...........................................
Sống ở xứ Sài Gòn hai mùa mưa nắng, liếc xem lịch bằng điện thoại di động, không có người nhắc thì dễ chừng không hay trời đã vào tiết lập Thu hơn nửa tháng nay.
Gần bốn trăm năm trước, ông Kim Thánh Thán - nhà lý luận văn học, mỹ học lừng danh của Trung Quốc từng ví von rằng: nếu buổi chiều là mùa Thu của một ngày thì mùa Thu là buổi chiều của một năm. Mùa Thu - buổi chiều, đó là khoảng thời gian con người thoát ra khỏi buổi trưa - mùa Hè sống động, ồn ã, để lắng lòng với không gian mát dịu, nhịp sống chậm lại, trải ra và nhiều khi quay về với nhớ nhung, hoài niệm…
Kim tiên sinh nói thật chí lý: sau lập Thu là đến rằm tháng Bảy - thời điểm để mọi người nhớ đến các bậc sinh thành, để thấm thía hơn nữa công đức của mẹ cha, để lách ra khỏi dòng chảy hối hả của cuộc sống và cảm nhận rằng trên đời này có những cái còn quý giá gấp vạn lần châu báu, danh vọng mà nếu mất đi là vô phương tìm lại được.
Nhưng rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân - từ lòng tưởng nhớ người thân mở ra cho cả bao nhiêu số phận không may - những linh hồn bơ vơ, vất vưởng “trong trường dạ tối tăm trời đất”.
Sau Kim Thánh Thán khoảng hai trăm năm, thi hào Nguyễn Du viết Văn tế thập loại chúng sinh - một khúc tưởng niệm thấm đẫm chất nhân văn về thế giới của những người chết không đường siêu thoát:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụtToát hơi may lạnh buốt xương khô…”
Trong áng văn bất hủ này, Nguyễn Du tỏ lòng xót thương các hạng người: từ bậc tướng soái, quan lại, văn nhân, công nương khuê các cho đến người hành khất, kẻ tù rạc, tiểu nhi, gái giang hồ…, gọi chung là thập loại chúng sinh chết thảm mà không người hương khói, phụng thờ.
Ở cái thế giới cô hồn ấy, giờ đây không còn bất cứ phân biệt nào: giàu nghèo, sang hèn, kẻ hiền người ngu mà tất cả đều cô đơn, đói khát, khổ đau, tội nghiệp như nhau. Cho nên các vong hồn ấy đều khẩn cầu được vỗ về, đều khẩn cầu được siêu thoát:
“Trong trường dạ tối tăm trời đấtCó khôn thiêng phảng phất u minhThương thay thập loại chúng sinhHồn đơn, phách chiếc lênh đênh quê ngườiHương khói đã không nơi nương tựa Phận mồ côi lần lữa đêm đenCòn chi ai quý, ai hèn,Còn chi mà nói ai hiền ai ngu…”
Nhưng có lẽ nhà thơ Tiên Điền mô tả cõi âm cũng là nhằm nói đến cõi dương, vẽ nên cảnh u ám, thê lương của thế giới cô hồn để cảnh tỉnh những tham vọng, ảo tưởng mà với lẽ biến dịch, vô thường, chúng chỉ là “bào ảnh” (bóng bọt nước).
Thì đây, những kẻ “mũ cao áo rộng” nắm quyền sinh quyền sát “ngọn bút son sống thác ở tay”, ấy thế nhưng “Thịnh mãn lắm, oán thù cũng lắm; Trăm loài ma sắm nắm xung quanh; Nghìn vàng không đổi được mình; Lầu ca, viện hát tan tành còn đâu…”.
Nào là những tướng soái “Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung; Gió mưa sấm sét đùng đùng; Dãi thây trăm họ làm công một người”. Thế nhưng “Khi thất thế tên rơi đạn lạc; Bãi sa trường thịt nát máu rơi; Bơ vơ góc biển chân trời; Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao…”.
Rồi những kẻ “màn lan, trướng huệ” “cậy mình cung Quế, Hằng Nga”, chỉ qua một phen “thay đổi sơn hà” thì lập tức trở thành “mảnh thân chiếc lá” bị vùi dập tơi bời, đến nỗi: “Khi sao đông đúc vui cười; Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương”…
Trong Kiều, Nguyễn Du cũng đã đau đớn lòng với “một cuộc bể dâu”; ở đây lại cũng lắm cảnh biển dâu trong đời người khi “thế khuất vận cùng”, “phút đâu tro bay ngói lở”, “cùng đường lỡ bước”, “gặp cơn giống tố giữa dòng”… Bất ngờ, hư huyễn, có rồi không. Cho nên giữa cơn đắc chí đôi khi cũng nên nghĩ đến khi thất chí; lúc thành cũng nên tưởng đến khi bại, lúc phủ phê cũng nên nhớ thời đói rét, “được mùa chớ phụ ngô, khoai”. Nên khiêm cung, bớt kiêu căng cuồng vọng để hòa ái với người, với đời.
Từ một cậu ấm trong gia đình đại quý tộc mà vì thời thế xô đẩy phải qua hơn nửa đời lưu lạc, gia đình ly tán, ăn nhờ ở đậu, chịu cảnh đói khổ, ba mươi tuổi mà mái đầu đã bạc, Nguyễn Du có lẽ thấm thía hơn ai hết cái oan trái của cuộc đời. Và ông lấy tục cúng rằm tháng Bảy để nhắc nhở.
Nhiều khi, giữa xô bồ náo động của cuộc sống cũng cần lắng lòng chiêm nghiệm lẽ tồn vong, hưng phế; sau cái ầm ĩ chói chang của ngày Hè cũng nên dành một chút thời gian suy tưởng về phận người trong buổi chiều tàn mùa Thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận