Thịt rắn tương đối nhiều nạc, mềm, giàu đạm, ít mỡ. Thành phần dinh dưỡng khá phong phú: vitamin A 2.500 UI, vitamin nhóm B như B1, B2, B6, folic acid, vitamin D 5.000 UI, canxi, sắt, manhê và kẽm... Gần như tất cả thành phần trong rắn đều có thể sử dụng: nọc dùng làm thuốc, tiết và mật pha rượu, xương và da đem chiên giòn. Thịt được chế biến cả chục món ăn ngon, bổ dưỡng như rắn xào sả ớt, rắn xào măng, rắn băm viên, chả rắn lá lốt, rắn um, cháo rắn đậu xanh... Gần đây còn có những “biến tấu” mới như rắn phơi khô (rắn biển, con đẻn), rắn thái lát tẩm gia vị...
Theo Đông y, thịt rắn có tính ấm, vị ngọt, tác động vào hai kinh can và tỳ. Vì rất bổ dưỡng nên người tăng huyết áp, phong nhiệt, phụ nữ có thai và trẻ em thường được khuyên không nên dùng nhiều. Đông y dùng cả con rắn dưới nhiều dạng, từ ngâm rượu, nấu cháo đến uống rượu pha máu rắn, mật rắn.
Tây y không chú trọng dùng thịt rắn như thực phẩm chức năng mà nghiên cứu và sử dụng nhiều chế phẩm dược lý từ nọc rắn. Nọc rắn độc chứa các enzym glyco-protein có thể tác động vào nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như hệ tim mạch, hô hấp và thần kinh, huyết học... Riêng nọc rắn biển còn có erabutoxins và latrotoxin ngăn chặn sự dẫn truyền và làm liệt hệ thần kinh.
Cần kể đến hai nhóm chế phẩm Tây y rất công hiệu được sản xuất từ nọc rắn, một là huyết thanh kháng nọc rắn, đây là kháng thể chống nọc rắn chiết xuất từ huyết thanh con ngựa được gây miễn dịch trước đó bằng nọc rắn, như kiểu sản xuất huyết thanh chống uốn ván SAT. Huyết thanh chống nọc rắn đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Hai là các chiết xuất từ nọc loài rắn như barbouri (thuốc thử nghiệm chống đông máu, do ức chế sự tổng hợp fibrinogen, integrilin (thử nghiệm trong điều trị cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim), các peptid có khả năng ức chế sự men chuyển (điều trị bệnh cao huyết áp)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận