03/04/2007 06:07 GMT+7

Quốc hội phân vân việc lập Ủy ban Tư pháp

N.V.HẢI - L.A.ĐỦ
N.V.HẢI - L.A.ĐỦ

TT (Hà Nội) - Trong diễn văn bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XI sáng qua 2-4, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: “Một nhiệm kỳ năm năm với gần 2.000 ngày làm nhiệm vụ người đại biểu (ĐB) nhân dân, mỗi ĐBQH đều luôn tâm niệm một điều: phải làm gì đây để không phụ lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân”.

Ông cho biết trong nhiệm kỳ qua, bằng tâm huyết, trí tuệ và sức lực, các vị ĐBQH “đã gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ảnh với QH và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về quốc kế dân sinh của đất nước”.

Trước đó, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức QH, quyết nghị việc cho phép người lao động nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương, chủ trương xây nhà QH và “số phận” dự án quan trọng quốc gia khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tranh luận về chức năng của Ủy ban Tư pháp

“Tôi không phản đối việc lập Ủy ban Tư pháp của QH” - cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lên tiếng. Tuy nhiên, ông Lộc đề nghị QH “cần trao đổi, thảo luận kỹ về chức năng của ủy ban này”. Theo ĐB Nguyễn Đình Lộc, dự luật sửa đổi (tại điều 27a) qui định Ủy ban Tư pháp giám sát toàn bộ hoạt động tư pháp. “Hoạt động tư pháp do Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự qui định, nhưng cả hai bộ luật này hiện không hề nhắc gì đến vị trí, vai trò của Ủy ban Tư pháp” - ông Lộc phát hiện.

ĐB Nguyễn Đình Lộc cũng nhận ra một sự “khập khiễng”: luật hiện hành qui định viện kiểm sát làm chức năng công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Nếu sửa luật theo hướng thêm chức năng của Ủy ban Tư pháp “sẽ đặt việc giám sát hoạt động tư pháp vào tình thế giẫm chân lên nhau”, trong khi Luật tố tụng “không có bất cứ cánh cửa nào cho Ủy ban Tư pháp vào giám sát, kể cả từ điều tra - truy tố đến xét xử” - ông Lộc khẳng định.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đứng dậy tự nhận mình “là một trong 72 ĐBQH còn có ý kiến phân vân về Ủy ban Tư pháp”. “Tôi đồng tình với ĐB Lộc, đề nghị QH cần xem xét thật kỹ qui định về chức năng của Ủy ban Tư pháp tại điều 27a” - ông Trân nói. Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu phân trần: những vấn đề ĐB nêu đã được thảo luận kỹ, “xin phép để các ĐBQH thể hiện chính kiến của mình bằng việc biểu quyết”.

80 ĐB không tán thành và 17 ĐB không biểu quyết chỉ là thiểu số so với 359 ĐB tán thành (73,12%) nên QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức QH.

Xây nhà QH tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình

Với 450 ĐB tán thành (91,65%), QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ luật lao động. Theo đó, kể từ năm 2007, người lao động trong cả nước sẽ được nghỉ thêm một ngày (tổng cộng là chín ngày nghỉ/năm) vào dịp giỗ tổ Hùng Vương - 10-3 âm lịch hằng năm.

Cũng trong phiên họp, QH - với 425 ĐB tán thành (chiếm 86,56% tổng số ĐB) - đã thông qua nghị quyết thống nhất phương án qui hoạch, xây dựng nhà QH tại lô D khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Cùng ngày 450 ĐBQH (chiếm 91,65% tổng số ĐB) cũng đã biểu quyết tán thành nghị quyết của QH về việc công nhận hoàn thành dự án quan trọng quốc gia khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu.

QH chấp thuận cho tách khỏi dự án quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch, chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí, đầu tư xây dựng tuyến ống Hiệp Phước - TP.HCM, các hạng mục giai đoạn 2 của dự án hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Gò Dầu. Bốn dự án còn lại gồm liên doanh sản xuất methanol, sản xuất quặng hoàn nguyên, Nhà máy điện Wartsila, Nhà máy điện Amata, do không có hiệu quả kinh tế nên QH chấp thuận giao Chính phủ chỉ đạo tìm giải pháp xử lý phù hợp.

N.V.HẢI - L.A.ĐỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên