![]() |
Minh họa: Mặc Tuân |
Hai năm nay, sau khi tốt nghiệp cấp ba, nó ở hẳn nhà để phụ ba nó sửa xe kiếm sống. Lưng trần, quần xệ ngang rốn, chân tay lấm lem dầu mỡ lẫn đất cát - đấy là chân dung lam lũ của nó những ngày nó chưa đầu quân vào Thanh niên xung phong. Người mê tín kêu ra ngõ gặp con gái thì xui, còn tôi ra ngõ gặp ngay Anh Hùng. Như vậy là hên lắm phải không?
Hôm nó mặc bộ đồng phục thanh niên xung phong về trình diện bà con xóm làng, trông thật oách. Tóc húi cua chải thẳng thớm, bộ đồng phục màu xanh lá cây mới tinh tươm, đôi giày đen bóng lộn làm nó oai phong hẳn ra. Tướng nó vốn dong dỏng cao lại hơi đô con, nên trong bộ đồng phục mới, nó đẹp trai và ra vẻ “người lớn” bội phần.
Nhà nó ở đầu ngõ, lại thêm lúc nào cũng mở toang cửa đón khách sửa xe, nên chuyện nó đi Thanh niên xung phong ai cũng biết. Bất kỳ cư dân nào của Sài Gòn từng tham gia giao thông đều nhìn thấy hình ảnh thân thiện của các cô gái, chàng trai thanh niên xung phong góp phần cùng lực lượng công an giữ gìn trật tự đường phố, nên câu đầu tiên láng giềng hỏi nó luôn là: “Cấp trên phân công làm lính giao thông hả mậy? Chà, ngon lành nha. Được quyền điều khiển người đi đường, ai ra phố cũng nhìn thấy con ông Tư sửa xe hướng dẫn giao thông, hiệu lệnh nhất nhất được mọi người tuân theo, oai ra phết nhá!”. Khỏi phải nói, những lời “có cánh” ấy làm nó và cả gia đình sung sướng biết bao!
oOo
Quyết định tham gia Lực lượng thanh niên xung phong của nó không quá gây bất ngờ cho tôi. Nó là người vốn lâu nay ấp ủ nhiều ước mơ. Một trong những mơ ước lớn nhất đời nó là mơ được làm người anh hùng. Nên hằng ngày dù phải đội mưa đội nắng gác đường, hay có ca kẹt xe đột xuất cần giải quyết cho xong ùn tắc, bất kể thời gian trực kéo dài thêm một hai tiếng đồng hồ, đói lả, khát khô cổ họng, đầu tóc nhễ nhại mồ hôi và mỏi nhừ cả người, nó cũng không oán than một tiếng. Nó bảo nếu thời gian quay ngược trở lại những năm 1977- 1978, nó sẵn sàng viết huyết thư xin ra chiến trường cáng thương, tải đạn, sẵn sàng hi sinh cả xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng không ai mong chiến tranh xảy ra chỉ vì muốn có cơ hội làm… anh hùng thời chiến, nên nó hài lòng với công việc “thể hiện mình” ở thì hiện tại.
Đùng một cái, đơn vị điều nó sang công tác ở một bộ phận khác - giữ xe trong một siêu thị lớn của thành phố - với lý do nó hoàn thành xuất sắc công tác cũ, tạo được lòng tin nơi ban giám đốc, không phải ai cũng hân hạnh được điều sang công tác giữ xe…
Ban đầu nó không nhìn ra được sự quan trọng của công tác mới nên lòng buồn vô cùng. Nó cảm thấy hình như mình bị “đì”. Riết rồi nó như người chai lì cảm giác khi hằng ngày phải đối diện với một lũ động cơ sắt thép, trong cái nóng hầm hập của tầng hầm, thi thoảng vào những ngày lễ hội đông vui, náo nhiệt, siêu thị mới làm mát hầm giữ xe bằng hệ thống phun sương. “Số em hình như có duyên với xe, trước ở nhà hành nghề sửa xe, còn bây giờ là đi giữ xe. Nhưng để sở hữu một cái xe máy đặng có chân đi làm thì vẫn chưa được, than ôi!” - nó vừa ta thán với tôi và cũng vừa nói về ước mơ thứ hai của mình.
oOo
Chiếc xe máy mà nó mơ ước vốn là phương tiện đi lại tối cần thiết của con người. Thật vậy, nếu xe máy không cần thiết, nó đã không được ghi vào điều kiện tuyển nhân viên một số ngành nghề như giao hàng, tiếp thị hàng… chẳng hạn. Hoặc giả gặp chuyện cấp kỳ như đưa người bệnh nặng tới bệnh viện, bằng chiếc xe đạp biết chừng nào mới tới nơi! Hay hò hẹn với bạn gái, chẳng lẽ cũng tuyển lựa người yêu theo tiêu chuẩn gần nhà để đỡ công đưa đón. Huống chi gia đình nó tít tận Hóc Môn, muốn lên chỗ làm mới phải qua đoạn đường dài gần hai mươi cây số? Nhà nó nghèo, đồng lương chưa cao, hằng tháng nhín lương để dành vài trăm ngàn sau khi làm tròn nghĩa vụ phụ cha mẹ nuôi em ăn học đã là rất khó. Thỉnh thoảng nó mua một tờ vé số cầu may, và ông trời tuy không cho nó trúng số nhưng cũng đã một lần ghé mắt trao nó sự may mắn khác, chỉ hiềm một nỗi nó lắc đầu không chịu nhận!
Đấy là lần siêu thị mở hội “Tôn vinh hàng Việt” với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước được khuyến mãi lớn. Siêu thị tấp nập gấp mấy ngày thường, ai cũng tay xách nách mang, lượng người gửi xe vì thế đông lên gấp bội. Nó nhặt được gói giấy rớt dưới chân một chiếc xe, trong đó có hơn ba chục triệu đồng cột toàn từ tiền giấy năm trăm ngàn. Chỉ mình nó thấy gói tiền nên chỉ cần lẹ tay giấu ngay vào trong ngực chiếc áo đang mặc là tất cả sẽ an toàn trót lọt. “Của rơi giữa chợ”, nào nó có cướp giật của ai đâu mà phải tội? Đã có một phút nó nghĩ tới mối tương quan giữa tiền và xe, tưởng tượng ra cảnh mình được ngồi vi vu trên chiếc xe mới cáu cạnh rong ruổi khắp phố phường và thấy lòng sung sướng làm sao! Nhưng nó cũng nhìn thấy trong gói tiền còn có biên lai tạm ứng viện phí, ngày tháng nộp tiền mới toanh. Có người thân nằm bệnh viện, dù chủ gói tiền là người giàu hay nghèo thì họ cũng đang mang nỗi rầu, nỗi lo oằn trên vai. Người đành đoạn biến nỗi sầu kẻ khác thành niềm vui chính mình, đích thị là kẻ nhẫn tâm. Nó không cho phép mình trở thành tên xấu xa. Ngay lập tức nó cầm gói tiền đi như bay lên ban giám đốc siêu thị nhờ tìm giùm người đánh rơi trả lại cho họ.
Sau sự kiện đó, tôi hỏi nó có hối tiếc việc mình làm không và nghĩ gì giữa hai từ Được và Mất. Nó bảo khi nó đã quyết theo một điều cho là đúng thì không bao giờ ân hận những việc tiếp sau. Về nghĩa đen, nó bị mất tiền nhưng đồng thời từ nghĩa đen đó nó không mất chi cả vì suy cho cùng tiền ấy không do nó tạo ra. Còn được ư? Nó đã giữ được lương tâm thanh thản, trong sạch trước cám dỗ của bạc tiền. Đó là điều không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nó cũng hỏi ngược lại tôi rằng nếu gói tiền rơi vào tay tôi, tôi sẽ xử trí thế nào. Tôi bảo để nói dối, tôi sẽ nghêu ngao bài học nhà trường từng dạy thuộc lòng: “Nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Còn để nói thật, tới phút chót khi chuyện thật sự xảy ra tôi mới biết được câu trả lời!
oOo
Rồi nó nhận được bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố và cả giấy khen của Lực lượng thanh niên xung phong vì những thành tích đã đạt được. Không lâu sau đó nó được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Ngay buổi họp Đoàn đầu tiên, chỉ mình nó dám làm chuyện động trời là phê bình cả tập thể Đoàn. Nội dung phê bình thế này: “Ưu điểm luôn ở trước tấm gương, ai cũng nhìn thấy và dễ nói do không mất lòng nhau. Khuyết điểm ngược lại luôn nằm ở phần tối phía sau tấm gương, khó nhận dạng và cũng ít ai dám đứng ra phê bình. Vì lòng mong muốn sự tiến bộ chung của đơn vị, tôi phê bình… tất cả các đồng chí đã từng quát tháo với khách tới giữ xe. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú, cũng cùng một câu nói mà lên giọng sẽ khác xa ý nghĩa với xuống giọng hay giọng bình thường. Các đồng chí dám quát tháo khách vì nghĩ rằng đây là bãi xe gửi miễn phí. Hãy bỏ thái độ như ban phát ơn huệ đầy sai trái đó đi, các đồng chí ạ! Tôi cũng phê bình luôn đồng chí… bí thư, trong giờ làm việc còn hay đùa giỡn và vui miệng chửi thề theo… thói quen với anh em.
Nhiều khách hàng nghe thấy và ngỡ ngàng trước tập thể thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ, mặc đồng phục đàng hoàng mà phát ngôn thiếu cẩn trọng. Hình tượng đẹp về Thanh niên xung phong có bị lu mờ đi chính do lỗi từ các đồng chí!”. Qua đến ngày hôm sau, sự vui vẻ mới thật sự trở lại với bí thư chi đoàn. Anh khẽ khàng vỗ vai nó tâm sự: “Hôm qua tao hơi bị dội vì từ trước tới nay chưa ai phê bình tao thẳng thừng như mày. Nhưng mày đã nói đúng, hoàn toàn đúng, và tao phải mất một đêm suy nghĩ mới ngộ ra điều này. Mày là người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng tao đã giới thiệu vào đội ngũ Đoàn. Thật đấy! Có những người như mày, Lực lượng thanh niên xung phong mới không ngừng lớn mạnh”. Nó tin vào điều đó vì trong mắt đồng chí bí thư chỉ có sự chân thành.
oOo
Nhiều người bảo thế giới này ngày càng nhiều thêm những người vô cảm. Thật vậy, những chuyện bình thường dễ làm như “nhặt được của rơi trả người đánh mất ”, “thấy chuyện bất bình ra tay nghĩa hiệp”…, ai cũng biết nhưng có mấy ai dám thực hiện? Nên với riêng tôi, Trần Anh Hùng đúng là một anh hùng thời bình. Còn ý kiến của bạn thì như thế nào?
(28-3-2010)
Áo Trắngsố 35(số 91 bộ mới) ra ngày 15/03/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận