15/03/2007 05:43 GMT+7

Quyền tài sản

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Dự luật về sở hữu tài sản tư đang được thảo luận tại Quốc hội Trung Quốc. Gọi là “quốc hội”, chứ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc với 3.000 người, năm nay nhóm họp trên mười ngày, là một thiết chế dân biểu nhiều nghi lễ hơn là một nghị viện thực quyền kiểu phương Tây.

P6cb9GfW.jpgPhóng to
Sổ đỏ, sổ hồng, sổ đăng ký giao dịch bảo đảm nhà đất từ nhiều năm nay vẫn chưa thể thu về một mối ở Việt Nam. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: P.P.H.

Sau năm năm gia nhập WTO, người Trung Hoa chưa vội ban hành Bộ luật dân sự, Luật thương mại hay Luật cạnh tranh. Hài lòng với các nguyên tắc chung được công bố cách đây hơn hai thập kỷ, người ta thận trọng chuẩn bị các đạo luật đồ sộ về quyền tài sản, khế ước hay công ty; những viên gạch sẽ tạo nên một bộ dân luật đồ sộ gồm nhiều quyển cho nước Trung Quốc mới.

So với bộ dân luật năm quyển được du nhập dưới thời Quốc dân Đảng, người Trung Hoa thời nay đầy tự tin khi sáng tạo pháp luật cho xã hội của mình.

Quyền tài sản, trong đó nhấn mạnh bảo đảm quyền tài sản tư hữu về nhà đất, quả nhiên là một đề tài được tranh cãi nhiều trong số gần 270 điều khoản của dự luật này. Điều thú vị là người ta đã nhấn mạnh tới ba loại hình sở hữu của nhà nước, của các tập thể và cá nhân, theo đó đất đai có thể thuộc sở hữu của nhà nước hoặc thuộc sở hữu tập thể, mỗi hộ gia đình có quyền sở hữu một thổ cư duy nhất với qui chế bảo hộ mạnh mẽ. Sở hữu nhà nước sẽ được chiếm giữ và định đoạt bởi những cơ quan do nhà nước chỉ định, dọn đường cho việc thiết lập các thiết chế ủy thác quản lý công sản kiểu Temasek của Singapore.

Với thiết kế ấy, người Trung Hoa đã cụ thể hóa học thuyết về sở hữu toàn dân, làm cho đất đai rõ dần chủ sở hữu. Với đất công, tập thể và cá nhân có quyền hưởng dụng; lại một sáng tạo mới của người Trung Hoa dựa trên những gợi ý từ dân luật Đức. Quyền hưởng dụng ấy bao gồm chiếm hữu, sử dụng và hưởng hoa lợi, quyền chia sẻ các lợi quyền lâu dài khác dựa trên sự ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước - một bước tiến xa hơn trong minh định các quyền tài sản tư cho các chủ sử dụng đất đai. Dự luật cũng đưa ra những giới hạn cho việc chuyển đất canh tác nông nghiệp thành đất cho các khu công nghiệp và đất ở, ấn định thủ tục đấu thầu để tìm kiếm các công ty phát triển hạ tầng theo các tiêu chí cạnh tranh. Việc chỉ định và giao đất theo thủ tục hành chính bị hạn chế tối đa.

Một cơ quan đăng ký điền địa toàn quốc thực hiện những dịch vụ công như đăng ký sở hữu, các quyền địa dịch, đệ đương... cũng được ấn định thống nhất. Đọc dự luật sở hữu tài sản tư của Trung Quốc, chợt nhớ tới sổ đỏ, sổ hồng, sổ đăng ký giao dịch bảo đảm nhà đất từ nhiều năm nay vẫn chưa thể thu về một mối ở Việt Nam.

Cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh dự luật sở hữu tài sản tư cho thấy người Trung Hoa dù có khác nhau về ý niệm, song họ không hề bị chia rẽ, bởi tất cả những người tranh luận đều cẩn trọng khi xây dựng khuôn mẫu hành vi cho người dân nước họ. Và hình như, vượt lên tất cả, họ đều có ý thức rõ rệt về niềm hãnh diện làm ra các đạo luật mang bản sắc Trung Hoa.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên