12/12/2004 08:45 GMT+7

Quế Hương: Cuộc đời là một cuộc đua dài

THÚY NGA
THÚY NGA

TTCN - Nhận được tin vui về chị, cây bút quen thuộc trên TTCN nay lại vừa được giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, HSSV… Chưa kịp chúc mừng, đã nghe thấy giọng chị áy náy âu lo ở đầu dây bên kia.

Zuqc4IHh.jpgPhóng to

Quế Hương bảo chị không phải là cô giáo như tin Tuổi Trẻ đã đăng, chỉ từng là cô giáo thôi, vì đã 14 năm rồi chị không đứng trên bục giảng nữa…

Một sự nhầm lẫn của tin tức. Nhầm lẫn thôi chị. 14 năm chị không cầm phấn nhưng 14 năm chị đã cầm bút, đã truyền đi và trao gửi cuộc đời một niềm tin, một tình yêu và những bài học về lòng nhân ái. 18 năm làm cô giáo dạy văn như vẫn nguyên vẹn vậy trên những trang viết của chị. Có khác chăng chỉ một lần này…

Một cuộc đua không cho “người quen cũ” hình dung được về chị. Người phụ nữ mảnh mai của những câu chuyện mảnh mai, hơi buồn tủi và hay mơ mộng; người phụ nữ của câu chuyện về những thân phận bọt bèo, những tuổi thơ bị ruồng bỏ, những tình yêu như con nước dịu dàng chảy xiết… Nhưng chưa gặp nơi chị một cung cách thế này, đốp chát, quyết liệt và hơi dữ dằn. Không giống chị, phải không? Không giống chút nào với Đôi chân biết khóc, Màu biển lặng, Hoa ngũ sắc và cỏ, Bức tranh thiếu nữ áo lục; cũng chẳng giống với Bà mụ của búp bê, Đám cưới cỏ, Vua lũ đồ chơi hay Khúc chiều tà, Câu hát tìm nhau

“Vâng, tôi quyết gạt tôi qua một bên”. Quế Hương bảo vậy, ngắn gọn, mạnh mẽ y như hai nhân vật mới mẻ của Một cuộc đua. Người đàn bà buồn, hình như đã không buồn nữa…

Còn năm 1989 thì khác. Năm ấy vì sức khỏe cô giáo Quế Hương rời nghề dạy học. Rời bỏ một nghề duy nhất mình biết, mình đeo đuổi đã 18 năm thì biết làm gì! “Thế giới bỗng hẹp lại trong bốn bức tường, việc nhà, đau ốm, khó khăn… Có lần tôi buồn bã ngắm chân mẹ, chân mình… Thế là Đôi chân biết khóc ra đời. Truyện ngắn ấy TTCN đăng ngay”.

SN50SwHG.jpgPhóng to
Năm 1990, những đôi chân nhọc nhằn đã mở ra cho Quế Hương một hi vọng. Chị biết mình muốn gì và có thể làm gì. Chị viết, viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim truyện. “Viết đối với tôi là sống, chân thành, da diết, vật vã. Mà cũng như tất cả mọi người, tôi cần đồng tiền chính đáng để sống. Đồng tiền viết văn khổ nhọc, lương thiện và vinh dự”.

Bao nhiêu năm rồi, chỉ lặng lẽ như thế chị đi, không dữ dội ồn ào, không gây sốc, cũng chẳng làm ai giật mình. Và cũng lặng lẽ như thế, một giọng nói lãng mạn và giàu cảm xúc… nhè nhẹ gõ vào lòng người đọc. Một chút u buồn, một chút niềm vui, một chút đa cảm và rất nhiều liên tưởng về một quê nhà, một dòng sông, một tuổi thơ lầm lụi, một tình yêu không thể lãng quên… là những gì người đọc nhận được từ những trang viết của chị. Còn năm tập sách đã phát hành (Quán búp bê,Thư gửi thời gian, Bí đỏ và…, Đám cưới cỏ, 27 truyện ngắn của Quế Hương) và 14 giải thưởng, tặng thưởng (của tạp chí Sông Hương, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, báo Tiền Phong, NXB Kim Đồng, Hãng Phim truyện VN, Đài Truyền hình và phát thanh Hà Nội…) là những gì chị nhận được từ chính mình. Đó cũng là sự đáp trả tương xứng của người đọc cho người đã miệt mài với văn chương.

“Công việc bận nhất của tôi là việc nhà trong một gia đình toàn đàn ông. Ngó thế mà mênh mông bất tận, làm suốt ngày không hết. Làm người đàn bà đã khổ, làm người đàn bà viết văn, khổ nhọc nhân đôi. Tôi viết bằng những mẩu thời gian vụn vặt nhặt được. Viết ít thôi khi có cảm xúc bởi còn để thời gian làm vợ, làm mẹ, yêu thương cây cỏ, con chó đói, mèo hoang... Đọc và viết giúp tôi bước ra khỏi “khung cửa hẹp” của đời mình, thấy thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn”.

Cái cõi người lung linh và thẳm sâu mà nhà văn nữ nói, bạn đọc sẽ tìm thấy trong 27 truyện ngắn của Quế Hương (NXB Phụ Nữ). Đó là một tập hợp đẹp tiêu biểu cho phong cách lâu nay của chị - người đàn bà đa đoan cầm bút với những nỗi buồn ấm áp…

Quế Hương thì chỉ đơn giản nói: “Có người nói tôi là người của những cuộc đua văn chương. Một người không nghề nghiệp, không sức khỏe, không đua thì sao mà tồn tại. Dự thi là cách để tác phẩm mình được vinh dự nhận nhuận bút cao. Tôi thích thi vì vừa được hưởng niềm vui sáng tạo vừa có thể hưởng thành quả sáng tạo trong cuộc đua tim óc”.

Cuộc đua ấy, Quế Hương cũng đã gửi gắm vào hai nhân vật trong truyện ngắn vừa nhận được giải nhất cuộc thi viết do NXB Giáo Dục và Hội Nhà văn VN tổ chức:

“Cuộc đời là một cuộc đua dài. Từng chặng. Quị xuống thì đứng lên. Chỉ có chết mới ngừng đua . Còn sống là còn đua để chứng minh tôi hiện hữu, tôi tồn tại. Một ánh nhìn thông cảm. Một bàn tay giơ ra. Một lời thách thức đúng lúc có thể nâng dậy một số phận, thổi vào đấy một luồng sinh khí mới để bắt đầu một chặng đua mới.”- chị đã tin và đem được niềm tin ấy vào câu chuyện của mình. Nhưng một câu chuyện như thế hình như không tự chị nghĩ ra? Hình như đâu đó trên những trang báo một tình cảnh oái oăm như thế là không quá lạ lùng?

“Vâng, những trang báo là những trang đời. Tôi nhặt ở đó niềm vui lẫn nỗi buồn tuổi trẻ. Hoặc nghèo cực đậm đặc nhưng giàu ý chí vượt khó, kiếm sống bằng đủ mọi cách để được đến trường - nhặt rác, bơm xe, phụ nề, tiếp thị bia, giúp việc nhà, dạy kèm… Hoặc thừa thãi vật chất mà đói khát tinh thần, nổi loạn, phá phách, nông nổi, lỡ lầm… Một lần tôi nghĩ tại sao lại không đặt hai chân dung ấy bên nhau trong một câu chuyện. Và thế là tứ truyện hình thành. Truyện chở chất trẻ của một thời nhiều biến động: nghịch lý thiếu - thừa tồn tại, chân - giả, xấu - tốt ngổn ngang, gió lành chen gió độc…”.

Chỉ có một nghịch lý mà Quế Hương không nhận ra. Tác giả của hàng chục giải thưởng văn học, của hàng trăm truyện ngắn, có mặt trong hàng loạt tuyển tập của NXB Văn Học, NXB Hội Nhà Văn, NXB Phụ Nữ… lại không hề có mặt trong bất cứ hội nhà văn nào, địa phương lẫn trung ương!

Hỏi chị, chị bảo có hội có thuyền thì cũng bớt lẻ loi nhưng “xin xỏ” người này người nọ thì chị không muốn. Thế nên chị mới ngạc nhiên khi chỉ vừa mới ghé chân vào lĩnh vực điện ảnh (qua hai kịch bản phim truyện được giải nhì, không có giải nhất) thì đã “có chân” ngay trong Hội Điện ảnh VN. Mà thôi chị, cuộc đời vốn vậy. Văn chương càng vậy, tác phẩm làm nên nhà văn chứ hội hè chẳng làm nên ai cả!

Còn chị, chỉ nhè nhẹ như nói với chính mình, “chưa là nhà văn, không còn là nhà giáo, tôi là một người đàn bà viết vậy”.

THÚY NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên