31/08/2010 07:09 GMT+7

Rắc rối người nhận tiền tử tuất

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Do Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định không rõ ràng nên đã có những tranh chấp xảy ra quanh việc ai là người được nhận tiền tử tuất.

WpGubCK5.jpgPhóng to
Giải quyết chế độ cho người dân ở BHXH TP.HCM - Ảnh: TRUNG CƯỜNG

Theo Luật BHXH, những người lao động đang làm việc, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, đang hưởng lương hưu... khi chết thân nhân được xét nhận trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.

Theo quy định, thân nhân người chết đến BHXH quận, huyện nơi người đó nhận trợ cấp hằng tháng hoặc nơi cư trú để nộp hồ sơ hưởng chế độ tử tuất. Hồ sơ gồm giấy chứng tử và tờ khai hoàn cảnh gia đình (theo mẫu của cơ quan BHXH) có xác nhận của UBND phường/xã nơi cư trú.

Tuy nhiên ông Trần Dũng Hà - phó phòng chế độ BHXH, BHXH TP.HCM - nói chỉ căn cứ vào tờ khai của thân nhân như hiện nay sẽ khó đảm bảo giải quyết chế độ tử tuất đúng quy định, do đó dễ phát sinh tranh chấp. Trong khi đó, chính quyền địa phương xác nhận chủ yếu căn cứ trên những nội dung kê khai trong tờ khai hoàn cảnh do thân nhân lập, thiếu việc thẩm định. Còn cơ quan BHXH mặc dù có cơ chế xác minh nhưng chỉ thực hiện khi có nghi vấn, vì thế số hồ sơ có xác minh cũng không nhiều.

Đồng... thân nhân

Theo ông Hà, mới đây BHXH TP.HCM vất vả mới giải quyết ổn thỏa tranh chấp tiền tử tuất giữa vợ trước và vợ sau. Ông T. (Q.Bình Tân) ly dị vợ đầu khi đã có một con 10 tuổi. Ông lấy vợ sau có đăng ký kết hôn nhưng chưa có con. Khi ông T. chết, người vợ sau làm hồ sơ nhận tử tuất 60 triệu đồng, trong tờ khai của bà - có xác nhận của địa phương - không ghi rõ chuyện giữa ông T. và bà không có con, cha mẹ hai bên đã chết.

Ông Hà nói: “Trong tờ khai thân nhân ghi là vợ của đối tượng, phường xã đóng dấu là xong, không chịu trách nhiệm gì nữa”. Cơ quan BHXH thấy hồ sơ hợp lệ nên giải quyết cho người vợ sau nhận tiền tử tuất. Một thời gian sau người vợ trước tới BHXH đòi tiền tử tuất cho con. Bà trưng ra bản án ly hôn có nêu rõ ông T. phải cấp dưỡng cho con đến 18 tuổi.

Cơ quan BHXH mới tá hỏa mời người vợ sau đến thương lượng. Kết thúc cuộc họp, “ba bên” thống nhất: người vợ sau chỉ nhận tiền mai táng phí và trả lại tiền tử tuất cho cơ quan BHXH để chi trả hằng tháng cho con ông T. theo đúng quy định.

Ông Hà cũng nêu một trường hợp ông H. ở VN, có vợ hợp pháp đang định cư tại nước ngoài. Khi ông H. chết, số tiền tử tuất mà thân nhân được nhận trên 100 triệu đồng. Người cháu lập hồ sơ nhận tiền tử tuất nhưng cơ quan BHXH không chịu vì trong tờ khai còn có vợ ông H..

Người cháu nằng nặc khiếu nại và dẫn chứng không có địa chỉ của vợ ông H. ở nước ngoài nên không liên hệ được, trong khi người cháu muốn nhận tiền về trả nợ cho ông H.. Cơ quan BHXH đang tạm “treo” khoản tiền tử tuất trên và yêu cầu người cháu phải có ủy quyền của vợ ông H. mới được nhận.

Một trường hợp khác là tranh chấp giữa mẹ chồng và con dâu. Bà X. là vợ ông D. (Q.3), làm thủ tục nhận 70 triệu đồng tiền tử tuất của chồng. Xét hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH ra quyết định cho bà X. được nhận tiền nhưng chưa làm thủ tục giao tiền thì mẹ của ông D. tới đòi tiền tử tuất.

Do ông D. không có di chúc nên mẹ và vợ ông đều thuộc đối tượng được nhận tử tuất một lần. Cơ quan BHXH tức tốc ngưng phát tiền cho bà X. và đề nghị hai người thỏa thuận với nhau. Cuối cùng hai bên “cơm lành canh ngọt” thống nhất người con dâu vẫn đứng tên nhận tiền, hai bên sẽ chia sau và cam kết không tranh chấp, khiếu nại.

Trên thực tế còn những loại rắc rối khác như người được di chúc chỉ định thừa kế tiền tử tuất nhưng không thuộc đối tượng nhận tử tuất theo quy định của Luật BHXH sẽ giải quyết ra sao? Hoặc người đang thụ án tù chết vì bệnh hoặc vì thi hành án tử hình thì thân nhân có được giải quyết chế độ tử tuất hay không? Ông Hà cho biết đã đặt ra những câu hỏi trên nhưng BHXH VN chưa trả lời.

Vợ nào hợp pháp?

Ông Hà cho biết theo hướng dẫn của BHXH VN, những người có từ hai vợ, hai chồng trở lên thì giải quyết nhận trợ cấp tuất hằng tháng cho người có đăng ký kết hôn. Nhưng trên thực tế, theo ông Hà, đã xảy ra những trường hợp khó xác định. Một là những người kết hôn trước ngày 13-1-1960 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực): một người lấy đến ba, bốn vợ hoặc một người lấy nhiều chồng, pháp luật vẫn công nhận tất cả các mối quan hệ hôn nhân đó là hợp pháp và được quyền thừa kế như nhau.

Hai là những trường hợp kết hôn từ ngày 25-3-1977 trở về trước (ở miền Nam), dù có vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng có hôn nhân thực tế thì vẫn được công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp và được quyền thừa kế như nhau.

Ngoài ra theo điều 3, nghị quyết 35 năm 2000 quy định hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) nhưng không đăng ký kết hôn thì được tòa công nhận là vợ chồng khi ly hôn.

Theo ông Hà, nếu yêu cầu thân nhân những người thuộc diện nói trên cung cấp giấy đăng ký kết hôn khi giải quyết chế độ tuất là không phù hợp thực tế và quy định của pháp luật. Theo quan điểm BHXH TP, nếu không có giấy kết hôn nhưng các loại giấy tờ khác như hộ khẩu, nội dung xác nhận của địa phương trên tờ khai hoàn cảnh gia đình có ghi rõ là vợ chồng thì có thể xem xét để giải quyết chế độ tuất hằng tháng.

Ông Hà nói do thực tế diễn ra đa dạng, phức tạp nên quy định của pháp luật không thể điều chỉnh được hết những mối quan hệ nảy sinh trong xã hội. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định cụ thể, phù hợp để điều chỉnh và hạn chế tối đa những tranh chấp.

Tại điều 64 của Luật BHXH, trường hợp người lao động chết mà đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần hoặc đang hưởng lương hưu hoặc chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà có con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì người con đó được nhận trợ cấp tuất hằng tháng. Nếu người chết không có thân nhân nhận tiền tuất hằng tháng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần (khoản 2 điều 66 của Luật BHXH).

Trường hợp của ông T., con ông chưa thành niên nên sẽ là người được nhận tiền tuất hằng tháng.

Còn đối với các trường hợp khác có tranh chấp phát sinh từ việc nhận tiền trợ cấp tuất một lần, theo tôi, do Luật BHXH chỉ quy định chung chung là thân nhân của người lao động được nhận tiền trợ cấp tuất một lần. Do đó Luật BHXH cần phải định nghĩa rõ thế nào là thân nhân của người lao động và những ai được nhận trợ cấp tuất một lần... sẽ tránh được các tranh chấp trong việc nhận chế độ tử tuất.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên