10/09/2007 06:41 GMT+7

Quyến rũ "nhạc con gái"

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Tuy chưa thành một “thế lực” trong làng nhạc nhưng những “cây bút” nữ đã và đang tạo dấu ấn rõ nét trong đời sống âm nhạc hai năm trở lại đây. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và cũng rất ăn khách.

u8N7rCOd.jpgPhóng to
Ngọc Anh gợi cảm và “rất đàn bà” trong từng sáng tác của mình Ảnh tư liệu
TT - Tuy chưa thành một “thế lực” trong làng nhạc nhưng những “cây bút” nữ đã và đang tạo dấu ấn rõ nét trong đời sống âm nhạc hai năm trở lại đây. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và cũng rất ăn khách.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Các nữ nhạc sĩ ấy không chỉ viết ca khúc mà còn thừa sức thực hiện cả phần hòa âm - phối khí. Và không chỉ có những ca khúc pop “bắt tai”, họ còn thử sức mình ở những dòng nhạc kén người nghe như jazz, các tác phẩm khí nhạc đương đại và cả giao hưởng...

Lực lượng đáng nể

Phần lớn những tác giả nữ nổi tiếng hiện nay đều là những nhạc sĩ bất đắc dĩ, vì bước khởi đầu của họ là ca sĩ. Thoạt đầu họ viết cho chính mình. Như Giáng Son hay Bảo Lan thời gian đầu cũng thử viết ca khúc để “cứu nguy” cho nhóm Năm Dòng Kẻ trong việc phải có nhiều ca khúc mới, hợp với phong cách riêng biệt của nhóm. Nhưng dần dần những ca khúc chất lượng và dễ đi vào lòng người ấy đã được những ca sĩ khác “xin” được hát. Và rồi họ bắt đầu nhận được đơn đặt hàng từ các đồng nghiệp.

Như trường hợp của Ngọc Anh. Rời nhóm 3A và vắng bóng khá lâu trên sân khấu để làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, cô can đảm “làm lại từ đầu” bằng hình thức hát đơn (solo), mà lại hát những ca khúc chưa có “tên tuổi” do chính mình sáng tác trong album Hãy yêu khi ta còn bên nhau phát hành đầu năm 2003. Album chỉ có năm ca khúc nhưng ca khúc nào cũng “rất tình” và đầy khát khao. Điểm đặc biệt nữa là cả năm ca khúc này đều có lời Anh - điều chưa từng có trong tiền lệ và cũng vô cùng “khác người” vào thời điểm đó.

Những tên tuổi như Ngọc Anh, Phương Uyên, Lưu Thiên Hương, Bảo Lan, Giáng Son, Mai Khôi... đều được biết đến như những ca sĩ thành danh trước khi có những sáng tác được giới thiệu rộng rãi trước công chúng.

Nhưng cũng không thể coi họ là những “tay mơ” bởi tất cả đều có khả năng ký xướng âm tốt, biết chơi ít nhất một nhạc cụ, có đời sống nội tâm phong phú và đầy cá tính. Họ cũng không thuộc dạng “đua đòi” sáng tác hòng “lấy lòng” người hâm mộ mà đơn giản chỉ là muốn chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm sống, những tâm tư tình cảm của mình.

Với Lưu Thiên Hương, ban đầu những sáng tác của cô cũng chỉ dành cho em gái Lưu Hương Giang. Nhưng đến nay rất nhiều ca khúc với giai điệu trẻ trung và những tuyên ngôn “rất con gái”, thật đáng yêu của Hương Giang đã trở thành “bài tủ” của giới học trò như Giọt sương và chiếc lá, Giấc mơ đầu tiên, Ngọn cỏ lau...

Và một nữ nhạc sĩ “thứ thiệt” khác, nhận được sự kính nể của rất nhiều người nghe và giới phê bình trong lẫn ngoài nước: Kim Ngọc (học piano ở Nhạc viện Hà Nội và sáng tác ở Đức). Cô theo đuổi thứ âm nhạc thử nghiệm, có tính tiên phong, dẫu chưa hợp với đại chúng vào thời điểm này nhưng những sáng tác khí nhạc của cô thật sự có đẳng cấp. Hơn thế, cô vẫn có những ca khúc dễ nghe với ca từ đẹp như Trượt qua vòng tay mẹ - con ngã khỏi tuổi thơ, Chỉ là giấc mơ, Sao đổi ngôi được Mỹ Linh, Thanh Lam và Hà Trần thể hiện rất thành công.

Dữ dội và dịu êm

Một trong những lý do khiến khán thính giả quan tâm đến lực lượng sáng tác nữ đó là họ vừa có sáng tác vừa có khả năng thể hiện đạt nhất sáng tác của mình. Hãy nghe Ngọc Anh, Mai Khôi, Bảo Lan, Phương Uyên... xem, tất cả đều hát tốt. Với nhiều trường hợp họ còn hát “đẹp” và gợi cảm. Sự gợi cảm trong biểu diễn và ở cả những bìa đĩa gây nhiều tranh cãi. Cái gợi cảm táo bạo “nhập” luôn cả vào ca khúc mà họ viết nên khiến không ít khán giả “mê mệt”.

Người nghe cũng nể các nữ nhạc sĩ bởi sự đa dạng trong phong cách sáng tác. Như Giáng Son, ngoài bản giao hưởng Đồng xa, cô còn cho ra đời những ca khúc mang âm hưởng dân ca (Chút nắng vàng bay, Giấc mơ trưa); những ca khúc mang nhiều dấu ấn của âm nhạc đại chúng kinh điển phương Tây như blues (I love music), swing (Trôi trong gương) hay những bản romance đẹp như Cỏ và mưa, Nến trắng...

Người ta cũng chọn nghe “nhạc nữ tính” bởi sự khác lạ và... đẹp. Có dạo bạn yêu nhạc đã truyền tai nhau về album Trăng và em của Jazzy Dạ Lam - một nữ nghệ sĩ sáng tác và hát nhạc jazz, trẻ đẹp, được học và đào tạo jazz chính thống ở Đức. Một album không phải là dễ nghe với nhiều người nhưng rõ ràng là một sản phẩm âm nhạc có đẳng cấp và đầy cảm xúc. Trên hết, người ta tìm nghe “nhạc nữ quyền” bởi những nội dung mà tác giả muốn gửi gắm.

Hãy nghe Gia đình tôi để hiểu hơn tình cảm của một Phương Uyên với vẻ ngoài bụi bặm, bất cần. Hãy nghe Chàng hát rong hay Độc huyền cầm để thấy những trăn trở của một cô gái trót yêu đàn ca như Bảo Lan. Hãy nghe Khát để hiểu được nỗi lòng, khát vọng tình yêu cháy bỏng của một phụ nữ trông thật nhu mì như Giáng Son.

Và sẽ phải giật mình khi nghe Nỗi khát (Huyền Ngọc) - một nỗi khát khao có một đứa con của người đàn bà. Rất thật, rất dữ dội nhưng không chút thô tục, sỗ sàng. Và hiển nhiên, những sáng tác đó dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm của đa số người nghe cùng phái. Chúng còn thu hút được sự tò mò, muốn tìm hiểu của người nghe khác phái.

Tuy không thật ồ ạt, đại chúng nhưng “nhạc con gái” đang có được những vị thế vững chắc với nhóm khán giả riêng rất trung thành.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên