Phóng to |
Nhạc sĩ Văn Cao (bìa phải) cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung |
1. Sự thật là hiện nay ở VN, hiện tượng bài hát được vang lên không như ý muốn của tác giả, tệ hơn, tác phẩm “bị” hát bằng một hình thức có thể làm người nghe hiểu sai về nó, thậm chí bị hiểu hoàn toàn khác đi, lại là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Không ai quản lý và có chế tài về việc này. Tổ chức bảo hộ quyền tác giả của nhạc sĩ Phó Đức Phương chỉ “sờ” đến ai khi có chuyện kiện cáo, còn việc hát sai lời, sai về tiết tấu và hát theo kiểu mô-đi-phê, liệu đã có mấy ai quan tâm. Thậm chí một nhạc sĩ già còn bảo tôi, khi ông được thu một ca khúc mới, rằng nó hát cho mình là may rồi, mình đâu có sáng tác loại bài hát nào tình để mà nó khoái! Thế đó.
Tuy vậy, chuyện về Quốc ca là việc cần trao đổi.
Bao nhiêu năm nay, theo dõi âm nhạc mà tôi không hề thấy một quy định nào về cách sử dụng bài ca này, ở dạng nhạc (quốc thiều) hay hát (quốc ca), thành ra tự do vô cùng. Các cơ quan chào cờ, Đại hội Đảng các cấp, lúc cử một lần, một lời, lúc hai lời hay lại cử cả 2 lần và vẫn một lời, hoặc hát không chính xác. Nhiều chỗ cử nhạc sống, ngoài ra là phát băng. Băng thì dùng organ tấu, băng khác là kèn, rồi sáo, bộ dây… mà chẳng thống nhất được.
Sao không thấy có việc một đơn vị nào đó, chẳng hạn Bộ VH-TT hay Hội Nhạc sĩ VN, đứng ra thu một băng thật chuẩn bài Tiến quân ca ở cả hai dạng rồi nhân bản toàn quốc, tiện lợi biết bao. Tuy thế, đã nói đến bài quốc ca của một quốc gia, từ cách hiểu đến cách trình tấu, lại phải đề cập cho đầy đủ.
2. Trên thế giới, sự hình thành những bài quốc ca cũng không giống nhau. Có thể quốc ca là những bài hát đánh dấu cuộc vận động cách mạng, thường là hào hùng và có khí thế, như La Marseillaise (Pháp), Nghĩa dũng quân tiến hành khúc (Trung Quốc), Tiến quân ca (Việt Nam), kể cả Quốc tế ca (từ lời thơ rực lửa của Potier)… cũng được công nhận từ hoàn cảnh tương tự. Cũng có thể chỉ là một chương trong một giao hưởng có tiếng, một giai điệu êm nhẹ nào đó, như một số nước châu Âu.
Tại VN, khi cả nước còn có chiến tranh, nhiệm vụ sống còn là giải phóng dân tộc, âm nhạc đã hướng về nhiệm vụ này là lẽ đương nhiên. Có thể vì lý do ấy mà bản Tiến quân ca của Văn Cao luôn vang lên trong lòng các thế hệ VN, nhất là lớp đã đi qua chiến tranh, một khí thế hừng hực và để có khí thế ấy, bài ca đã được cất lên một cách mạnh mẽ, có tốc độ và mang tính chiến đấu cao.
Khi đất nước hòa bình, lòng người lắng dịu hơn và người ta bắt đầu nghĩ đến không khí thái bình, dành nhiều thời gian hơn cho hoa và cho tình yêu. Tâm lý tất yếu ấy có thể mách bảo người ta có cái nhìn êm ái và mềm mại hơn về bản nhạc anh hùng ngày nào. Tuy vậy, ở đây lại không thể có chuyện cảm tính.
Đã là quốc ca, tác phẩm ấy không còn là của một người nào, mà nó đã là của cả dân tộc. Khác với một tác phẩm thông thường, tác phẩm ấy được sử dụng như thế nào là quyền của dân tộc ấy, ở đây phải hiểu là quyền của người được trao trách nhiệm với công việc này. Cho nên, có thể giảm tiết tấu, đổi ca từ hay thay đổi chút ít về một chi tiết, nếu thấy cần và đó là thực tế, cho dù người viết bài ấy có thể là chưa đồng ý với sự đổi thay này. Câu hỏi: thể hiện bài Tiến quân ca như hiện nay đã là đúng chưa, còn cần được trao đổi và suy nghĩ thêm.
3. Xưa, người ta vẫn xem âm nhạc, nhất là “quốc nhạc” là linh hồn của một dân tộc và luôn có những cách đánh giá rất độc đáo, đáng tham khảo. Theo cụ Lê Quí Đôn (Vân Đài loại ngữ), âm nhạc được mô tả bằng nhiều cách, trong đó có thanh và âm. Âm nhạc của đời thái bình thì hài hòa, vì thanh thấp (hạ) và âm nhạc ở thời loạn thì lại không hài hòa vì thanh cao. Âm quý trung hòa, trải xem tiếng nhạc đời Lục triều (420-581) và Ngũ đại (907-959), thanh càng cao thì vận nước càng ngắn, tới khoảng giữa đời Đường, Tống cũng vậy.
Cho nên, hình hòa thì khí hòa, khí hòa thì thanh hòa, thanh hòa thì hòa khí của trời đất ứng ngay. Bài Tiến quân ca ra đời được viết ở giọng Si giáng trưởng, sau đó hạ xuống La, thậm chí Son trưởng khi tấu nhạc để tạo nên sự trầm ấm, rất có lý. Và tốc độ diễn tấu, bài ca ấy cũng đã có chút đổi thay phù hợp với khung cảnh đất nước ta sau thời kỳ 9 năm.
Đó là chuyện xưa. Tôi không nghĩ rằng, Nhà nước ta đã quyết định chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca thì nó là một cái gì mang tính bất biến. Tôi cho rằng ngay ở khái niệm nhịp đi, trong âm nhạc cũng có đến mấy cách “đi” và sự đổi thay nào đó ở tốc độ của ca khúc này, là hoàn toàn có thể, nếu nó được một hội đồng có đủ uy tín về chuyên môn xem xét và tổ chức thực hiện. Nói như anh Lân Hùng, hiện có 2 “loại” Quốc ca, loại đầu hùng tráng, đầy hào khí, nhịp đi mạnh mẽ, loại hai thì trang nghiêm, chậm rãi, bề thế. Nếu đúng như thế, về phần mình, tôi sẽ lựa chọn “loại” thứ hai.
Sự quan tâm của anh Lân Hùng là đáng chia sẻ, song với âm nhạc và nhất là với “Quốc nhạc”, lại có những chế định dành riêng cho nó. Nói cho cùng, lịch sử đã dành cho ca khúc ấy một số phận, một cách đối xử mà thời gian có thể làm đổi thay nhưng giá trị của nó vẫn mãi mãi bền lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận