![]() |
Các trí thức Việt kiều trong buổi gặp mặt “Chào xuân 2008” với UBND TP.HCM. Việt kiều không mất quốc tịch VN sẽ có nhiều thuận lợi hơn để đóng góp tốt hơn cho VN - Ảnh: T.T.D. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Những Việt kiều này có nhiều nỗi niềm day dứt về quốc tịch. Họ vừa muốn vẫn được coi là công dân Việt, lại vừa lo không biết có bị khơi lại chuyện quá khứ nếu mình vẫn còn quốc tịch VN. Là luật sư, chúng tôi cũng không dễ dàng đưa ra câu trả lời dứt khoát là có hay không.
Bởi nếu nói "có” cũng không ổn, vì luật VN qui định công dân VN chỉ có một quốc tịch VN mà thôi. Mà trả lời "không" cũng chẳng xong, vì trong Luật quốc tịch của ta năm 1998 không nói rằng công dân VN ra nước ngoài, nhập tịch, định cư ở đó thì mặc nhiên mất quốc tịch VN, trừ khi tự xin thôi quốc tịch do quốc gia cho nhập tịch yêu cầu, hoặc do quốc gia đó có ký kết điều ước với VN về vấn đề này.
Những chuyện tréo ngoe
Tước quốc tịch Công dân VN đang cư trú ở nước ngoài chỉ bị tước quốc tịch nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến uy tín của Nhà nước VN. Luật không nói sẽ bị tước quốc tịch do đi tị nạn, vượt biên hay các hình thức xuất cảnh bất hợp pháp khác. |
Do đó xảy ra trường hợp tréo ngoe với công dân VN như anh H.. Anh định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Vừa sang anh được cấp thẻ thường trú nhân, sau năm năm thì thi đậu quốc tịch và được cấp hộ chiếu. Trong khi đó hộ chiếu VN của anh vẫn còn, hộ chiếu của anh có giá trị năm năm, sang Mỹ anh lại đến Lãnh sự quán VN tại San Francisco gia hạn thêm một lần được ba năm nữa, thế là anh có hai hộ chiếu, cả hai đều còn giá trị sử dụng, và mặc nhiên anh là công dân của cả hai nước.
Khi anh H. về VN mở công ty với gia đình bên vợ, đến cơ quan đăng ký kinh doanh, anh xuất trình hộ chiếu VN để được áp dụng qui định pháp luật về khuyến khích đầu tư đối với người VN định cư ở nước ngoài. Nhưng bà trưởng phòng đăng ký kinh doanh cứ một mực từ chối cấp diện này, lý do là không thể có chuyện anh nhập tịch Mỹ rồi mà vẫn còn quốc tịch VN. Bà còn hùng hồn tuyên bố anh mà đưa hộ chiếu đó ra (hộ chiếu VN) thì thế nào cũng bị tịch thu, vì VN đâu chấp nhận hai quốc tịch!
Thế nhưng khi anh H. đến Ủy ban Người VN ở nước ngoài xin cấp giấy chứng nhận người có gốc VN để bổ sung hồ sơ thì những người ở đây lại giải thích anh có hộ chiếu VN mà còn xác nhận "có gốc" làm gì nữa. Rõ là giải thích kiểu nào nghe cũng xuôi tai, nhưng cuối cùng anh H. vẫn phải xin bằng được giấy xác nhận "có gốc" kia để bổ sung vào hồ sơ mới được nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Với những Việt kiều thế hệ lớn tuổi như đã nói ở trên, gặp rắc rối khi họ cần giải quyết về thừa kế theo nghị quyết 1037. Nghị quyết này qui định đối với trường hợp thừa kế nhà được mở trước ngày 1-7-1991 mà người thừa kế đã nhập tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch VN thì được xác lập quyền sở hữu nhà đối với phần thừa kế, còn ngược lại thì chỉ được hưởng giá trị phần thừa kế đó. Do đó, nếu chứng minh được mình còn quốc tịch VN, họ mới được xác lập sở hữu.
Một số văn bản dưới luật vẫn cho phép Việt kiều được xác nhận, làm hộ chiếu VN nhưng một số Việt kiều cho biết do thủ tục quá nhiêu khê nên họ nản chí, quyết định bỏ lửng... quốc tịch của mình.
Nguyên tắc một quốc tịch trong luật chỉ rõ nhất khi áp dụng cho trường hợp người nước ngoài xin nhập tịch VN như thủ môn Phan Văn Santos. Anh nhập tịch thì phải thôi quốc tịch Brazil.
Cởi bỏ ràng buộc một quốc tịch
Dự thảo Luật quốc tịch mới đang đệ trình Quốc hội xem xét đã bỏ hẳn qui định về nguyên tắc một quốc tịch, mở ra hi vọng được hưởng chế độ song tịch cho người nước ngoài muốn nhập tịch VN có vợ, chồng, cha, mẹ, con là công dân VN. Đối với kiều bào VN đang ở nước ngoài, đây cũng là một tin vui khi dự thảo qui định rõ: "Người VN định cư ở nước ngoài mà chưa được thôi, chưa bị tước quốc tịch VN hoặc chưa bị mất quốc tịch VN theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là thành viên thì vẫn là người có quốc tịch VN". Sau khi luật mới ban hành, người VN đang sống khắp nơi trên thế giới có thể mạnh miệng tuyên bố mình còn quốc tịch VN, mình có hai hoặc thậm chí ba quốc tịch.
Chưa biết dự luật có được thông qua hay không và triển khai thế nào cho đồng bộ, đơn giản và thuận tiện nhất. Làm sao để kiều bào được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi tiến hành những thủ tục giấy tờ để hợp pháp hóa quốc tịch gốc của mình không phải là chuyện một sớm một chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận