13/05/2010 07:01 GMT+7

Quảng bá phim bằng chuyện hậu trường: Kích thích hay hụt hẫng?

THANH QUÝ (hoabachhop1989...)
THANH QUÝ (hoabachhop1989...)

TT - Phim luôn được dành cho khán giả, vì thế mọi cách quảng bá phim cũng chỉ nhắm đến việc lôi kéo sự chú ý của khán giả. Nhưng có phải khi nào các nhà làm phim cũng biết khán giả thật sự muốn gì hay không?

“Gia vị” mới của phim Việt

jKyfhgli.jpgPhóng to
Đạo diễn Charlie Nguyễn (trái) và diễn viên Dustin Nguyễn tại trường quay phim Để Mai tính - Ảnh đoàn phim cung cấp

Cũng là những clip được thực hiện nhằm mục đích quảng bá phim nhưng có nhiều cách làm và nhiều thể loại khác nhau.

Từ trailer đến phim hậu trường

Từ hàng ghế khán giả: Con dao hai lưỡi

Mục đích của clip hậu trường là giúp khán giả hiểu hơn về công việc cũng như quá trình làm việc của đoàn làm phim. Tuy nhiên ở vị trí là một khán giả, nhiều khi tôi cảm thấy việc chiếu những clip hậu trường không được biên tập kỹ rất dễ gây cảm giác hụt hẫng cho người xem.

Với những bộ phim hài thì những đoạn clip thực tế, nhộn nhịp ở hậu trường sẽ giúp khán giả cảm thấy gần gũi hơn với bộ phim. Tuy nhiên đối với những bộ phim tâm lý, có tính chất kịch tính thì việc đưa ra các clip hậu trường có thể gây nên những cảm xúc tiêu cực cho người xem.

Dường như bây giờ có quá nhiều clip hậu trường đã vô tình “giết chết” cảm xúc của khán giả. Vừa mới thấy nhân vật xấu số trong phim khóc nức nở, nào là bị hắt hủi, bị đánh đập, hãm hại, vậy mà ngay sau đó trong cảnh hậu trường lại thấy nhân vật cười ồ lên khi nghe đạo diễn hô “cắt”. Từ chỗ đồng cảm, thương cảm nhân vật, khán giả không khỏi cảm thấy hụt hẫng.

Nếu đúng là hậu trường (behind the scenes) thì nguyên tắc là chỉ quay quá trình thực hiện, khi bấm máy là không được quay. Điều đó sẽ khiến nội dung phim được giữ bí mật tuyệt đối cho đến khi một clip khác là trailer được phổ biến.

Trailer chính là một dạng clip được làm để quảng cáo cho nội dung và nghệ thuật của bộ phim. Đây sẽ phải là những cảnh chắc chắn có trong phim, những cảnh hấp dẫn nhất, những câu thoại hay nhất và tagline (cụm từ ngắn gọn tóm tắt về phim) sẽ được nhắc đến ở trailer để sự tò mò của khán giả bị đẩy lên cao. Và khán giả cũng hay bị lừa bởi trailer nhất nên nhiều khi xem phim xong họ bực tức nói phim có gì hay thì ở trong trailer hết rồi, còn lại chẳng có gì hấp dẫn.

Nhưng khi nhà sản xuất hướng đến doanh thu, họ sẽ làm mọi cách để dụ được khán giả bỏ tiền mua vé xem phim hoặc mua DVD, nên các hãng phát hành đều có một đội ngũ dựng trailer lại khi họ mua phim về. Có thể kể đến trường hợp Dòng máu anh hùng khi Warner Bros mua để phát hành trên thế giới, họ đã lập tức dựng một trailer mới mà đạo diễn Charlie Nguyễn cũng thừa nhận hấp dẫn hơn cái cũ do anh dựng.

Với trường hợp Để Mai tính - bộ phim trước khi ra rạp đã chiếu nhiều tập phim hậu trường trên truyền hình, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Tôi thậm chí còn chưa hề xem một tập nào trong số các tập hậu trường Để Mai tính lúc phát sóng. Bởi khi họ thực hiện các cảnh quay ở hiện trường thì tôi cũng đang bận chú ý vào việc làm phim, khi họ dựng và phát sóng ở VN thì tôi đang ở Mỹ để làm hậu kỳ. Nhưng thú thật, tôi chỉ thích các clip hậu trường mà qua đó tôi có thể học hỏi được những “mánh” nho nhỏ thuộc về nghề nghiệp chứ không thích kiểu phóng sự.

Ví dụ với phim Kingdom of heaven (đạo diễn Ridley Scott), tôi có thể học được rất nhiều điều từ cách lựa vải may trang phục cho nhân vật, cách đạo diễn ngồi trao đổi với diễn viên, cách tìm màu sắc cho đạo cụ... trong phần clip hậu trường. Đây là cách mà ít nhiều đã được Danny (đạo diễn của clip hậu trường Dòng máu anh hùng) áp dụng, với Dòng máu anh hùng, tôi cũng phần nào kiểm soát được nội dung của nó. Còn với 16 tập hậu trường Để Mai tính thì hoàn toàn không”.

Quyền chấp nhận vẫn thuộc về khán giả

Trong một cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng những năm 1980, hẳn nhiều người đọc còn nhớ cảm giác của một cô bé thấy đổ vỡ thế nào khi đến một gánh hát vào buổi chiều trước suất diễn, gặp cảnh những anh kép, cô đào đang phơi đồ, chuẩn bị bữa chiều và cãi nhau chí chóe. Cái thế giới thần tiên của ông hoàng bà chúa lộng lẫy kiêu sa hằng đêm như giấc mơ đẹp đẽ trên sân khấu từng khiến cô bé say mê bỗng vỡ tan vì những sự thật trần trụi mà gánh hát phô bày buổi chiều.

Cô bé không bao giờ đi xem hát nữa.

Thực tế có nhiều phim phạm sai lầm này khi quá chú trọng đến quảng bá mà quên đi bản chất của quảng bá chỉ là thứ gia vị kích thích người xem tò mò, còn món ăn chính là chất lượng nghệ thuật của bộ phim mới lấy được lòng khán giả.

Các đoạn phim hậu trường của Nhật ký Bạch Tuyết được chiếu trước khi phim tung ra kèm những tuyên ngôn gửi gắm nhiều “thông điệp nhân văn”. Nhưng sau đó khán giả xem phim thấy ngay sự thật Nhật ký Bạch Tuyết là một phim yếu kém khác xa với những gì phần “behind the scenes” tiết lộ nên sự phản cảm của người xem càng tăng.

Có thể kể thêm 30 tập phim truyền hình 13 nữ tù, được quảng bá với câu chuyện hấp dẫn, đạo diễn danh tiếng (Lưu Trọng Ninh) nhưng phim thì “vô lý đến sửng sốt” như lời nhận xét của một tờ báo khi phim mới phát sóng được ba tập đầu tiên.

Bản thân những chuyện hậu trường và việc quảng bá phim không có lỗi, nhưng kiểm soát nó thế nào để khi phim hoàn thành, người xem được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để từ đó có óc phán xét tỉnh táo, đồng thời không có nghĩa người xem không thả mình theo cảm xúc bộ phim mang lại... là chuyện không dễ.

Thế giới trong phim dẫu sao cũng chỉ là giấc mơ, nhưng chọn cách bước vào nó thế nào lại tùy thuộc khán giả. Và hé mở chuyện hậu trường là việc của đoàn phim, sự tiếp nhận của khán giả thế nào lại tùy thuộc những quan niệm khác nhau và vẫn là những tranh cãi chưa chấm dứt.

THANH QUÝ (hoabachhop1989...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên