![]() |
Các bạn học sinh trong một giờ phát thanh |
Năm phút sau, hàng trăm học sinh toàn trường chăm chú lắng nghe giọng nói trong trẻo của “phát thanh viên” trên hệ thống loa…
Phút sẻ chia
“Mở đầu cho chương trình phát thanh hôm nay, mời thầy cô và các bạn cùng lắng nghe ca khúc Xe đạp. Đây là món quà của bạn Nguyễn Thị Hồng Diễm gửi tặng tập thể lớp 10/13 và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Phương, cùng lời nhắn: "Em yêu cô và yêu tập thể lớp 10/13 - ngôi nhà thứ hai của chúng ta”.
Ca khúc Xe đạp vừa kết thúc, “phát thanh viên” tiếp lời: “Hòa chung không khí chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, nhà trường phát động cuộc thi làm tập san. Mỗi năm chỉ có một ngày thôi, các bạn hãy chia sẻ những tâm tư, tình cảm thật lòng của mình với thầy cô, bạn bè… Cuối bản tin hôm nay là mục dự báo thời tiết. Những ngày gần đây trời thường mưa bất chợt, khi đi học các bạn nên mang theo áo mưa và mặc đủ ấm để đảm bảo sức khỏe học tập…”.
Kết thúc buổi phát thanh phút thứ 46, hai “phát thanh viên” Nguyễn Thị Kiều Diễn (lớp 12/4) và Mai Diệu Thúy (lớp 12/7) liền lưu lại bản tin trong ngày, tắt amply và trở về lớp học đúng giờ cô giáo lên lớp.
Chương trình “Phát thanh phút thứ 46” được các học sinh ở ba khối 10, 11 và 12 của Trường Sào Nam thực hiện vào thứ ba, năm, bảy hằng tuần. Trần Thị Hà My (lớp 11/1) - phụ trách chương trình - cho biết: “Mỗi buổi phát đều theo một chủ điểm cụ thể để các bạn học sinh dễ dàng tiếp cận. Chẳng hạn như, thứ ba là chủ đề: "Teen trên quê hương di sản" nhằm giới thiệu những danh thắng của đất Quảng như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cùng với bản tin về hoạt động của nhà trường, các chương trình của Đoàn. Còn thứ năm thường gắn liền với chuyên mục: "Hò hẹn với văn chương". Mọi học sinh có thể viết lời bình hoặc cảm nghĩ của mình về một bài thơ, bài văn tâm đắc bất kỳ. Thứ bảy gắn liền với mục lời trái tim muốn ngỏ”.
“Phút thứ 46” là cầu nối thương yêu. “Phát thanh viên” Mai Diệu Thúy (lớp 12/7) kể có nhiều lần các bạn học sinh làm cô giáo buồn, hay các bạn cùng lớp giận nhau đều nhờ đến chương trình gửi tặng một bài hát kèm theo một lời xin lỗi chân thành.
83 thầy cô trong trường còn “té ngửa” vì bất ngờ đến ngày sinh nhật của mỗi thầy cô đều được học sinh toàn trường “nhờ” kênh “phút thứ 46” gửi lời chúc mừng sinh nhật và bài hát Happy birthday được phát trên loa. “Bọn em bí mật lập ra một list danh sách sinh nhật của thầy cô và tự tổ chức xem như lời chúc và bài hát là món quà tặng” - Hà My tâm sự.
Nội dung các chuyên mục của “phát thanh phút thứ 46” còn được mở rộng ra rất nhiều. Và đôi khi đó là phê phán những hiện tượng tiêu cực như xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
“Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe”
“Khi biết chủ trương trong các hoạt động của T.Ư Đoàn là nghe thanh niên nói, nói thanh niên nghe, chúng tôi “vắt óc” suy nghĩ với mong muốn tìm sân chơi đại loại như “Nghe các học sinh nói, nói học sinh nghe”. Và cuối cùng “đứa con” “phát thanh phút thứ 46” phát trong buổi đầu tiên vào ngày 20-11-2006.
Bởi không có thời gian nào tốt hơn vào giờ ra chơi nên chúng tôi quyết định chọn “phút 46” là phù hợp” - “cha đẻ” của chương trình, bí thư Đoàn Trường THPT Sào Nam thầy Đoàn Công Đường cho biết.
Hiện CLB có 14 thành viên làm việc thường xuyên và mạng lưới cộng tác viên là học sinh, giáo viên toàn trường. Với phương châm không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh nên chương trình chọn ba ngày thứ ba, năm, bảy phát chương trình.
Thầy Đường tâm huyết nói: “Chúng tôi chỉ phụ trách chỉ đạo chung, còn việc thực hiện chương trình từ A đến Z, từ viết lách tới đọc đều do các em học sinh đảm nhiệm. Bởi chỉ các em mới hiểu tâm tư, tình cảm của các bạn có cùng lứa tuổi mà thôi”.
Nhưng nhiều vấn đề tuổi học trò cũng cần đến những “chuyên gia” là thầy cô để tư vấn cho các bạn. Cô Trương Thị Mỹ Nga (phó chủ nhiệm CLB) tâm sự: “Những vấn đề như sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, tâm sinh lý bạn gái… chúng tôi phải hết sức chú ý và trực tiếp tư vấn cho các em”.
Từ những vấn đề “nhạy cảm” không thể “oang oang” trên loa, từ đó blog phút 46 Trường Sào Nam ra đời. Cũng theo cô Nga, blog không giới hạn về diện tích, thời gian nên học sinh có thể thoải mái bày tỏ tâm tình của mình. Như đến ngày lễ Vu lan có học sinh nam viết thơ tặng mẹ nhưng không tiện phát thanh thì có thể cập nhật lên blog, cũng có khi là lời ăn năn hối hận của một bạn đã không chăm chỉ học tập để bị điểm kém trong kỳ thi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận