08/05/2013 05:37 GMT+7

Quê hương Hải đội Hoàng Sa

 LÊ XUÂN THỌ(ĐH Quy Nhơn)
 LÊ XUÂN THỌ(ĐH Quy Nhơn)

AT - Trực nhìn ngó thấy Bàn Than / Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ. Đấy là câu ca dao thủy trình mà nhân dân Quảng Ngãi, nhất là người dân ở cầu cảng Sa Kỳ dùng để nói về hòn đảo Lý Sơn nằm cách đó khoảng 24km về phía đông bắc.

Đây là một trong những huyện đảo của nước ta, án ngữ ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, giữ vai trò chiến lược trên biển Đông, đồng thời cũng là mảnh đất lưu giữ nhiều chứng tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.

Jn1Pt1QB.jpgPhóng to
Tượng đài "Hùng binh Hoàng Sa"

Hoang sơ một nét u huyền

Nằm giữa biển khơi nên vẻ đẹp của Lý Sơn ít nhiều còn đượm nét hoang sơ. Lâu nay, khá nhiều người lầm tưởng rằng Lý Sơn chỉ có một đảo. Sự thật là huyện đảo Lý Sơn gồm hai đảo: đảo Lớn (quen gọi là Lý Sơn) và đảo Bé (hay hòn Bé). Lý Sơn còn có tên gọi khác là Cù Lao Ré vì trước đây trên đảo có nhiều cây ré sinh sống. Tuy diện tích chưa đầy 10km2 nhưng trên đảo có năm hòn núi. Cho nên trong chuyến hải trình từ đất liền ra đảo, khi vừa thoát khỏi cửa biển Sa Kỳ, du khách đã thấy Bốn phía sóng giăng mây tuyết phủ/ Năm hòn son đứng nắng phơi sương.

Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa vùng trời biển mênh mông. đứng trên một trong số các đỉnh núi này nhìn xuống xung quanh đều là trời biển bao la, thu tầm ngắm lại một chút là những cánh đồng tỏi hành xanh mơn mởn như một bức thủy mặc của danh họa thời cổ. Bờ biển Lý Sơn rất đẹp, ở đây không có bãi biển thích hợp cho tắm, nhưng là nơi rất lý tưởng cho những ai thích ngao du dưới đáy biển, ngắm đàn cá tung tăng bơi lội, san hô màu sắc sặc sỡ, bắt ốc. Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là một cảnh tượng hùng vĩ, một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông. Bạn hãy thử một lần đi chân trần trên làn cát mịn màng, trắng tinh và mát rượi ấy, cùng với khí trời tinh khiết, hãy hòa mình vào bản tình ca đất trời - sóng biển, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản lạ thường! Thật là tuyệt nếu bạn đến đây vào mùa trăng. Đêm trăng lãng mạn và thơ mộng làm sao. Ngồi trên núi Thới Lới thưởng trăng, ngắm biển lung linh kỳ ảo ánh trăng, gió dịu dàng mang về hương đồng nội thơm ngát. Ngoài ra bạn được tham quan chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu Bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ.

Lý Sơn là đảo, nên dễ lý giải vì sao những món đặc sản ở đây đa phần là hải sản. Chẳng hạn như gỏi cá cơm, mực, cua Huỳnh Đế, ốc cừ, chình biển... Nói đến Lý Sơn mà không nhắc đến hành tỏi thì quả là sơ suất. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng thơm ngon và đã ít nhiều khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường. Gỏi tỏi được xem như là món ăn độc đáo của người dân nơi đây vào những dịp cuối đông và bắt đầu mùa xuân. Bên cạnh đó, những món như rau xa, chân vịt, sóc xôi... cũng làm đắm lòng du khách mỗi khi ghé thăm “vương quốc tỏi”.

Lý Sơn có kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội dân gian, các tín ngưỡng dân gian theo mùa, tục thờ cá Ông... Đặc biệt là lễ hội Đua thuyền tứ linh đầu xuân và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đầu năm, hễ cứ đến ngày mồng 4 Tết là nhân dân hai xã trên đảo Lớn tổ chức lễ đua thuyền truyền thống; gồm bốn thuyền đua là Long - Lân - Quy - Phụng. Để rồi ngày mồng 8 Tết, tất cả thuyền đua của hai địa phương trên tụ tập đông đủ về vùng biển trung tâm huyện để tranh tài, đồng thời đây cũng là ngày hội khép lại những ngày tết ở đảo. Lễ hội đua thuyền gắn liền với tín ngưỡng dân gian, qua đó người dân cầu mong mưa thuận gió hòa. Còn lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch hằng năm. Đây là dịp để nhân dân trên đảo tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền nhân đã “vị quốc vong thân” từ hàng trăm năm trước trong công cuộc mở cõi, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Việc làm này đã ăn sâu vào trong máu thịt, tiềm thức của mỗi người dân trên đảo.

Bi hùng những khúc ca dao

Tuy không còn hoạt động nữa, nhưng những hình ảnh sống động về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vẫn còn sống mãi cùng con người đảo Lý Sơn. Và cùng với sóng biển, âm vang của câu ca dao đầy chất bi hùng luôn vọng về: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa.

Cách đây hàng trăm năm, ngay từ thời Chúa Nguyễn, Hải đội Hoàng Sa được thành lập (sau này kiêm quản Trường Sa). Với nòng cốt là những trai tráng đảo Lý Sơn, cứ hằng năm vào khoảng đầu tháng ba âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, họ giong thuyền ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ. Trước là nhặt các sản vật trên đảo và nhiều cổ vật từ các tàu buôn phương Tây bị đắm trôi vào Hoàng Sa về dâng vua, sau là đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đội hùng binh này hoạt động cho tới thời Tây Sơn. Điều này được nhân dân lưu truyền: Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi.

Đến đây ta càng thấy được cái hào hùng kỳ vĩ của câu ca, tạc nên tượng đài sừng sững giữa biển khơi, mà ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của “vương quốc tỏi”. Đấy là cụm tượng đài “Hùng binh Hoàng Sa” được đặt trước nhà lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Tượng đài gồm ba nhân vật đều cao 4,5 mét, nặng khoảng 40 tấn. Người đứng giữa là cai đội mặc trang phục triều đình, tay chỉ về phía trước (theo hướng Hoàng Sa), tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai tượng còn lại, một cởi trần vác lưới, một mặc áo chùng. Sau lưng tượng khắc Bản quốc hải cương Hoàng Sa thứ tối thị hiểm yếu (Hoàng Sa là vị trí cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia).

Ngày nay, dẫu ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn lắm hiểm nguy nhưng những trai tráng Lý Sơn vẫn cứ đi về dải Cát Vàng. Bên ngoài sự mưu sinh, đó còn là một minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên. Mùa xuân, bạn hãy về thăm Lý Sơn để một lần được sống lại cái không khí hào hùng ấy...

B0CdM1qV.jpgPhóng to

Áo Trắng số 8 ra ngày 01/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 LÊ XUÂN THỌ(ĐH Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên