26/08/2004 05:00 GMT+7

Quảng Nam: làm gì để bảo vệ di tích cổ Hội An và Mỹ Sơn?

KIM EM - HOÀI NHÂN thực hiện
KIM EM - HOÀI NHÂN thực hiện

TT - Cách đây năm năm, ngày 4-12-1999, Ủy ban UNESCO đã quyết định đưa đô thị cổ Hội An và khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Và cũng trong năm năm qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực cho công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị hai di sản này.

9ZWgKJDl.jpgPhóng to
TT - Cách đây năm năm, ngày 4-12-1999, Ủy ban UNESCO đã quyết định đưa đô thị cổ Hội An và khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Và cũng trong năm năm qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực cho công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị hai di sản này.

Những cố gắng đó đã được UNESCO tiếp tục ghi nhận thông qua việc trao tặng Giải thưởng kiệt xuất về bảo vệ di sản cho đô thị cổ Hội An. Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tiếp tục bảo vệ di tích cổ Hội An và Mỹ Sơn, ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói:

- Hội An và Mỹ Sơn là hai trong năm di sản văn hóa thế giới ở VN bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh. Hiện tỉnh Quảng Nam đang thực hiện biện pháp vừa trùng tu vừa nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm lựa chọn những giải pháp khả thi để bảo vệ, trùng tu di tích. Ngoài kinh phí đầu tư của trung ương và địa phương, việc xã hội hóa trùng tu di tích cũng được nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp trùng tu trên 800 di tích.

Với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi đã huy động được trên 45 tỉ đồng và tiến hành chống đổ cho 125 di tích xuống cấp nghiêm trọng ở Hội An. Riêng với Mỹ Sơn, đã lập dự án gia cố, gia cường, chống xuống cấp các ngôi tháp trong tình trạng có nguy cơ sụp đổ ở khu A, B; khai quật một số tháp ở khu G, F để nghiên cứu và tìm giải pháp kỹ thuật trùng tu di tích.

uxJdRo8w.jpgPhóng to
Lễ hội rước nước truyền thống của người Chăm tại khu đền tháp Mỹ Sơn
* Thưa ông, công tác trùng tu bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn hiện gặp những trở ngại nào?

- Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng những gì chúng ta đã làm được cho Hội An và Mỹ Sơn thời gian qua là chưa nhiều, chưa đạt được kết quả và mục tiêu như mong muốn. Hiện Mỹ Sơn chỉ còn trên 20 tháp là tương đối nguyên vẹn, số còn lại ở tình trạng gần như phế tích nên việc trùng tu, tôn tạo cần có những giải pháp hết sức đặc biệt.

Trong khi đó tại Hội An, số di tích xuống cấp còn rất nhiều, hiện có 82 di tích có nguy cơ sụp đổ nhưng chưa có kinh phí để trùng tu. Có đến 75% di tích đang xuống cấp tại khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân. Mặc dù được ngành VH-TT và địa phương hướng dẫn khá chu đáo, song nguy cơ biến dạng của di tích qua những lần tu sửa là rất đáng lo ngại.

Một khó khăn nữa cũng cần nêu ra là đội ngũ cán bộ chuyên môn về khảo cổ, bảo tồn còn quá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra ngày càng lớn đối với công tác trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý hiện nay còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

* Vậy theo ông, cần làm gì để bảo tồn và trùng tu Hội An và Mỹ Sơn?

- Chúng tôi thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học VN và nước ngoài để trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, hợp tác trùng tu di tích, đồng thời tiến hành một số dự án trong tinh thần chia sẻ trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nhân loại.

Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai dự án hạ tầng cơ sở Hội An, chương trình mục tiêu của Bộ VH-TT trị giá 20 tỉ, triển khai qui hoạch tổng thể Mỹ Sơn 187 tỉ; hoàn thành nhà giới thiệu, trưng bày về khu di tích Mỹ Sơn và nhà trưng bày văn hóa truyền thống huyện Duy Xuyên. Tỉnh Quảng Nam sẽ thành lập Quĩ bảo tồn di tích để kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay góp sức bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn.

* Nhưng những việc làm này chỉ mới dừng lại ở việc bảo tồn di tích, thưa ông?

- Đúng. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, Hội An - Mỹ Sơn còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị tinh thần. Do vậy chúng tôi luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức cho nhân dân.

Trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động lễ hội thường xuyên được tổ chức nhằm huy động cộng đồng nhân dân cùng chung tay giữ gìn phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian vốn có. Trong đó, huyện Duy Xuyên bước đầu đã tái hiện được một số lễ hội dân gian, ca múa nhạc truyền thống dân tộc Chăm, góp phần làm sống lại một di tích tôn giáo nổi tiếng. Riêng thị xã Hội An đã thống kê toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể, giữ được “hồn phố cổ” thông qua bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian và nghệ thuật diễn xướng...

* Xin cảm ơn ông.

eeFkWj8d.jpgPhóng to
Kiến trúc sư Kazik sinh năm 1944 tại thành phố cổ Lublin, Ba Lan và qua đời năm 1997 tại cố đô Huế, VN. Từ những năm 1980, ông đã sang VN tích cực tham gia công tác bảo tồn các di sản văn hóa của VN trong suốt 17 năm liền.

Riêng đối với Hội An, từ những năm 1981, ông đã dành trọn những ngày nghỉ để cùng các chuyên gia VN nghiên cứu, khảo sát, đo đạc, vẽ ghi hết sức cẩn thận hiện trạng các di tích kiến trúc trong khu phố cổ, tác động với các cơ quan chức năng để khu phố cổ Hội An được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, đồng thời đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy khu phố cổ một cách hữu hiệu. Ông cũng đã góp phần tích cực để Hội An được Tổ chức Văn hóa - khoa học - giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi tên vào danh mục di sản văn hóa thế giới sau này.

Ông Nguyễn Sự - chủ tịch HĐND thị xã Hội An - cho biết chính quyền thị xã Hội An đã quyết định dựng tượng kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowsky (tên thân mật là Kazik) tại ngay trung tâm khu phố cổ.

Chẳng bao lâu nữa tượng đài sẽ được dựng lên giữa lòng phố cổ. Kazik xứng đáng được như vậy!

KIM EM - HOÀI NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên