16/12/2016 16:00 GMT+7

​Rau má – vị sâm dân dã

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Một thời đất nước khó khăn, cây rau má như chiếc phao cứu sinh của nhiều người, vừa là món rau ăn qua cơn thiếu đói, vừa là cây thuốc quý chữa nhiều bệnh tật hiệu nghiệm.

Rau má còn có tên gọi khác là Tích tuyết thảo, là một thứ rau dại ăn được, mọc lan trên mặt đất ở những nơi ẩm ướt thuộc vùng nhiệt đới. 

Cây có lá giống những đồng tiền tròn được xếp nối tiếp nhau nên còn có tên gọi khác là Liên tiền thảo. 

Theo các sách thuốc cổ như: Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu của nước ta thì rau má là vị thuốc quý, có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ, Vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy... 

Các nghiên cứu về dược lý học hiện đại cho thấy thành phần của rau má bao gồm những chất: beta caroten, sterols, saponins, lkaloids, flavonols, saccharids, canxi, sắt, magie, mangan, photpho…, các loại vitamin B1, B2, B3, C và một số hoạt chất khác. Tuỳ theo khu vực trồng và mùa thu hoạch mà tỷ lệ các các hoạt chất có thể khác nhau. Từ các thực nghiệm thực tế được tiến hành, các nhà khoa học nhận thấy rau má có rất nhiều tác dụng:

- Rau má chống ô xy hóa 

Rau má là một loại dược thảo có những chất chống ôxy hóa, vitamin, khoáng chất có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hóa, giúp duy trì sự trẻ trung. Nước sắc từ lá rau má có tác dụng sát trùng, giải độc, thanh nhiệt hoạt huyết nên được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để tăng cường sức khỏe, tăng thị lực.

- Rau má an thần

Chất Triterpenoids trong rau má có tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương. Lá rau má sấy khô tán bột, uống chung với sữa mỗi ngày 3 - 5 gam sẽ có tác dụng tốt cho những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ.

- Rau má kháng khuẩn, giảm đau, mau lành vết thương, mờ sẹo

Trong dịch chiết rau má có chứa chất saponin, có tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng khiến vết thương nhanh lành, sớm lên da non. 

Hiện nay, rau má được sử dụng rất đa dạng để điều trị các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, giải phẫu, cấy ghép da, những vết lở lâu lành, vết lở do ung thư, bệnh phong, vẩy nến… 

Ngoài ra rau má còn có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt. Trên thực nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy bột rau má khô uống với liều 3 lần trong một ngày, mỗi lần 5 – 7g có tác dụng giảm đau khá tốt.

- Rau má cải thiện tuần hoàn huyết

Rau má giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, chống sưng phù nề. Những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu. Do đó, rau má cũng thường được dùng trong các chứng tăng áp lực tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch.

Lưu ý: Hạn chế sử dụng rau má đối với một số trường hợp sau:

+ Phụ nữ mang thai: Rau má có tính bình, có công dụng thanh nhiệt rất tốt. Tuy nhiên, với những người cơ thể có tính hàn, nếu dùng rau má với hàm lượng lớn, thường xuyên có thể sẽ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn như dọa sảy hoặc sảy thai.

+ Người mắc bệnh tiểu đường: Dùng quá nhiều rau má trong một thời gian dài sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

+ Bị tiêu chảy: Rau má có công dụng giải nhiệt nên sử dụng nhiều dễ gây ra tiêu chảy, đặc biệt là những người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng rau má thường xuyên nên cho thêm một lát gừng để làm ấm bụng và giảm bớt tính thanh nhiệt của rau.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ​Rau má