Chợt lòng xúc động kỳ lạ, học sinh bây giờ đã được dạy cách sử dụng từ điển tiếng nước mình rồi ư?
![]() |
Các banner chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 viết sai nhiều lỗi chính tả như chữ “gắng công” thành “gắn công”, chữ “bắc cầu” thành “bắt cầu” đã khiến nhiều người đi đường khó chịu - Ảnh: N.C.T. |
Từ điển là một loại sách mà hầu như nhà nào cũng có! Nhưng khi tôi làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với 20 người bạn (VN) của mình thì chỉ có... hai bạn có Từ điển tiếng Việt trong nhà. Thậm chí trong thế giới mạng, nơi có đầy đủ các công cụ tìm kiếm, vẫn thiếu một trang từ điển tiếng Việt đầy đủ và đúng nghĩa.
Chúng ta quá tự tin vào vốn từ tiếng Việt của mình, hay thật sự chúng ta quên rằng Từ điển tiếng Việt rất cần thiết và hữu ích để giúp ta nói đúng tiếng nước mình?
Quyển Từ điển tiếng Việt xuất hiện trong gia đình tôi từ năm tôi học lớp 7, khi đó chương trình phổ thông môn tiếng Việt có các bài tập về từ ngữ và học sinh cần phải giải thích ý nghĩa của những từ đó. Mặc dù chỉ là những từ trong các chủ đề hết sức gần gũi như “gia đình, hôn nhân...” nhưng hầu hết chúng tôi đều giải thích... sai hoặc không đầy đủ ý nghĩa.
Chính sự kém hiểu biết về những từ ngữ mình dùng hằng ngày, tôi và các bạn đã được cô giáo khuyên nên mua một quyển Từ điển tiếng Việt và luyện tập thói quen sử dụng từ điển khi có những thắc mắc và hồ nghi về ngôn ngữ.
Ai cũng thừa nhận tiếng Việt vô cùng phong phú, nên chắc chắn không ai trong chúng ta có thể khẳng định mình hiểu và dùng từ đúng hoàn toàn. Nhưng chúng ta lại quá tự tin và hời hợt với những từ mới trong tiếng Việt. Gặp một từ lạ trên báo chí hay trong sách vở, chúng ta thường suy luận một cách bản năng, đoán nghĩa tạm rồi bỏ đấy.
Ngoài mặt ý nghĩa của từ, từ điển còn được dùng với công năng chính là kiểm tra chính tả. Chúng ta - những người lớn - thường phê bình các em tuổi mới lớn viết không đúng tiếng Việt, nhưng có bao giờ chúng ta tự nghiêm khắc với những gì mình viết ra?
Có bao giờ chúng ta cảm giác nghi ngờ về sự chính xác của một từ nào đấy mà mình vừa gõ trên bàn phím khi tán gẫu (chat), viết blog... rồi dùng từ điển để kiểm tra lại? Tất nhiên một từ dù viết sai chính tả cũng không có gì nghiêm trọng vì người đọc vẫn hiểu, nhưng có phải đấy là biểu hiện vô tâm với chính một thứ phương tiện giao tiếp mà chúng ta cần phải trân trọng?
Cho nên, thật mong những quyển từ điển tiếng nước mình không bị bỏ nằm lạc lõng trong nhà sách! Mong Từ điển tiếng Việt không phải là cuốn sách xa lạ với nhiều người Việt!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Hãy nghiêm túc với tiếng Việt của chính mình Viết tiếp bài “Tiếng Việt dị dạng”: học sinh chưa coi trọng “chữ viết”Tiếng Việt đâu rồi?“MyHa xin chào các bạn”“Tiếng Việt đâu rồi?”: báo chí nên xem lại mìnhCần quy tắc sử dụng chuẩn mực tiếng ViệtMột tạp chí dùng tiếng Việt dị dạngThiếu quan tâm đến chuẩn mực ngôn ngữHãy dừng lại vài giâyTiếng Việt dị dạng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận