùi, Hán Văn Phép, Thành Sản, Đạo Văn Phái...

Từ Chà Vum, “đoàn quân” dịch chuyển băng qua vùng Nha Hố rồi vượt sông Dinh. Đúng 5 giờ sáng 2-1-2005, đàn bò du mục trên 500 con của họ đã có mặt tại đồng ruộng xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Một nhóm khác ngược ra xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải). Lão nông Thành Tầm và những chủ trang trại khác bắt đầu những ngày ngủ đất nằm sương của người dân chăn bò du mục. Có thể nói đây là cuộc du mục đầu tiên trong lịch sử nghề chăn nuôi bò đàn của những người dân làng Chăm Lương Tri. Hạn hán làm giá bò, dê, cừu tuột đến thảm hại. Một con bò nái sinh sản đẹp trước đây giá 7-8 triệu, hiện chỉ còn 4-5 triệu đồng mà bán không ai mua. Bò thiếu cỏ, thiếu nước ốm trơ xương. Con nào yếu quá thì chủ phải chích thuốc bổ và cho ăn thêm cỏ để bồi dưỡng. Mới chạy đồng 50 ngày nhưng họ đã phải dịch chuyển đàn bò qua sáu điểm với đường đất hơn 40km. Khi bà con bắt đầu cày ruộng bỏ ải là họ lại phải lùa bò đi nơi khác. Một lần lùa bò đi là phải dựng lại lều, làm lại chuồng, gian khổ biết bao! Chúng tôi ngồi uống trà với những người chăn bò du mục trước mái lều ngay sát chuồng bò dã chiến trong buổi chiều chạng vạng. Bếp lửa đỏ than hồng bên mép ruộng chờ những nồi cơm chín tới. Đàn bò bị chủ nhốt trong chuồng chật hẹp, chúng giẫm đạp lẫn nhau í ọ vang trời. Già làng Thành Tầm lặng lẽ nhìn về hướng núi xa xăm. Ông chép miệng nói thầm: “Trời còn hạn tới tháng tám, liệu đàn bò có còn đủ sức để trở về cánh đồng Chà Vum?”.

Thịt bò phơi đỏ mái lều...

llf0oILp.jpgPhóng to
Thịt bò chết phơi khô trên mái lều
Chiều 20-2-2005, đến điểm dừng chân của những người chăn bò du mục tại cánh đồng Gò Muồng thuộc xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước), chúng tôi nhìn thấy thịt bò phơi đỏ mái lều. “Cứ vài ba ngày là có một con bò chết do kiệt sức” - anh Thành Ngọc Lạc, 45 tuổi, một thành viên trong nhóm du mục của lão nông Thành Tầm - buồn bã nói. Bò chết, anh em xẻ thịt ngâm muối phơi lên mái lều.

Nhìn thấy bò ngã quị lòng ai cũng như muối xát nhưng biết làm sao. Bò chết, anh em chạy kêu các chủ lò và họ trả giá rẻ như... cho. Một con bò 2-3 tạ ngã xuống cũng chỉ bán cho hàng thịt được 300.000-500.000 đồng. Nhiều lúc ối thịt bò chết, họ không chịu thu, đành phải xẻ thịt. Tay cầm dao xẻ thịt bò mà lòng đau như cắt. Con bò là cả sản nghiệp của gia đình... Trâu bò, dê cừu của tỉnh Ninh Thuận đang chịu chung cảnh tai ương.

THÁI SƠN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên