26/11/2009 07:04 GMT+7

Viết tiếp bài "Tiếng Việt dị dạng": Hãy dừng lại vài giây

TRẦN THỊ BẢO TRÂN (tranbaotran87@...)
TRẦN THỊ BẢO TRÂN (tranbaotran87@...)

TT - Một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay đã quên “yêu tiếng mẹ đẻ”, phải chăng đó cũng là nguyên nhân khiến họ dùng tiếng Anh nhiều hơn và viết tiếng Việt cũng lạ hơn?

Không nói về việc chêm tiếng Anh vào những câu nói tiếng Việt, bản thân tiếng Việt đang được dùng hiện nay (chủ yếu trên tin nhắn, chat, và thậm chí cả báo chí) khiến không ít người khó khăn khi đọc tiếng mẹ đẻ của mình. Từ những từ quen thuộc như “iu”, “gét”, “pé”, “xương”, “nà”... đến “iem”, “synh đệp”, “xynh”, “jỳ”, “thoy”.

Không chỉ vận dụng hết khả năng uốn éo của đôi môi để phát âm đúng những từ này, người đọc cũng phải vận dụng hết cả trí óc. Những ngôn ngữ này của tuổi mới lớn xem ra khá mới lạ, đầy cá tính và phần nào làm sinh động hơn cho cách thể hiện cảm xúc.

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng e rằng các bạn trẻ đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là cách thể hiện tình yêu không chỉ đối với ngôn ngữ mà còn là tình yêu với quê hương. Bạn có yêu tiếng Việt không? Một ngày nào đó, giữa mênh mông lạ lẫm của xứ người, chợt vang lên một câu nói: “Xin chào”, tôi chắc hẳn một người VN sẽ vui sướng lạ lùng.

Hãy dừng lại vài giây trước khi gõ vào bàn phím để xem lại những ký tự nào nên đặt kế bên nhau và trong tim mình, tình yêu cho tiếng Việt có đang trỗi dậy? Làm sáng lên niềm tự hào và tình yêu dành cho ngôn ngữ, bản sắc Việt Nam, tôi nghĩ không chỉ là ý thức của mỗi cá nhân mà còn rất cần sự hướng dẫn từ những cá nhân, tổ chức đang có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

* Cũng như việc sử dụng tiếng Anh tùy tiện, việc dùng tiếng Việt theo hình thức “cải biên” được nhiều người cho rằng chuyện không có gì ầm ĩ, đó chỉ là một cách làm cho việc trao đổi thông tin thêm thú vị, phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh một số ý thức được như vậy (những người này thường rất chừng mực cũng như dễ điều chỉnh, thậm chí chấm dứt cách sử dụng ngôn ngữ “lệch chuẩn” này khi không nhận được sự cổ súy chung của xã hội), tôi cho rằng còn có một nguyên do khác dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhiều bạn trẻ cố gắng tạo ra vỏ bọc bên ngoài bằng việc dễ dãi chạy theo trào lưu, sự “thức thời” và “sành điệu”.

* Đây là một vấn đề lớn đòi hỏi sự quan tâm của nhiều người. Chúng ta từng nhiều lần đề cập đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng chẳng khác nào nước đổ lá khoai, rồi cũng chán. Vì vậy, lần này tôi nghĩ báo Tuổi Trẻ nên kiên trì lâu dài với chủ đề này. Sẽ rất hay nếu có hẳn một chuyên mục trên báo nói về vấn đề này và các biện pháp (ví dụ báo có thể đăng những tác phẩm văn học ngắn thể hiện nét đẹp và hay của tiếng Việt, mở các trò chơi nhỏ trên báo để bạn đọc tìm hiểu về tiếng Việt...).

Tiếng nói là tâm hồn dân tộc, nếu chúng ta không biết giữ gìn, bảo vệ tiếng nói dân tộc thì xem như chúng ta mất đi một phần tâm hồn đẹp đẽ của mình vậy!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hãy nghiêm túc với tiếng Việt của chính mình Viết tiếp bài “Tiếng Việt dị dạng”: học sinh chưa coi trọng “chữ viết”Tiếng Việt đâu rồi?“MyHa xin chào các bạn”“Tiếng Việt đâu rồi?”: báo chí nên xem lại mìnhCần quy tắc sử dụng chuẩn mực tiếng ViệtMột tạp chí dùng tiếng Việt dị dạngThiếu quan tâm đến chuẩn mực ngôn ngữ

TRẦN THỊ BẢO TRÂN (tranbaotran87@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên