TT - Câu chuyện Manchester United (M.U) thảm bại 1-6 trước Manchester City (M.C) vòng 9 Giải ngoại hạng Anh đã trở thành đề tài vơđet cho nhiều độc giả chọn bình luận ở kỳ thi tuần này.
Điều thú vị là trận đấu trên diễn ra muộn (đêm 23-10), khá cận với thời gian gút bài của ban giám khảo, đồng thời nhiều độc giả lại không có cơ hội xem trận đấu trên truyền hình, nhưng chúng tôi đã nhận gần 200 bài dự thi viết về cuộc đối đầu giữa M.U và M.C. Điều đó chứng tỏ bạn đọc không chỉ nhạy bén trong việc chọn đề tài mà còn viết rất nhanh.
Liên quan đến trận đấu trên, nhiều bạn đọc đã chọn bình luận câu chuyện của tiền đạo người Ý Balotelli tỏa sáng. Bạn đọc Nguyễn Đức Tiến ở TP.HCM trong bài viết Tại sao luôn là tôi? đã bình luận: “Cuộc sống chứa đựng nhiều cạm bẫy, con người vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Nhưng hơn hết là họ biết nỗ lực thay đổi bản thân để vươn đến những điều tốt đẹp. Đó mới là điều đáng trân trọng”. Bài viết này đã được ban giám khảo chấm giải khuyến khích.
Bài Nước mắt cổ động viên của tác giả Văn Cảnh cũng chọn bình luận một hình ảnh rất độc đáo trong trận Wolves hòa Swansea 2-2, đó là cảnh một nữ CĐV đội chủ nhà Wolves khóc nức nở sau khi Swansea nâng tỉ số lên 2-0 ở gần cuối hiệp một. Độc giả Văn Cảnh viết: “Hình ảnh ấy thật đẹp làm sao, nó khơi gợi cho chúng ta suy nghĩ nhiều về thứ bóng đá và tình yêu bóng đá chân chính...”.
Dưới đây là danh sách 11 bạn đọc trúng giải:
Giải nhất: Premier League và đất nước Việt (Phạm Ngân Khánh), giải nhì: “ (Văn Cảnh).
Tám giải khuyến khích: Vẫy chào quá khứ (Nguyễn Nghĩa Vi Dân), Người đàn ông Ý ở xứ sở sương mù (Phạm Văn Thành), Tại sao luôn là tôi? (Nguyễn Đức Tiến), Lời phán xét của trái tim (Nguyễn Đình Chiến), Denis Law, Tevez và Hargreave (Phan Đình Bình), Bao nhiêu Van Persie, Tấn Trường nữa đây? (Nguyễn Ánh Khôi), Khi hai tư tưởng lớn gặp nhau (Hoàng Thảo), Ferguson, Mancini và trận chiến “Waterloo” (Lê Mạnh Hưng).
K.B.
Bài dự thi đoạt giải nhất: Premier League và đất nước Việt Cùng với sự phát triển bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, ngày nay bóng đá không còn là môn thể thao đơn thuần nữa mà đó còn là nơi quảng bá văn hóa, con người của mỗi nước. Trong những năm qua, sự kết hợp hoàn hảo giữa bóng đá và truyền thông góp phần làm Premier League trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh và thu hút rất nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới. Thông qua những trận đấu ở Premier League hình ảnh đất nước, con người xứ sở sương mù được thế giới biết đến nhiều hơn. Sự kiện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ký hợp tác với Công ty Sports Revolution nhằm quảng bá hình ảnh cho du lịch Việt Nam trên các bảng điện tử tại các sân vận động ở Giải ngoại hạng Anh thật sự làm người hâm mộ cảm thấy rất vui và tự hào. Từ nay ngoài dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai ở sân Emirates sẽ có thêm dòng chữ “Viet Nam - Your destination” (Việt Nam - Điểm đến của bạn) cùng địa chỉ trang web du lịch Việt Nam xuất hiện trên các sân cỏ nước Anh. Premier League đang là giải đấu có lượng lượt người xem nhiều nhất thế giới. Ở châu Á - Thái Bình Dương, số lượt người xem là 1,3 tỉ, châu Âu là 761 triệu, Nam Mỹ là 879 triệu, Bắc Mỹ là 140 triệu và riêng Vương quốc Anh là 629 triệu. Chỉ cần dòng chữ “Viet Nam - Your destination” xuất hiện trong 10 trận đấu trên những sân vận động nổi tiếng như Old Trafford, Emirates, Stamford Bridge, Anfield, Etihad... cũng đủ cho người xem trên toàn thế giới “ghi nhớ” hai tiếng “Việt Nam”. Đến với Việt Nam không chỉ thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, mà còn tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của một nền văn hóa có 4.000 năm văn hiến. Đến Việt Nam để chứng kiến nghị lực của một dân tộc anh dũng trong chiến tranh và ngày nay đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một đất nước phồn vinh, giàu đẹp... Giờ đây Premier League không chỉ là nơi người hâm mộ bóng đá Việt Nam thưởng thức những trận cầu đỉnh cao, mà còn là một “kênh” thông tin tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Xem những trận đấu ở Premier League, người hâm mộ trên toàn thế giới còn “nhận” được một lời chào mời rất đỗi thân thương “Viet Nam - Your destination”. Hãy đến với chúng tôi vì người Việt Nam thân thiện và mến khách. PHẠM NGÂN KHÁNH (Trường Quốc học Huế) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận