![]() |
Đến với tập thể để sống yêu đời - Ảnh: N.C.T. |
Cuộc sống hiện đại với những tiến bộ kinh tế kỹ thuật lại tạo ra nhiều sức ép về mặt tâm lý, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Gia đình lúng túng trong nuôi dạy con, xã hội tạo lối sống bon chen... từ đó khi gặp thử thách thay vì đối diện với những vấn đề nan giải và tìm những giải pháp tích cực, các bạn trẻ dễ có xu hướng buông xuôi, tự hủy hoại bản thân với những thói quen tiêu cực như ăn chơi quá đà, thức khuya dậy trễ, tìm sự khuây khỏa với thuốc lá, rượu, ma túy... Có bạn tìm cả cái chết...
Trong khi các nước khác đã có những dịch vụ tâm lý xã hội để giúp các cá nhân tự giải tỏa thì ở nước ta lại thiếu nhiều. Thậm chí có thể nói là không có. Khi giáo dục còn khiếm khuyết, một bộ phận bạn trẻ chưa phát triển được một nhân cách lành mạnh, tự tin.
Vậy thì trước mắt chúng ta hãy tự giúp mình bằng một lối sống tích cực. Bằng cách nào?
- Trước tiên tập trung vào những điểm sáng của cuộc sống: những gương vượt khó, học giỏi, về Mùa hè xanh và đặc biệt là hãnh diện với những thành công nho nhỏ của chính bản thân. Hãy thưởng thức một cuốn phim hay, cười thật nhiều với một vở hài kịch. Hãy biết ơn về những tình bạn mà ta có, hãy nâng niu em bé xinh xắn kia.
- Bắt đầu một ngày với tư tưởng tích cực: ngày hôm nay tôi sẽ làm một điều có ích, tôi sẽ tha thứ ai đó đã làm phật lòng tôi, tôi sẽ cố gắng đúng giờ và giữ thói quen này…
- Quan trọng là thực hiện những điều tôi đã quyết tâm. Vì làm đi đôi với nói sẽ đem lại sự tự tin. Mỗi ngày lặp lại hành động tốt sẽ tạo thói quen và thói quen được tích lũy sẽ tạo thành tính cách. Tính cách tốt được mọi người thương yêu, kính trọng.
- Hãy luôn hoàn thiện bản thân bằng những cố gắng nho nhỏ. Như mỗi ngày đọc vài trang sách, đi bộ 30 phút, tập một bài hát hay, một trò chơi mới để giúp vui cho tập thể. Phát triển năng khiếu giúp ta sống vui và đem lại niềm vui cho người khác.
- Tập thói quen sống kỷ luật và ngăn nắp như đúng giờ, giờ nào việc ấy, vật nào chỗ nấy. Sống có kỷ luật là làm chủ bản thân, làm người khác tôn trọng mình, không trở thành nô lệ của những thói quen xấu.
- Không tránh né sự thật, nhìn thẳng vào nó, tôn trọng nó, nói lên sự thật một cách khéo léo và tế nhị mỗi khi cần vì sự thật “giải phóng chúng ta”. Thói quen này giúp bạn ngẩng đầu lên. Bạn sẽ không còn cảm giác thiếu sót với xã hội vì đã góp phần xây dựng nó.
- Có trách nhiệm với bản thân và người khác. Luôn quan tâm đến người khác.
Sống như trên bạn sẽ quí trọng bản thân. Ý thức được về giá trị bản thân bạn mới không hủy hoại nó. Ý thức về giá trị bản thân bạn sẽ suy nghĩ độc lập, sống tự lập và không phụ thuộc người khác lẫn các chất kích thích. Biết quí trọng bản thân bạn sẽ nâng niu cuộc sống và luôn hoàn thiện nó.
Bạn đừng tham lam vội vã để trở thành một con người hoàn hảo. Chỉ cần mỗi ngày bạn có một động tác tích cực, tập một thói quen nhỏ và kiên trì với nó. Chúc bạn thành công, yêu cuộc sống và bản thân mình.
* Chiều 10-10-2003, tại nhà xác Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), phòng liệm và nhà tang lễ bỗng chật chội bởi gần 200 thân nhân (gia đình, bạn bè, thầy cô...) tìm đến để tiễn đưa một SV khoa xã hội học Trường ĐHKHXH&NV. Những vẻ mặt bạn bè ngơ ngác: “Không hiểu bạn ấy nghĩ gì mà làm như thế (nhảy lầu tự tử từ “cà phê 33 tầng”)?”. Đó là một SV nghèo (vừa đi học vừa làm thêm) nhưng người bạn ấy cũng được sự trợ sức khá nhiều từ những người thân quen: chủ nơi trọ bố trí làm thêm, ứng trước năm tháng lương; một người nước ngoài biết hoàn cảnh đã nhận mẹ của anh vào làm. Thế mà chỉ một phút bức xúc về tiền bạc... Người mẹ nghèo vật vã bên xác con, ngất đi nhiều lần và hẳn sẽ mang theo nỗi đau đến suốt đời; còn trước mắt thầy cô và bạn bè đã phải quyên góp ngay tại chỗ được năm bảy triệu đồng, nhà xác mới cho phép đưa xác về quê... * Mới đây, 22g10 đêm 4-11-2003, người đi đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận, TP.HCM) đã kinh hoàng khi chứng kiến một bạn gái mới 18 tuổi gục ngã sau vết đâm tàn bạo (trúng tim) bất ngờ của một thanh niên. Ngay sau đó, bạn trai của cô đã uống thuốc rầy tự tử, được đưa cấp cứu và sau đó vào trại giam. Thất tình khi người yêu bỏ đang là hướng điều tra tập trung của cơ quan điều tra trong chuyện này. * V.T., một bạn trẻ đang cai nghiện ở Trung tâm Nhị Xuân, tâm sự: “Năm tôi 16 tuổi, cha mẹ liên tục va chạm, cãi vã. Đang là học sinh giỏi, tôi sa sút dần. Những lời tâm sự của họ dành cho tôi thay bằng những lời đay nghiến. Tôi chán nản, bỏ học theo bạn bè ngồi quán và tìm quên trong... “hàng trắng”. Bây giờ nhìn lại tôi mới biết mình chọn lầm cách giải quyết, bởi vấn đề vẫn còn đó ở mức độ nghiêm trọng hơn: sau khi tôi nghiện, ba mẹ tôi ly dị vì người này đổ lỗi cho người kia về chuyện “không biết dạy con”, còn tôi thì ở đây cho trung tâm dạy”. Bạn trẻ phải làm gì và ai giúp họ đương đầu thay vì gục ngã thảm thương trước những khủng hoảng tinh thần? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận