Súng phòng không hai nòng PGZ-07 của Trung Quốc - Ảnh: AP |
Những so sánh sau đây được trang Sputnik News tóm tắt lại từ báo cáo dài 430 trang của các học giả Mỹ. "Thống kê quân sự Mỹ - Trung: Lực lượng, địa lý và cân bằng sức mạnh, 1997-2017" đánh giá một cuộc chiến giả định vào năm 2017 giữa Bắc Kinh và Washington trên hai vùng lãnh thổ Trường Sa và Đài Loan.
Khả năng tấn công căn cứ không quân
Ở thời điểm năm 1997, quân đội Trung Quốc chỉ sở hữu một ít tên lửa tấn công tầm gần, nhưng con số đó đã tăng đột biến gần đây. Kho tên lửa của Bắc kinh hiện có gần 1.400 đơn vị. Chúng có thể dễ dàng phá tan căn cứ không quân Kadena của Mỹ tại Okinawa (Nhật).
"Một đợt tấn công tập trung (của Trung Quốc) có thể khiến căn cứ Mỹ đóng cửa trong nhiều tuần", báo cáo của RAND viết. Hệ quả là không lực Mỹ sẽ phải bay một quãng đường xa hơn. Nếu Mỹ sử dụng các căn cứ ở Alaska, Guam hay Hawaii, Trung Quốc sẽ thêm thời gian phản ứng trước các cuộc tấn công.
Các loại vũ khí tầm xa của Mỹ có khả năng khống chế khoảng 40 căn cứ không quân của Trung Quốc trong vòng 8 tiếng nếu hoạt động từ Đài Loan. Ở thời điểm 2017, khoảng thời gian có thể tăng lên 2-3 ngày.
Báo cáo của RAND thừa nhận lợi thế này phụ thuộc vào số lượng tên lửa Mỹ có được. Trong một cuộc chiến kéo dài, thắng thua được quyết định bởi nhiều yếu tố hơn là một loại vũ khí chiến lược.
Tương quan không lực & phòng không
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc - Ảnh: Sputnik |
Bắc Kinh đã tăng cường đáng kể lực lượng không quân của mình với một nửa số máy bay chiến đấu được hiện đại hóa. Theo các học giả của RAND, khả năng của Trung Quốc và Mỹ trên vùng trời gần như tương đồng nhau với một chút lợi thế nghiêng về Mỹ.
Tuy nhiên, giả định phải bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc tấn công năm 2017, "các chỉ huy của Mỹ sẽ không tìm ra cơ sở để chiếm ưu thế trong một chiến dịch 7 ngày", báo cáo viết.
Quân đội Trung Quốc đã bổ sung một số lượng lớn hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) kể từ năm 1997.
Với gần 200 đơn vị SAM cộng với các hệ thống rađa phòng không Trung Quốc đang sở hữu, máy bay Mỹ sẽ gặp khó khăn trong một chiến dịch Đài Loan do khoảng cách từ đó đến đại lục khá gần. Nhưng trong kịch bản Trường Sa thì máy bay tàng hình Mỹ có thể chiếm ưu thế vì quần đảo cách Trung Quốc đại lục đến 800 dặm.
Khả năng chống hạm
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ - Ảnh: AP |
Washington chắc chắn sẽ cần đến các tàu sân bay nếu một cuộc chiến nổ ra ở Biển Đông. Tên lửa chống hạm (ASBM) của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn đối với hải quân Mỹ.
Dù bản thân các tàu sân bay Mỹ có thể chống trả ASBM bằng các phương tiện có sẵn, Mỹ vẫn phải đương đầu với các đơn vị tình báo, theo dõi và trinh sát (ISR) đã được cải tiến cùng hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc.
Trong kịch bản Đài Loan, RAND dự đoán Mỹ có thể cản phá tốt các tàu đổ bộ lưỡng cư của Trung Quốc. Tiêu diệt được 40% hạm đội này, lực lượng đánh bộ Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng dẫn đến rối loạn về mặt tổ chức. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng gấp đôi hạm đội lưỡng cư từ năm 1997 và đang không ngừng cải tiến khả năng chống tàu ngầm.
Chiến tranh không gian
Washington đã tiến hành cải tiến năng lực chiến tranh không gian từ năm 2002. Hệ thống cản phá liên lạc của Mỹ có thể làm gián đoạn các vệ tinh của đối phương. Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng có thể bắn hạ các vệ tinh tình báo.
Các chuyên gia RAND cho rằng súng laser năng lượng cao của Mỹ cũng có thể áp đảo chương trình không gian của Trung Quốc.
Hệ thống phóng vệ tinh di động của hải quân Mỹ - Ảnh: AP |
Bản báo cáo nhận xét mối đe dọa đối với các vệ tinh viễn thông Mỹ "rất nghiêm trọng" sau các vụ thử tên lửa chống vệ tinh mà Bắc Kinh thực hiện thành công từ năm 2007. "Càng lo hơn nữa" là việc Trung Quốc đang sở hữu các hệ thống gây nhiễu liên lạc do Nga sản xuất.
Chiến tranh mạng
RAND dự đoán kỹ thuật tinh vi của Trung tâm chỉ huy chiến tranh mạng và Cục An ninh quốc gia Mỹ sẽ giúp Washington chiếm lợi thế trong chiến tranh.
Tuy vậy, cả Mỹ lẫn Trung Quốc có thể phải đối mặt với những đòn bất ngờ từ đối phương. Việc Mỹ phụ thuộc nhiều vào các hệ thống mạng Internet công khai là một điểm yếu, các tin tặc có thể dễ dàng xâm nhập chúng.
Khả năng hạt nhân
Dù Trung Quốc đã tăng cuờng lực lượng hạt nhân từ năm 1997, sức mạnh của nó vẫn không đủ để chống trả một cuộc tấn công từ Mỹ. RAND so sánh lợi thế của kho vũ khí hạt nhân Mỹ trước Trung Quốc là 13/1.
Kết luận
Báo cáo của RAND dự đoán sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc có thể làm giảm sức ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Một cách giả định, Bắc Kinh đủ khả năng "đạt được một số mục tiêu mà không cần phải đánh bại hoàn toàn lực lượng Mỹ".
Cả hai phe sẽ chịu thiệt hại nặng. Thực tế là Mỹ không còn giữ được vị thế độc tôn trên Thái Bình Dương như một thời đã từng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận