11/03/2016 14:11 GMT+7

​Quy chế tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động

Nguồn: UBND TP.HCM
Nguồn: UBND TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động.

Theo đó, hòa giải viên lao động phải là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án; am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; có 3 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.

Hòa giải viên lao động trong những ngày được cử để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề được hưởng chế độ bồi dưỡng như đối với Hội thẩm theo quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết dân sự; được thanh toán công tác phí trong những ngày thực hiện công tác hòa giải theo chế độ công tác phí hiện hành và được bảo đảm các điều kiện cần thiết về phòng họp, tài liệu, văn phòng phẩm, thư ký theo phân công của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phục vụ hòa giải tranh chấp lao động; được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải theo quy định; được đề xuất ý kiến với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện công tác hòa giải tranh chấp lao động, chính sách pháp luật về hòa giải tranh chấp lao động. Hòa giải viên được lựa chọn thí điểm thực hiện đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP.HCM giai đoạn 2014 – 2020, ngoài những quyền trên sẽ được hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động hòa giải trên địa bàn thí điểm.

Hòa giải viên lao động có nghĩa vụ tuân thủ đúng các quy định pháp luật, không được lợi dụng uy tín, quyền hạn, trách nhiệm của mình làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải; không được từ chối nhiệm vụ hòa giải khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng; thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của người và cơ quan có thẩm quyền.

Hòa giải viên được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP.HCM giai đoạn 2014 - 2020 ngoài các nghĩa vụ nêu trên, phải thực hiện đúng tiến độ của đề án, kết quả đạt được phải đảm bảo trên 50% yêu cầu đề án đặt ra; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai đề án do hòa giải viên lao động đảm nhận.

Nguồn: UBND TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên