24/04/2009 08:14 GMT+7

Quy hoạch vỉa hè, lòng đường TP.HCM: Cho đậu xe, chưa cho buôn bán

NGỌC HẬU - CHÍ QUỐC
NGỌC HẬU - CHÍ QUỐC

TT - Quyết định của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè có hiệu lực từ cuối năm 2008. Đến nay mới có 12 quận huyện hoàn tất quy hoạch trình duyệt, chủ yếu tạm cho sử dụng vỉa hè để xe, chưa đề cập việc cho buôn bán.

Sy3lLu7x.jpgPhóng to
Lòng đường và vỉa hè đường Cao Bá Quát (Q.1) được tận dụng làm chỗ đậu xe, người đi bộ phải đi sang bên trái lòng đường vì... không còn cách nào khác (ảnh chụp chiều 21-4) - Ảnh: Chí QUốc

Đơn vị sớm hoàn tất quy hoạch quản lý vỉa hè, lòng đường là Q.1. Theo đó, ngoài bốn tuyến đường không cho để xe trên vỉa hè là Lê Duẩn, Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ, có 68 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe.

Để xe ở vỉa hè: phải đóng lệ phí

Dự kiến phí sử dụng vỉa hè 10.000-70.000 đ/m2

Sở GTVT và Sở Tài Chính TP đang có dự thảo về thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường để giữ xe, đậu xe và kinh doanh. Theo dự thảo, người dân sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán trên các tuyến đường chính thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận sẽ đóng phí 50.000 đồng/m2/tháng. Các quận 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh người sử dụng vỉa hè các tuyến đường chính sẽ đóng phí 35.000 đồng/m2/tháng. Những tuyến đường còn lại của các quận này đóng phí 20.000 đồng/m2/tháng. Người buôn bán trên vỉa hè các tuyến đường thuộc huyện Cần Giờ đóng phí 10.000 đồng/m2/tháng.

Dự thảo cũng quy định: trường hợp lập bãi đậu ôtô có thu phí trên vỉa hè đóng phí từ 20.000-70.000 đồng/m2/tháng; bãi xe hai bánh gắn máy đóng phí từ 20.000-60.000 đồng/m2/tháng; để xe tự quản trên vỉa hè, lòng đường để phục vụ kinh doanh trong nhà, cửa hàng... sẽ đóng phí từ 10.000-35.000 đồng/m2/tháng tùy tuyến đường đối với ôtô và từ 15.000-30.000 đồng/m2/tháng đối với xe hai bánh gắn máy.

Trong các tuyến đường được sử dụng vỉa hè làm bãi đậu xe, Q.1 đề xuất chỉ cho làm bãi giữ xe đối với đoạn lề đường có vỉa hè từ 3m trở lên. Như suốt tuyến Bùi Thị Xuân, cho phép làm bãi giữ xe ở vỉa hè góc đường Bùi Thị Xuân và Cách Mạng Tháng Tám, đường Hai Bà Trưng cho giữ ôtô trên vỉa hè cổng công viên Lê Văn Tám và giữ xe hai bánh trước Bưu điện Tân Định, đường Nguyễn Thị Minh Khai đề xuất giữ ôtô cạnh Bệnh viện Từ Dũ và cạnh công viên Tao Đàn...

Về sử dụng lòng đường, Q.1 đề xuất 18 tuyến đường có bề rộng lòng đường đạt tiêu chí (đường một chiều rộng tối thiểu 7,5m cho đậu ôtô một bên, đường hai chiều rộng 10,5m cho đậu ôtô một bên, đường 14m cho đậu ôtô hai bên) cho phép đậu ôtô có thu phí. Tuy nhiên, có 11 tuyến đường không đạt tiêu chí vẫn được đề xuất cho phép đậu ôtô như đường Hàn Thuyên (lòng đường rộng 8m), Alexandre De Rhodes (8m)... vì đây là tuyến đường có mật độ lưu thông thấp.

UBND Q.1 cũng đã công khai ban hành danh mục 88 tuyến đường được phép để xe hai bánh tự quản phía trước doanh nghiệp, cửa hàng và nhà của người dân. Từ đầu năm 2009, UBND Q.1 đã kẻ vạch sơn trên các tuyến đường này và cho phép để một hàng xe. Nếu thanh tra xây dựng hoặc công an phường phát hiện trường hợp nào vi phạm - để xe ngoài vạch kẻ quy định - sẽ xử phạt. Các hộ dân, doanh nghiệp trên các tuyến đường được để xe nếu có nhu cầu để xe trước cửa nhà phải làm đơn xin phép và sẽ đóng lệ phí sử dụng vỉa hè (12.000 đồng/m2/tháng).

UBND Q.11 đã quy hoạch 30 tuyến đường có lề rộng từ 3m trở lên để sử dụng tạm thời một phần giữ xe hai bánh phục vụ hoạt động kinh doanh buôn bán; 12 tuyến tạm sử dụng vỉa hè để giữ xe công cộng và kinh doanh thời vụ dịp lễ, tết hằng năm như khu vực đường Lò Siêu, Lãnh Binh Thăng, Dương Đình Nghệ, Lữ Gia, Lý Thường Kiệt... Ngoài tám tuyến đường quy hoạch cho phép đậu ôtô dưới 16 chỗ có thu phí, UBND Q.11 kiến nghị cho lập bãi giữ ôtô có thu phí khu vực đường nội bộ một số chung cư.

Q.3 có 69 tuyến đường trên 3m được quy hoạch vỉa hè làm chỗ để xe. Theo Phòng quản lý đô thị quận này, quận sẽ xem xét cấp giấy phép sử dụng vỉa hè cho việc để xe, kinh doanh của người dân sau khi UBND TP chính thức có quyết định về thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường. Trước đó, tại quyết định ban hành danh mục tạm thời các tuyến đường để xe tự quản trên địa bàn, UBND Q.3 nêu rõ “phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè đối với hộ kinh doanh sẽ được thực hiện khi có quyết định của UBND TP, riêng đối với các hộ sử dụng cho sinh hoạt gia đình sẽ không thu phí”.

Địa bàn Q.5 có 96 tuyến đường, trong đó có 46 tuyến được lập danh mục sắp xếp, tổ chức làm bãi giữ xe trên vỉa hè có thu phí và chín tuyến quy hoạch vào mục đích kinh doanh, buôn bán hàng hóa, các tuyến còn lại có bề rộng nhỏ hơn 3m nên không được đưa vào danh sách. Theo Phòng quản lý đô thị Q.5, trước đó quận đã cấp giấy phép tạm thời cho 89 điểm giữ xe hai bánh (hiện còn 61 điểm được gia hạn giấy phép). Việc cấp giấy phép tạm thời này sẽ được điều chỉnh sau khi UBND TP phê duyệt danh mục trên.

Các tuyến đường dưới 3m không đủ điều kiện lập danh mục cho để xe thì giải quyết thế nào? Ông Phạm Duy Khang - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.5 - cho biết sẽ cho khách vãng lai để xe trong một khoảng thời gian nhất định khi đến giao dịch ở nhà dân, riêng xe của chủ nhà phải để trong nhà.

Theo quy định chung, tất cả vỉa hè được sử dụng làm bãi xe, đậu xe phục vụ hoạt động kinh doanh và các mục đích khác... chỉ được sử dụng vỉa hè trong phạm vi 1,5m, phần còn lại dành cho người đi bộ.

Người buôn bán vỉa hè lo lắng

Quy định về quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè của UBNDTP nêu rõ: các tuyến đường đặc thù cho phép sử dụng vỉa hè vào kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa sẽ được cấp phép tạm thời, UBND quận huyện lập danh mục này gửi Sở Giao thông vận tải thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quận huyện nào quy hoạch vỉa hè cho hoạt động kinh doanh dịch vụ và buôn bán hàng hóa.

Trong khi đó, trên đường Trương Định (Q.1), anh N.T., bán thuốc lá, cho biết: “Thấy UBND Q.1 cho kẻ vạch sơn trắng trên vỉa hè cho phép để xe hai bánh, chúng tôi tưởng cũng sẽ được buôn bán bên trong vạch sơn, nhưng sau đó thanh tra xây dựng phường đến lập biên bản xử phạt vì buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Xe thuốc lá của tôi chỉ tốn khoảng 1,2m vỉa hè, nếu được cấp phép, nộp phí để buôn bán thì tôi cũng an tâm hơn là cứ phải đóng phạt...”.

Cũng mang tâm trạng như vậy, bà Lan - có xe nước giải khát trên đường Trương Định (Q.1) - cho rằng nếu TP cấp phép sử dụng vỉa hè và quy định đóng phí thì chắc chắn người buôn bán trên vỉa hè sẽ tuân theo.

NGỌC HẬU - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên