23/03/2007 06:04 GMT+7

Qui định mới về ghi nhãn hàng hóa: Rõ ràng hơn

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TT - Từ giữa tháng 3-2007, các doanh nghiệp phải áp dụng qui định mới về ghi nhãn hàng hóa với những thông tin rõ ràng hơn, xóa dần tình trạng thông tin lập lờ với người tiêu dùng.

pQo3UGfD.jpgPhóng to
Theo qui định mới trên nhãn hàng hóa sẽ có nhiều thông tin để người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn
TT - Từ giữa tháng 3-2007, các doanh nghiệp phải áp dụng qui định mới về ghi nhãn hàng hóa với những thông tin rõ ràng hơn, xóa dần tình trạng thông tin lập lờ với người tiêu dùng.

Nhãn sữa tươi được ghi ra sao?

Tổng cộng có trên 50 chủng loại hàng hóa phải ghi nhãn theo qui định mới chặt chẽ hơn. Chẳng hạn bia Tiger sản xuất tại Hà Tây và TP.HCM thì ghi nhãn là: Nhà máy Bia Hà Tây, Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây hoặc Thới An, quận 12, TP.HCM. Hay nước khoáng La Vie sản xuất tại Hưng Yên và Long An thì trên nhãn ghi rõ địa chỉ cơ sở sản xuất ở Hưng Yên hay ở Long An. Không chỉ nơi sản xuất mà nơi giải quyết khiếu nại của khách hàng cũng được thể hiện cùng trên một nhãn ghi. Ví dụ dầu gội đầu của Công ty P&G nơi sản xuất theo địa chỉ ở Bình Dương, nhưng nơi giải quyết ý kiến khiếu nại của khách hàng lại là TP.HCM...

* Theo ông Nguyễn Tất Thắng, mục tiêu của nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa là buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hàng hóa được thể hiện cụ thể trên nhãn hàng hóa. Các thông tin trên nhãn phải đáp ứng ba mục đích: qua nội dung trên nhãn người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; doanh nghiệp quảng bá cho hàng hóa của mình; để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

* Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các mặt hàng lưu thông trong nước không đạt yêu cầu ghi nhãn rất nhiều, trong đó ngành hàng hóa chất với tỉ lệ khoảng 96%, tiếp đến là mỹ phẩm (76%), thực phẩm (46%), dược phẩm (17%).

“Trong trường hợp lấy tên thành phần làm tên hàng hóa, hoặc một phần tên hàng hóa thì phải ghi định lượng của thành phần đó”, ông Nguyễn Tất Thắng - quyền cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học và công nghệ) - lưu ý. Ví dụ nếu tên hàng hóa là “bột nêm” thì ghi thành phần bột nêm là: muối, bột ngọt, đường, bột thịt, hương thịt tổng hợp. Còn nếu tên hàng hóa là “bột nêm thịt bò” thì ghi thành phần bột nêm: muối, bột ngọt, đường và tỉ lệ phần trăm của bột thịt bò là bao nhiêu.

Trường hợp tên hàng hóa do doanh nghiệp tự đặt thì không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hóa. Điều này khác hẳn so với qui định trước đây là phải ghi theo tên trong các tiêu chuẩn đã ban hành ở VN.

Trước đây sữa nước được đề cập trong các TCVN gồm sữa tươi nguyên liệu, sữa tươi tiệt trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng và kèm theo là qui định thành phần tương ứng của các sản phẩm đó. Theo qui định mới, doanh nghiệp có quyền tự đặt tên loại sữa do mình sản xuất, nhưng thành phần của sữa phải được ghi theo thứ tự từ cao đến thấp về tỉ lệ. Nếu có sữa tươi mà thành phần sữa tươi nhiều hơn nước thì ghi: sữa tươi, nước, sữa bột gầy... Nếu lượng sữa tươi ít hơn thì ghi: nước, sữa tươi, sữa bột gầy...

Doanh nghiệp xin hoãn áp dụng

Theo nhiều doanh nghiệp, qui định mới rất gần với các qui định, thông lệ ghi nhãn quốc tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đang xin lùi thời hạn áp dụng qui định mới về ghi nhãn hàng hóa do nhãn hàng hóa đều đã được đặt in trước cả năm, thậm chí nhiều năm.

Bên cạnh đó cũng có một số trở ngại đối với những doanh nghiệp có nhiều nhà máy sản xuất đặt ở nhiều địa phương khác nhau. Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) có trên 200 mặt hàng với nhiều nhà máy sản xuất trong cả nước. “Nếu ghi hết đúng như qui định thì mỗi nhà máy ở mỗi địa phương chúng tôi đều phải làm nhãn mới. Tính sơ thôi chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng quan trọng là chưa thể thay đổi đồng loạt ngay được” - bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, phó tổng giám đốc Vinamilk, cho biết.

Coca-Cola đang xin lùi thời hạn ghi nhãn theo qui định mới đến khoảng tháng chín tới. Còn Vinamilk lại kiến nghị cho phép công ty được “cộp” ký hiệu của từng địa phương lên trên nhãn ghi của các lô hàng sản xuất ở các địa phương khác nhau để sử dụng hết số nhãn đã in, giảm bớt thiệt hại về mặt kinh tế. Như mặt hàng sữa đặc có đường đang được Vinamilk sản xuất tại các nhà máy ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Nai, các nhãn sản phẩm này đều được ghi nhãn giống nhau về thành phần nguyên liệu sản xuất và một số thông tin chung khác. “Với lô hàng được sản xuất tại Hà Nội thì chúng tôi sẽ phun thêm code có ký hiệu bằng chữ H để phân biệt. Chi phí phun code sẽ đỡ hơn nếu phải in thêm nhãn hàng loạt” - bà Hòa nói.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên