![]() |
Minh họa: Mặc Tuân |
Quê tôi ngày ấy nghèo lắm. Đâu đâu cũng là sông nước, có những buổi chiều ập xuống một màu tím ngắt của đất trời pha lẫn tiếng ếch nhái kêu râm ran, những âm sắc làm bật lên cái nghèo nàn vốn có của nó, khổ sở đến mức có những cơn đói lòng nghe chột dạ. Cha tôi phải gánh vác trên vai một đại gia đình với đàn con nheo nhóc, tiếng khóc trẻ con âm ỉ suốt ngày vì bữa đói bữa no, nghe mà xót xa đến tâm can con người.
Cho đến một ngày, cha dẫn chúng tôi rời xa cái xứ nghèo nàn này về Cà Mau để có được cuộc sống sung túc hơn, được ăn no mặc ấm và chúng tôi được biết đến mặt chữ… Đây cũng là lúc tôi biết được những thứ âm sắc chưa từng xuất hiện ở quê tôi bao giờ. Đó là tiếng nhạc xập xình, tiếng xe môtô, rồi những âm thanh hay hay phát ra từ cái thùng to tướng màu trắng đen mà cha tôi gọi là tivi. Tôi được ăn những viên kẹo dẻo thơm lừng, những cái bánh tây ngon không cưỡng được. Với tôi, đó là những cảm giác lâng lâng bỡ ngỡ xen lẫn hân hoan lạ kỳ. Cha tôi nói: “Mình không còn nghèo nữa, con à!”. Mỗi khi nói câu này, ánh mắt cha lại nhìn về phía xa xăm.
Lúc ở Cà Mau, cha hay đưa tôi dạo chơi ở những cánh đồng hoang giữa thị xã, mà ông gọi là “đi nghe nhái kêu”. Khi đến nơi, cha thường đứng một hồi lâu nhìn về phía cánh đồng xa xa, nơi cuối chân trời có đàn cò trắng bay là đà, lại có tiếng ếch nhái kêu râm ran. Cứ thế mà cha đứng nhìn, cảm nhận. Với cha, có lẽ đây là những phút êm đềm nhất khi ông đang lắng nghe hơi thở của quê hương mình. Có đôi lúc tôi bất chợt nhìn thấy hai hàng nước mắt lăn dài trên má cha, lúc ấy tôi biết có một nỗi buồn da diết của người đàn ông nhớ quê hương, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn và thèm thuồng một lần được trở lại, cho dù đó là một nơi tối tăm bần cùng. Điều giản đơn vì đó là nỗi nhớ của một người xa quê.
Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ tôi muốn trở lại nơi khốn khổ ấy, chẳng bao giờ tôi muốn nghe tiếng ếch nhái kêu inh ỏi suốt đêm. Ấy vậy mà có đôi lần tôi lại thèm được giẫm chân lên bùn đất, những bụi cỏ đầy sương của sớm mai, thèm những buổi tắm ao, lặn hụp với con cá rô đồng… Giật mình tôi thấy sao mà nhớ, một nỗi nhớ rất thật. Cha tôi thường nói: “Con không được quên quê hương mình”. Lúc đầu với tôi câu nói ấy là một trách nhiệm cha giao cho tôi, nhưng không biết từ lúc nào câu nói ấy đã nằm trong suy nghĩ, trong trí nhớ tôi từng giây, từng phút một, những hình ảnh một vùng quê nghèo nàn khốn khó nhưng sao quá đỗi thân thương.
Tôi nhớ, quê tôi không có mùi nhựa đường mà chỉ có mùi sình bùn và giun đất, không có những hàng cây phượng thẳng tắp mà chỉ có những hàng dừa xiêu vẹo ngả nghiêng, không có những chiếc mô tô nhiều màu sắc, chủng loại, mà chỉ có tiếng cót két của những chiếc xe đạp cũ kỹ chạy bằng sức người… Lần đầu tiên tôi để cảm xúc mình tự do bay nhảy với những dòng ký ức cũ, để tâm hồn mình và ánh mắt mình một lần được nhìn xa xăm và thăm thẳm như cha tôi, tôi thấm thía đôi phần cảm giác ấy, một thứ cảm xúc lẫn lộn khó tả bởi một chút gì đó da diết, một chút gì đó xao xuyến, một chút gì đó nhói ở tim bởi vì thấy mà không chạm được, nhưng tôi thích và vẫn muốn mình nghĩ về nó, về ngày ấy quê tôi… Và tôi biết, tôi sẽ trở về.
Áo Trắngsố 35(số 91 bộ mới) ra ngày 15/03/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận