01/05/2018 10:26 GMT+7

Rèn chữ ở Tả Van

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TTO - Những năm trước, học sinh Tả Van hay bỏ học, trốn lên núi để tìm cây thuốc, lan rừng mang xuống chợ bán. Thầy cô lại lặn lội đến tận các bản xa để vận động, đưa các em đến trường.

Rèn chữ ở Tả Van - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học ở Tả Van trong giờ học Ảnh: Thế Lượng - Ảnh: THẾ LƯỢNG

Ở vùng đất xa xôi Tả Van (Sa Pa, Lào Cai), những ngôi trường khang trang đã được xây dựng. Tiếng trẻ thơ học bài vang vào triền núi ở xã vùng cao còn nhiều gian khó.

Tả Van có bảy bản, nằm trải đều dưới dãy Hoàng Liên Sơn mây phủ bốn mùa. Những tên bản của Tả Van gợi lên sự xa xôi của vùng đất này như: Tả Van Giáy 1, Tả Van Giáy 2, Tả Chải Mông, Tả Van Mông và Tả Chải Dao. Hai bản nằm sâu trong Vườn quốc gia Hoàng Liên là Séo Mý Tỉ và Dền Thàng.

“Những ngày mùa đông băng giá, đến được điểm trường thì người ướt sũng, mí mắt dính đầy sương

Cô giáo Nguyễn Thu Phương

Lặn lội bản xa đưa học sinh đến trường

Đứng ở trên đường nhìn xuống, Tả Van như một lòng chảo tuyệt đẹp. Nơi đây, những triền ruộng bậc thang của đồng bào Mông, Giáy, Dao thoai thoải theo triền núi. Những bản làng quần tụ bên suối.

Những con đường uốn lượn tựa những nét vẽ trên một bức tranh sơn thủy. Quanh năm mát mẻ nhưng cứ cuối thu, chớm đông thung lũng Tả Van trở nên giá lạnh khắc nghiệt. Đó cũng là những ngày khó khăn nhất của thầy cô giáo miền xuôi đến đây dạy học.

Ở Tả Van chỉ có 4-5 thầy cô giáo bản địa, còn lại chủ yếu giáo viên miền xuôi tình nguyện lên dạy học. Trong ký ức của thầy cô giáo, thật khó quên những ngày sương mù giăng kín lối đi của con đường 9,5km từ trung tâm thị trấn Sa Pa vào xã.

Những ngày mùa đông ấy, ngồi trên xe máy, lăn bánh trên con đường mưa trơn như đổ mỡ chỉ có lên "dây cót tinh thần" và thẳng tiến vào bản.

Cô Nguyễn Thu Phương - giáo viên mầm non, dạy học ở Tả Van đã 5 năm - chia sẻ: "Những ngày mùa đông băng giá, đến được điểm trường thì người ướt sũng, mí mắt dính đầy sương. Những ngày giá rét, học sinh mầm non, tiểu học đến điểm trường chân tay lạnh cóng.

Những năm trước, học sinh Tả Van hay bỏ học, trốn lên núi để tìm cây thuốc, lan rừng mang xuống chợ bán. Vì thế, để các em ra lớp đúng độ tuổi, thầy cô phải lặn lội đến tận các bản xa để vận động, đưa các em đến trường".

Khởi sắc giáo dục

Ông Giàng A Chúng - phó chủ tịch UBND xã Tả Van - cho biết mười năm trở lại đây giáo dục ở Tả Van đã có sự khởi sắc. Cả xã có ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Năm 2016, trường tiểu học và THCS được sáp nhập.

"Điều đáng mừng của giáo dục Tả Van là sáu điểm trường ở sáu thôn bản được đầu tư xây dựng những lớp học khang trang để dạy, học chữ ở tại thôn bản" - ông Giàng A Chúng hồ hởi nói.

Cũng theo ông Giàng A Chúng, những năm gần đây, Trường THCS Tả Van đổi thành Trường PTDT bán trú dành cho học sinh THCS đến từ các bản xa. Mô hình này tạo một mái ấm cho những đứa trẻ đến từ những bản Mông, bản Dao xa xôi ở lại học chữ.

Ngày ngày, ngoài giờ học, các em được thầy cô hướng dẫn tự học, vệ sinh phòng ở ngăn nắp, trồng rau xanh và được quây quần bên những bữa cơm bán trú nóng hổi.

"Chính nhờ điều này nên những năm gần đây, tỉ lệ học sinh bỏ học do không có điều kiện đến trường dường như không có. Hằng năm trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian để tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, làm cho các em gắn bó với trường lớp, với thầy cô hơn" - ông Giàng A Chúng nói thêm.

Vào dịp nghỉ hè, chủ nhật, học sinh Tả Van lại theo cha mẹ xuống núi tập làm du lịch. Khi được hỏi, nhiều trẻ ở Tả Van chia sẻ các em ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch sau này. Con đường để thực hiện ước mơ của các em hôm nay bắt đầu từ những nét chữ, những bài học trên lớp...

hoc sinh vung cao

Học sinh bán trú ở Tả Van quây quần bên bữa cơm ở nhà bán trú, giúp các em yên tâm ở lại trường học chữ - Ảnh: THẾ LƯỢNG

Gieo ước mơ cho trẻ bản làng

Ông Giàng A Chúng chia sẻ cuộc sống của người dân Tả Van tuy đã khác trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Do thiếu đất canh tác, ít ruộng nên tình trạng thiếu đói vẫn còn. Tuy nhiên, giáo dục Tả Van hôm nay nhận được sự tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ của đội ngũ thầy cô giáo đang ngày đêm cắm bản gieo mầm con chữ, gieo ước mơ cho con trẻ của các bản làng...

Con cái chúng ta viết chữ xấu do thời đại kỹ thuật số? Con cái chúng ta viết chữ xấu do thời đại kỹ thuật số?

TTO - Sau thời gian hào hứng với việc cho trẻ em tiếp cận với thiết bị công nghệ số, một số quốc gia bắt đầu nhận thấy rằng trẻ em đang bị quên đi cách viết chữ cho đúng, cho đẹp.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên