06/06/2010 05:58 GMT+7

Rich Ting hồi hộp đóng phim sử Việt

CHÂU TÂM
CHÂU TÂM

TT - Rich Ting, chàng diễn viên người Mỹ từng gọi năm 2010 là "Năm Việt Nam" (Tuổi Trẻ 14-3-2010), đã "bật mí" về dự án phim truyền hình anh đang tham gia: vai diễn tùy tướng Xôn Sa Ma trong bộ phim lịch sử Huyền sử thiên đô.

sHRmNX7d.jpgPhóng to
Rich Ting vai Xôn Sa Ma trong phim Huyền sử thiên đô - Ảnh: nhân vật cung cấp

Xôn Sa Ma là nhân vật hư cấu nghệ thuật của tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn. Là tùy tướng thân cận của Lê Long Ðĩnh, Xôn Sa Ma đặc biệt trung thành với chủ dù ông vua này yêu thương hay tàn nhẫn, bộc trực hay mưu mô... Giỏi võ, tóc dài cột dây thun, ngoại hình, thần thái của Rich Ting phù hợp với vai diễn "hô phong hoán vũ".

* Ðã bao giờ Rich Ting tham gia một bộ phim lịch sử?

- Thật hồi hộp và phấn khích vì đây là dự án phim lịch sử đầu tiên trong nghiệp diễn của tôi! Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự dũng mãnh và tính cách bộc trực của Xôn Sa Ma. Tôi cũng rất thích những bộ trang phục, đạo cụ diễn xuất cũng như những địa điểm quay phim tuyệt đẹp. Hầu hết cảnh quay được thực hiện ở những vùng xa xôi, yên tĩnh như Hòa Bình, Mai Châu... Ðây quả thật là một may mắn, nếu không là một thành viên của dự án này, tôi đã không có cơ hội để biết tới phong cảnh nông thôn, miền núi Việt Nam.

Rich Ting sinh tại California, Mỹ, thừa hưởng nét đẹp Á Đông của cha là người gốc Trung Quốc và mẹ gốc Nhật Bản. Là người mẫu cho nhiều hãng thời trang: Giorgio Armani, Roberto Cavalli, Calvin Klein Jeans, Adidas..., Rich Ting còn được biết đến ở Hollywood với vai trò một diễn viên và diễn viên đóng thế các pha nguy hiểm nhờ khả năng võ thuật từ nhỏ.

* Vì Xôn Sa Ma, Rich Ting đến tận nhà trao đổi với tác giả kịch bản?

- Vâng, trước khi khởi quay, tôi có nhiều dịp gặp gỡ nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn và cả đạo diễn Ðặng Tất Bình. Xôn Sa Ma là một tùy tướng thân cận của Lê Long Ðĩnh nhưng là người Xiêm, vì vậy anh ấy không cần phát âm như người Việt chính gốc. Tôi rất thích cách tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn xây dựng nhân vật, đầu phim vị tướng này ít nói, càng về sau càng có đất diễn và thoại nhiều hơn.

Mặc dù có rào cản về ngôn ngữ, nhưng để giúp tôi hiểu về bộ phim và tính cách Xôn Sa Ma, hai nhà làm phim đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin, giảng giải về bối cảnh lịch sử... Sau đó, tôi kết hợp lời khuyên của mọi người với cảm nhận của riêng mình về nhân vật để tìm ra cách đóng tốt nhất.

* Anh đã quen với môi trường làm phim ở Việt Nam chưa?

- Khó khăn lớn nhất của tôi khi đóng phim ngoài biên giới Mỹ là rào cản ngôn ngữ. Ðạo diễn Tất Bình đã có sự "ưu tiên" nho nhỏ, cho phép tôi được diễn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nói như thế để biết những cảnh quay khó nhất với tôi là những cảnh diễn chung, đòi hỏi tôi phải có sự giao lưu với các diễn viên khác. Tôi không hiểu hết phần tiếng Việt của bạn diễn dù thuộc cảnh và thoại của các bạn.

Vượt qua khó khăn này, cái còn lại là hòa nhập với đồng nghiệp Việt Nam. Mọi người thường yêu cầu tôi so sánh ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood và Việt Nam. Còn tôi tự thấy mình nên nhìn nhận những tiến bộ Việt Nam đang có. Chính điều đó đã mang lại cho những diễn viên như tôi cơ hội làm việc tại Việt Nam.

Phim lịch sử: cuộc đua nước rút

Một cuộc chạy đua nước rút thầm lặng đang diễn ra giữa những dự án phim truyện lịch sử dự tính thực hiện năm 2010.

Bấm máy tháng 12-2009, Lý Công Uẩn - Ðường đến thành Thăng Long (êkip làm phim hợp tác với Trung Quốc), một trong hai bộ phim về vua Lý Thái Tổ đang hoàn tất giai đoạn hậu kỳ. Thông tin từ đoàn phim cho biết dự kiến trung tuần tháng 8 phim sẽ ra mắt DVD trước khi trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia và địa phương. Ðể truyền tải được sức nặng của thời đại, đồng thời đảm bảo thời lượng phát hành chuẩn quốc tế, phim cũng kéo dài nội dung từ 12 lên 20 tập.

Một bộ phim khác về vua Lý Thái Tổ, Khát vọng Thăng Long (biên kịch Phan Ðăng Di và nhóm biên kịch Khát vọng Thăng Long; đạo diễn: Lưu Trọng Ninh), phá vỡ tin đồn đổ bể với thông báo bấm máy vào ngày 6-6. Hai bộ phim dựa vào xã hội hóa này được kỳ vọng xóa đi phần nào nỗi lo không có phim về vua Lý Thái Tổ trình chiếu trong dịp kỷ niệm.

Thái sư Trần Thủ Ðộ (biên kịch: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Ðào Duy Phúc) do UBND TP Hà Nội đặt hàng Hãng Phim truyện I dự kiến trình duyệt và bàn giao 10 tập đầu tiên vào trung tuần tháng 9-2010.

Bấm máy muộn hơn là một số dự án phim truyền hình mới: Huyền sử thiên đô, Ðinh Tiên Hoàng... Khởi quay tháng 5-2010, Huyền sử thiên đô đặt mục tiêu trình chiếu 20 tập đầu tiên, dự kiến trên VTV3 vào tháng 10-2010. Trong khi đó, Ðinh Tiên Hoàng (biên kịch: Nguyễn Hạnh Lê, đạo diễn: Trần Tuấn Hiệp) vừa khởi quay tháng 5-2010, dự kiến dài năm tập được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư. Kèm theo đó các thành viên trong đoàn cũng được yêu cầu chỉ xuất hiện trên báo chí khi UBND tỉnh có văn bản cho phép.

Bộ phim nhựa hiếm hoi Long Thành cầm giả ca (biên kịch: Văn Lê, đạo diễn: Ðào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng) cũng đang hối hả ở khâu hậu kỳ để kịp hoàn thành trong tháng 7.

"Giao nộp" sản phẩm đúng thời hạn với chất lượng tốt nhất - đó là điều khán giả mong mỏi trước những dự án phim lịch sử đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm này.

CHÂU TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên