29/09/2019 18:05 GMT+7

Quito - viên ngọc Baroque Nam Mỹ

Bài & ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Bài & ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH

TTO - Ba ngày ở Quito (Ecuador), dường như những bước chân định mệnh của tôi vận chặt vào chuyến xe buýt số 2.

Quito - viên ngọc Baroque Nam Mỹ - Ảnh 1.

Thủ đô Quito nhìn từ trên cao

Mỗi ngày, vào phố cổ rồi quay lại căn gác trọ đơn sơ vẫn là chuyến xe nghĩa tình của anh lơ xe cao to, đậm người có khuôn mặt tròn phúc hậu, luôn gọi tôi xuống xe bằng "Vietnamita - người Việt"…

Vết xưa nét cũ của người Inca đã biến mất khi người Tây Ban Nha san bằng tất cả. Ánh vàng son của đế chế Inca đã hòa quyện trong những đường nét mới, trầm ẩn trong các giáo đường, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà tắm công cộng, bệnh viện… khi các chuyên gia kiến trúc của thế giới mến gọi Quito là "Viên ngọc Baroque quý giá" còn sống sót của lục địa Nam Mỹ.

Vàng son Quito

Là kinh đô sáng chói song hành cùng Cuzco - Perú của hai vị hoàng đế Inca, nên khi xây dựng lại, người Tây Ban Nha cũng trả lại cho Quito một diện mạo mới tương xứng với những giá trị vàng son từng ghi dấu trong đời cô gái xinh đẹp.

Thủ đô Quito nồng nàn hơi thở kiến trúc Baroque của người Ý đang thịnh hành ở châu Âu cuối thế kỷ 16 bằng những tòa nhà chính quyền, công sở, nhà hát trung tâm, giáo đường linh thiêng cùng các ngôi trường gieo mầm trí thức.

Những bức tường uốn lượn đầy mê hoặc trên mặt tiền hay dãy tường nhà chạy san sát, những luồng ánh sáng dịch chuyển, sự âm vang của âm thanh dù chỉ một tiếng động nhỏ, chiều dài và chiều rộng của căn phòng để tạo hiệu ứng ảo ảnh, những mái vòm hình oval được thiết kế tinh xảo, những góc khuất ẩn hiện sau mái vòm trung tâm chạm trổ cầu kỳ, những bức tranh cổ điển… đã thật sự làm mê mụ ánh mắt không nhiều tính mỹ thuật của tôi.

Tôi lạc lối giữa Quito và thật sự không biết đâu là điểm cần ghé qua ngắm nghía…

Là người cha đỡ đầu và bảo hộ cho cả lục địa lẫn thành phố, luôn mở rộng vòng tay chào đón những con chiên lầm đường lạc lối, giáo đường Francisco không bán vé và luôn đông người đến tham quan.

Tôi choáng ngợp khi bước vào bên trong ngôi nhà của vị Thánh thành Assisi. Những thỏi vàng của hoàng đế Inca ngày xưa đã tan chảy thành những sợi vàng dát trên bệ thờ và các khung tranh treo dọc hành lang. Đẹp không bút mực nào tả xiết!

Màu vàng óng ánh lóe sáng trên những cây cột nâng đỡ mái vòm trung tâm và trên cả gác gỗ dành cho các cha xứ giảng kinh, hay làm lễ truyền đức tin.

Dù cô bán vé cho biết không được phép chụp ảnh trong giáo đường Thánh Giuse - San Joseph, nhưng tôi vẫn quyết định vào tham quan. Tôi không còn choáng mà "say" khi lang thang bảo tàng hai tầng bởi những mảng tranh vẽ trên trần nhà, tranh treo tường cùng các bảo vật của hoàng đế Inca.

Những mảng tranh trên dãy tường dài hay trên trần nhà đã bị bụi thời gian bào mòn khá nhiều, nhưng đường nét của chúng vô cùng sống động. Đôi lần tôi dự tính chụp lén một vài tấm ảnh nhưng không thể bởi mỗi khi bước qua từng gian phòng, các anh bảo vệ luôn kè kè phía sau.

Những bức tranh treo tường trong ngôi nhà của vị thánh "bổn mạng của thành phố" được người Tây Ban Nha mang từ bán đảo Iberia sang thuộc loại khổ nhỏ đến trung bình. Khung tranh dát bằng vàng càng tô điểm thêm nét tinh tế, sang trọng, quý phái của hai gam màu đỏ và vàng xứ Catalan.

Đáng giá nhất trong nhà thờ San Joseph chính là những bảo vật bằng vàng ròng được tìm thấy trong cung điện hoàng đế Inca. Chúng được đặt trong những căn phòng khá tối và được rọi bằng những tia sáng vàng cam.

Sự tinh xảo của đôi bàn tay nghệ nhân dường như đã ẩn thật sâu để các báu vật phảng phất nét trầm buồn. Chúng có sức hút vô hạn, là những nhân chứng có thật để kể cho người xem hai cuộc chiến khốc liệt diễn ra cách đây hơn 487 năm.

Chúng được di dời từ Cuzco đến Quito, sau khi cuộc nội chiến máu mủ giữa Huáscar - Atahualpha kết thúc và đã yên thân trong vòng tay Thánh Giuse, sau khi vị hoàng đế Atahualpha trút thật mạnh làn hơi cuối cùng vào ngày 26-7-1533.

Quito - viên ngọc Baroque Nam Mỹ - Ảnh 2.

Du khách chơi trò chơi đặt trứng tại tâm điểm địa cầu

Một bước chân qua hai nửa bán cầu ở Ciudad Mitad del Mundo

Từ bến xe buýt La Ofelia ở quận trung tâm lịch sử Quito, tôi bắt chuyến xe buýt màu xanh với hàng chữ Mitad Del Mundo phía trước để đến trung tâm thành phố Pichincha nằm cách thủ đô Quito khoảng 26km.

Khi xưa vừa đặt chân đến Kitu, người Tây Ban Nha đã nghe những câu chuyện đường phố của thổ dân khi họ tự hào là công dân của vùng đất tâm điểm hành tinh.

Có lẽ người Kitu đã đúng khi các chuyên gia thiên văn học của Tây Ban Nha đo đạc bằng các thiết bị đơn sơ và kết luận chắc nịch: "Vĩ tuyến 0 đã chạy ngang vùng đất mới lạ". Tên quốc gia "Ecuador" được đặt theo từ "Equator" mà nó đồng âm trong tiếng Anh có nghĩa là đường xích đạo, chia Nam bán cầu và Bắc bán cầu thành hai phần bằng nhau.

"Ciudad Mitad del Mundo" có nghĩa là "Thành phố tâm điểm địa cầu" đã gây trong tôi sự hiểu lầm trên đường đến đây. Tôi nghĩ rằng thành phố ấy vô cùng nhộn nhịp bước chân qua những dãy nhà chen chúc nhau trên phố, đắt đỏ từng tấc đất lẫn giá cả sinh hoạt, nhưng khi đến nơi tôi biết mình đã sai.

Thành phố rực rỡ sắc màu những lẵng mai địa thảo sẽ tịch mịch hoang liêu về đêm trong ánh sáng đèn rọi lên tòa tháp, bởi đó chỉ là một ngôi làng dành cho những người kinh doanh du lịch đến đây mỗi sáng bán những cốc cà phê thơm hay những món quà lưu niệm sắc sảo.

Tôi quyết định mua trọn bộ vé để vào tham quan ba điểm, bởi tôi cho rằng mỗi điểm sẽ có nét thu hút riêng biệt. Lang thang trong bảo tàng dân tộc, ngắm nhìn những mái lác hoang sơ theo kiến trúc Baharaque, tôi có thể biết được những kiểu dáng ngôi nhà tùy theo cấp bậc xã hội của người Kitu như thế nào.

Bên trong những ngôi nhà làm bằng thân lau sậy, bùn đất, tôi có thể hiểu được cuộc sống đơn sơ của những thổ dân da đỏ trong thuở hồng hoang ra sao. Những chú chuột lang mũm mĩm là ẩm thực đặc sản của người Kitu xưa.

Đọng lại nét văn hóa đặc trưng của thổ dân Kitu trong tôi chính là chiếc nón cổ truyền được dệt bằng những sợi lác rừng với tên gọi "Toquilla". Chiếc nón Toquilla thường được biết đến là "nón rơm Panama" có cội nguồn xuất phát từ hai làng Manabi và Azuay của bộ lạc Kitu thuở xưa, và được những tên cướp biển mang đến Panama.

"Nón rơm Panama" đã trở thành thương hiệu nức tiếng toàn cầu, đóng đinh tên tuổi cho doi đất của những tên cướp biển và được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể vào ngày 5-12-2012.

Những người đi trước luôn biết cách gợi ra những câu nói thật hay để những người đến sau luôn phấn khích tìm đến, như "một bước chân qua hai đại dương" khi đến mũi Hảo Vọng (Nam Phi), "một bước chân qua hai lục địa" khi đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Bất cứ du khách nào đến tòa tháp tâm điểm cũng reo hò và sáng tạo những kiểu dáng chụp ảnh để trọn vẹn ý tưởng "một bước chân qua hai nửa bán cầu".

Nào là những đôi tay trong tay cùng nâng quả địa cầu, rồi đoàn người xếp hàng dọc theo bậc tam cấp, đồng loạt giơ tay lên và người đứng đầu sẽ nâng quả địa cầu với sức nặng ngàn cân, nhảy thân hình lên không trung ở cái rốn vũ trụ… Tôi cũng vui lây khi ngắm nhìn đoàn lữ hành như những đứa trẻ lăng xăng đáng yêu trong cách làm dáng.

Một anh bảo vệ khuyến khích tôi tham gia trò chơi miễn phí và sẽ thắng cuộc nếu tôi đặt ba đầu tròn của ba quả trứng nhựa trên đường xích đạo không ngã. Tại tâm điểm Trái đất không còn lực hút lẫn lực đẩy, nhưng để ba quả trứng đứng thẳng hàng trên vạch màu vàng cũng cần sự khéo léo nhẹ nhàng của những ngón tay, và tôi đã làm được.

Bên trong tòa tháp Mitad del Mundo, lang thang qua ba tầng lầu, tôi được trang bị thêm chút ít kiến thức về ngành thiên văn học qua những màn hình vi tính chạm tay, ngắm nhìn người Kitu xưa cùng những nét sinh hoạt truyền thống được các nhiếp ảnh gia Tây Ban Nha chụp lại khi đến Ecuador.

Ở tầng trên cùng, tôi có thể ngắm nhìn cả thành phố Ciudad Mitad del Mundo thở những hơi sương lạnh vào núi đồi bazan…

Quito - viên ngọc Baroque Nam Mỹ - Ảnh 3.

Bệ thờ dát vàng thật bên trong giáo đường San Francisco

Khám phá những cung đường khác lạ ở Nam Mỹ Khám phá những cung đường khác lạ ở Nam Mỹ

TTO - Từ Brazil đến Colombia, qua Paraguay, Argentina, Uruguay... những điểm đến mới mẻ, khác biệt, nhiều nơi còn vắng bóng du khách đã làm nhiều người mê mải.

Bài & ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên