15/05/2017 16:45 GMT+7

​Rau sam: cây rau, cây thuốc kỳ diệu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Rau sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3.

Ngoài tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, có thể cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu.

Rau sam tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau Sam Portulacea. Rau sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu.

Theo y học cổ truyền, rau sam có vị chua tính lạnh, không có độc tính, vào ba kinh Tâm, Can và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm, nhuận trường lợi tiểu, thường được dùng trong các chứng viêm nhiễm, lở ngứa, kiết lỵ.

Theo y học hiện đại, rau sam bao gồm nhiều hoạt chất sinh học như chất đạm, chất béo, carbohydrate, một số khoáng chất và sinh tố. Theo Viện Vệ Sinh Hà Nội (1972), rau sam thu hái tại Việt Nam có 1,4% protid, 3% glucid, 1,3% tro, 85mg% calci, 5,6mg% phosphor, 1,5mg% sắt, 26mg% vitaC, 0,32mg% carotene, 0,03%mg vita.B1, 0,11mg% vita.B2, 0.07%mg vita.PP. Những nghiên cứu ở Đài Loan và Úc còn cho thấy trong rau sam có nhiều potasium nitrate và calcium oxalate.

Nhiều gia đình dùng rau sam để chế biến thức ăn vừa đơn giản vừa ăn ngon miệng mà có tác dụng trị một số bệnh, chứng thông thường.

+ Rau sam luộc: đơn giản nhất là rau sam luộc chấm mắm cái dằm ớt tỏi. Rau đem về nhặt lấy phần ngọn, rửa nhẹ tay tránh khỏi dập lá, để ráo nước cho vào nồi nước đang sôi, trong vài phút là vớt ra. Rau sam luộc ngoài việc chấm mắm cái thì chấm nước cá đồng (cá rô, cá diếc...) kho gừng nghệ cũng rất mặn mà. Thịt béo bùi, thơm ngậy, hòa lẫn vị xanh non của rau, ăn một lần là nhớ mãi.

+ Rau sam nấu cá rô đồng: những ngày nắng nóng, món ngon nào cũng chẳng bằng bữa cơm gia đình cùng món canh rau sam nấu với cá rô đồng. Chọn vài con cá rô to, mập thịt sẽ mềm và thơm. Làm sạch cá, ướp thấm gia vị rồi cho vào nồi nước đang sôi. Đợi đến khi cá chín thì cho tiếp rau vào. Khi dọn cơm, rắc hành hương xắt nhỏ và tiêu xay nhuyễn lên canh, vớt cá ra đĩa để ăn riêng, chấm với nước mắm ớt tỏi. Vị thanh thanh, ngòn ngọt, chua chua của từng cọng sam cùng mùi thơm hăng hắc của tiêu rừng khiến con người ta dường như quên hẳn cái oi nồng của đất trời.

+ Rau sam xào tỏi ngon không kém món rau muống xào tỏi, đun sôi nước, cho rau vào luộc gần chín, vớt ra tráng qua nước lã (sẽ giúp rau giữ màu xanh, khử bớt vị đắng). Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm tỏi, cho rau đã ráo nước vào xào vài phút. Nêm gia vị, rắc một ít tiêu, đảo đều. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng lỵ. Món này ăn ngon không kém món rau muống xào tỏi.

+ Cháo rau sam: rau sam tươi 100g-200g, gạo tẻ 100g; cho thêm nước nấu cháo ăn khi đói. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp mạn tính và các trường hợp viêm ruột, lỵ xuất huyết.

+ Nước ép rau sam: rau sam 1 bó. Giã vắt ép lấy nước khoảng 30ml, thêm nước lạnh (nước sôi để nguội) 100ml và đường trắng khuấy đều cho uống, ngày làm 3 lần. Dùng cho các trường hợp viêm sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa.

+ Nước ép rau sam hòa mật: nước ép rau sam 60 - 100ml đun vừa sôi, thêm 20ml mật khuấy đều cho uống. Dùng cho sản phụ sau đẻ đau quặn bụng, tiểu giắt buốt.

Lưu ý: Vì rau sam hoạt huyết và tính hàn nên không sử dụng cho người có thai. Với những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, khi sử dụng rau sam cần được phối hợp tốt với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ. Ngoài ra do hàm lượng nitrate và oxalate có trong rau sam nên cần thận trọng khi dùng cho người có tiền sử về sạn thận.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Rau sam cây thuốc