12/12/2004 15:04 GMT+7

Qui hoạch lại Sapa

THU HÀ
THU HÀ

TTCN - Người lái xe ôm lượn một vòng quanh quảng trường Nhà thờ - trung tâm thị trấn Sa Pa và chỉ dẫn bằng giọng rất am hiểu: “Chỉ đầu năm sau là khu này sẽ đẹp như... Tây, những nhà xây vừa xấu vừa cao sẽ bị đập đi hết phần cao và trồng cây che đi hết phần xấu.

cJOkbSn4.jpgPhóng to

Khuyến cáo của các chuyên gia Pháp về các kiến trúc, vật liệu cấm và nên xây trong thị trấn Sa Pa

TTCN - Người lái xe ôm lượn một vòng quanh quảng trường Nhà thờ - trung tâm thị trấn Sa Pa và chỉ dẫn bằng giọng rất am hiểu: “Chỉ đầu năm sau là khu này sẽ đẹp như... Tây, những nhà xây vừa xấu vừa cao sẽ bị đập đi hết phần cao và trồng cây che đi hết phần xấu.

Cái khách sạn Linh Trang nằm giữa ngã ba đẹp nhất khu trung tâm này cũng sắp bị đập đi hai tầng trên cùng đấy. Tỉnh Lào Cai đã thuê người Pháp vẽ lại Sa Pa thành khu du lịch đẹp nhất VN”. Xem ra, chuyện qui hoạch lại Sa Pa đã không chỉ còn là chuyện trên bàn giấy, chuyện của các quan chức và các kiến trúc sư. Nó đã tác động đến từng người dân bình thường ở phố núi và nhận được không ít sự đồng tình.

Qui chế đô thị Sa Pa - khi phố núi đi tiên phong

Khi Lào Cai công bố qui chế đô thị Sa Pa vào cuối tháng 11-2004 không ít người đã ngỡ ngàng: sao không phải Hà Nội, Huế, hay Đà lạt... những thành phố du lịch lớn hơn và có quĩ đất đô thị, nhà đô thị lớn hơn, mở “đột phá khẩu” trong lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp này mà lại là Lào Cai, một tỉnh miền núi nghèo với thị trấn du lịch Sa Pa vỏn vẹn 7.000 dân. Nhưng có lên Sa Pa mới hiểu vì sao Lào Cai lại quyết làm và làm được.

Sức hấp dẫn của Sa Pa - vì có đỉnh Fansipan sừng sững - nóc nhà Đông Dương, vì khí hậu, cảnh quan, vì sự nguyên sơ của văn hóa bản địa, cộng thêm những yếu tố thuận lợi của sự bùng nổ du lịch khu vực 5-6 năm gần đây đã khiến Sa Pa trở thành một điểm đến không thể thiếu trong các tour phía Bắc, nhất là các tour du lịch nghỉ dưỡng và mạo hiểm dành cho khách châu Âu.

Thị trấn 7.000 dân này đón đến 10 vạn khách mỗi năm, 50% trong số đó là khách nước ngoài, và những dịch vụ nghiệp dư phục vụ nhu cầu phức tạp của các vị khách ấy đã khiến Sa Pa- thành phố trong sương với gần 200 ngôi biệt thự do người Pháp xây từ những năm 20 của thế kỷ trước, ẩn mình trong sương khói và những hàng cây sa mu mau chóng trở thành một đô thị VN điển hình với đầy đủ nhà ống, kiến trúc lộn xộn, thừa tiếng ồn, bụi bặm, rác thải và mất dần một khưng gian yên tĩnh, trong lành, một tầm nhìn hướng thẳng dãy Hoàng Liên hùng vĩ - vốn là lý do chính để du khách tìm đến Sa Pa.

Sự bùng nổ quá nhanh ấy khó nhận ra hơn ở một thành phố lớn, nhưng với Sa Pa, chỉ một tháng không lên đã thấy khác cho nên người ta phải giật mình, và khi cả các nhà quản lý cũng đã biết giật mình thì có nghĩa là còn có hi vọng cứu vãn được tương lai của thành phố du lịch này.

zi4nqw3n.jpgPhóng to
Sa Pa đầu thế kỷ 20 với 200 biệt thự theo kiến trúc Pháp
Và Sa Pa không định qui hoạch theo cái cách mà người ta vẫn làm - nghĩa là làm qui hoạch trên giấy, theo những hình mẫu có sẵn, những ý tưởng đóng hộp, luôn luôn chỉ có lợi cho nhà quản lý mà bất cần biết người dân sẽ thực thi như thế nào, sẽ sống ra sao, buôn bán kiểu gì trong vùng đất sẽ được qui hoạch. “Sa Pa mới” được qui hoạch từ dưới lên, từ mỗi đường phố, từng ngôi nhà, gốc cây, căn biệt thự, thậm chí cả từng mái hiên, bờ dốc, cây cột gỗ. Và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh tin tưởng giao dự án qui hoạch ấy cho một nhóm chuyên gia qui hoạch người Pháp do GS Georges Rossi-ĐH Bordeaux 3 chủ trì.

Từ 16-2-2003, khi những chuyên gia Pháp vào Sa Pa đến 12-11-2004, khi công bố qui hoạch Sa Pa, nhóm chuyên gia đã đi khảo sát, điều tra, chụp ảnh, đo, vẽ, hỏi chuyện, thăm dò quan điểm và phản ứng của người dân trong một khoảng thời gian đủ dài để họ biết hầu như tất cả những người dân Sa Pa và tất cả người dân Sa Pa biết họ.

7kWYMWIb.jpgPhóng to
KS Linh Trang, công trình tiêu biểu cần được tháo dỡ một phần theo qui chế đô thị Sa Pa
Hàng ngàn phiếu điều tra đã được lập, mỗi phiếu cho một ngôi nhà, một công trình kiến trúc, một khuôn viên nhỏ... Tất cả đều ngắn gọn nhưng chi tiết, cụ thể và chính xác.

“Số 34 phố Cầu Mây, nhà hàng Fansipan và Anh Đào. Công trình cần chỉnh trang. Kiểu kiến trúc: nhà ngăn dài trên dải đất hẹp, phá bỏ phía sau để làm khách sạn cao năm tầng. Đặc tính đô thị và kiến trúc: bố trí sát chỉ giới đường đỏ, hai vách ngăn sát nhau, nhà một tầng. Mái hai sườn dốc bằng ngói, đòn nóc song song đường phố. Mặt trước có hiên nằm trên ba cột vuông bằng bêtông, diềm mái. Mặt đứng công trình màu hoàng thổ, hai gian, cửa rộng, khung cửa sổ bằng gỗ sơn xanh lá cây. Biển hiệu rộng, lối đi hẹp ở phía trái. Việc có hiên cho phép khai thác thương mại trên thềm.

Chức năng: nhà hàng

Tình trạng chung: tương đối tốt

Khuyến cáo: cần giữ: công trình có đặc tính nguyên sơ và chức năng hiện nay. Việc xử lý và khai thác tầng trệt nếu bảo quản các khung cửa bằng gỗ mặt đứng công trình.

Cấm: xây thêm tầng. Cửa sắt trước các cánh cửa bằng gỗ. Thùng nước bằng tôn trên mái công trình”

“Phố Fansipan - biệt thự số 3 thuộc khu UBND cũ...

Khuyến cáo: chỉnh trang cải tạo lại công trình và không phá bỏ để tái sử dụng (làm lại mặt tiền và mái) vào các mục đích du lịch. Cắt bỏ tum tháp. Trùng tu lại mặt đứng, thay các khung nhôm cửa kính vuông ở tầng hai. Tổ chức lại mặt bằng cho các khu vườn và thêm phong cảnh mới.

Cần bảo tồn: công trình còn những đặc tính nguyên thủy của nó. Cấm: xây thêm tầng, trang trí bằng đá rửa. Thùng nước bằng tôn trên mái. Lưới sắt ở mặt”.

Nhìn vào những phiếu điều tra ấy, với ảnh chụp mặt đứng, mặt cắt, toàn cảnh và trong phối cảnh với các công trình phụ cận, các nhà qui hoạch VN hiểu được vì sao các đô thị châu Âu lại được qui hoạch đẹp và qui chế đô thị lại được tuân thủ chặt chẽ như vậy. Tất cả bắt đầu từ cái nhỏ nhất và hợp lý nhất cho người dân.

Dân có thuận thì mới qui hoạch được

Những người dân Sa Pa từ ông xe ôm đến chủ nhà hàng Fansipan nổi danh trong giới du lịch bụi, tất cả đều công nhận: “nếu làm được như qui hoạch của người Pháp thì sẽ đẹp hơn và... Tây đến nhiều hơn”. Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai, KTS Phan Doãn Thanh, tự tin: “Ở đâu có chuyện dân biểu tình hay ăn vạ vì giải tỏa, qui hoạch, bồi thường không thỏa đáng chứ Sa Pa chắc chắn sẽ không có đâu.

Chúng tôi đã cho từng tổ dân phố sinh hoạt để thông qua qui chế, nghe dân góp ý, bàn bạc, trước đó cũng đã phân tích cho họ thấy điều hơn lẽ thiệt của việc cùng nhau làm cho Sa Pa đẹp, sạch, khang trang hơn. Điều cơ bản nhất là phải làm cho người dân hiểu: không phải họ bị đập đi một tầng nhà, lùi ban công vào 1m, trồng thêm một bụi tre trước cửa để che đi cái cửa sắt thô kệch phản cảm nghĩa là họ đang mất, mà chính là họ đang được: được một ngôi nhà đẹp, một nếp sống văn minh đô thị, một cửa hàng có sức hấp dẫn khách mua”.

Nhưng người dân cũng sẽ chỉ nhận thức ra điều đó khi nhà quản lý đưa ra được những giải pháp hợp lý, hợp tình trong quá trình qui hoạch. Một thị trấn nghèo, mới thay da đổi thịt vài năm nay nhờ du lịch không thể đòi hỏi phải đập phá hết tất cả những gì cũ, xấu, sai... để xây lại. Phải biết chấp nhận, biết tận dụng, biết tiết kiệm để làm đẹp, làm sang. Nhà quản lý và nhà qui hoạch đã phải cãi nhau nảy lửa mỗi tuần (đoàn công tác VN và Pháp mỗi tuần gặp nhau một lần để bàn bạc) để tìm ra tiếng nói chung.

Rất ít nhà sẽ bị đập, bị tháo dỡ, chủ yếu là những giải pháp tình thế chấp nhận được: thay mái tôn, mái bêtông bằng mái ngói, mái gỗ, sơn lại tường từ màu đỏ, tím, vàng chói, xanh đậm... sang trắng, hoàng thổ, xanh lá cây rất nhạt, hạt dẻ, boocđô, thay kính màu quá sáng và diện tích quá to bằng những ô cửa gỗ có kính nhạt màu hơn, nhỏ hơn, bóc hết lớp gạch men hoặc giả đá trang trí trên mặt tiền các ngôi nhà phố...

Tất cả đều không gây “sốc” cho chủ nhà đều tiết kiệm và đầy tình người. Việc “cưỡng chế” trồng dây leo phủ kín các bồn nước inox đã trót đặt trên các mái nhà cũng làm cho người dân thấy thoải mái: đẹp thì trước tiên là mình hưởng cơ mà! Tất cả những khuyến cáo đều được đưa ra trước các điều khoản cấm. Và từ cấm theo ý nghĩa tuyệt đối chỉ dành cho các công trình xây mới bắt đầu từ sau tháng 11-2004 mà thôi.

Sa Pa năm 2010 sẽ được phân thành 11 khu chức năng với một qui hoạch hoàn chỉnh cho một đô thị du lịch vào loại đẹp nhất nước. Lúc đó Sa Pa sẽ có 10.000 dân bản địa và 30.000 khách du lịch mỗi năm. Một thung lũng hoa hồng sẽ trải dài từ thị trấn, qua Hàm Rồng, Thác Bạc đến bản Tả Phìn, cây sa mu được trồng lại từ Lào Cai lên thị trấn suốt dọc đường đi, thành phố sẽ hết bụi, hết tiếng ồn để lại nép mình trong sương mờ, tầm nhìn hướng thẳng dãy Hoàng Liên hùng vĩ, tất cả bắt đầu từ những dây leo phủ quanh các bồn nước inox mà người dân Sa Pa đang trồng ngày hôm nay.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên