Phóng to |
Ông Trịnh Anh Cơ - Ảnh: K.H. |
- Chúng tôi không ngạc nhiên với những thông tin mà báo chí nêu vừa qua bởi chúng tôi đã biết và từng lên tiếng cảnh báo. Bây giờ, nếu rà soát bản đồ mà các nước trên thế giới xuất bản thì sẽ thấy nhiều bản đồ thể hiện không chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó có thể là do tổ chức lập bản đồ đó thiếu thông tin, chỉ có tài liệu cũ mà không biết đến những tập bản đồ của Việt Nam đã xuất bản...
Tấm bản đồ mà Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ công bố không thay đổi được thực tế Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng việc họ ghi chú sai lệch đối với Hoàng Sa như thế sẽ bất lợi cho công tác đấu tranh lâu dài về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Gần đây, phản ứng của Bộ Ngoại giao đối với việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ công bố bản đồ sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa và việc Google Maps thể hiện sai lệch đường biên giới Việt - Trung là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải có cách ứng xử rõ ràng, phải làm sao để các nước nhìn nhận lại vấn đề khi lập bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam Ông Trịnh Anh Cơ |
- Chúng ta đã làm tốt công tác xuất bản bản đồ nhưng quảng bá, phổ biến rộng rãi những tài liệu đó thì đúng là còn chưa quan tâm. Nội việc mua bán bản đồ giữa các cơ quan trong nước cũng phải qua nhiều thủ tục chứ chưa nói đến việc người dân muốn tìm mua bản đồ.
Chúng tôi thường tổ chức các hội nghị quốc tế và đó là dịp tốt để quảng bá bản đồ của mình, nhưng mỗi lần đều phải xin phép. Có lần tôi yêu cầu nhà xuất bản bản đồ cho 500 tấm để phát cho đại biểu thì họ chỉ cho 100 tấm, còn lại là bán. Những tấm bản đồ cỡ nhỏ để quảng bá đáng bao nhiêu đâu, đáng lẽ đấy là cơ hội để chúng ta quảng bá chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta lại muốn kinh doanh.
Ngày xưa chuyên gia Thụy Điển sang mua bản đồ khu vực Bãi Bằng, chúng ta lại còn không bán dù họ sang trợ giúp chúng ta, sau đó họ phải mua bản đồ của Mỹ đem sang. Trong khi đó, nếu đi nước ngoài, vào khách sạn nào cũng rất dễ xin được bản đồ của nước đó, thành phố đó. Còn chúng ta? Bản đồ Việt Nam bán ở sân bay rất đắt.
Đáng nói hơn là chuyện coi bản đồ là tài liệu mật mặc dù bản đồ không mật tí nào, càng quảng bá rộng càng tốt, kể cả bản đồ địa hình (bản đồ rất chi tiết). Bây giờ lên mạng, ảnh vệ tinh được chụp rất tốt, chi tiết hơn cả bản đồ của chúng ta. Trước đây chúng tôi mua hải đồ (bản đồ dùng đi biển) của bên quân đội mà còn không được. Ở các nước, nếu anh đến các cảng biển đều dễ dàng mua được hải đồ anh cần.
Trước đây, muốn xuất khẩu bản đồ ra nước ngoài cũng đòi hỏi rất nhiều giấy phép. Chúng tôi phải đấu tranh với một số cơ quan chức năng để sửa lại quy chế mới xuất được. Xuất khẩu bản đồ không những được về mặt kinh tế mà còn được về mặt chính trị. Có xuất bản đồ cho họ thì khi lập bản đồ thế giới họ xem và biết vùng đất này thuộc lãnh thổ Việt Nam, họ sẽ ghi là của Việt Nam. Nếu không có tài liệu của mình, họ phải tham khảo nguồn khác.
* Thưa ông, còn có ý kiến cho rằng công tác sưu tầm tài liệu liên quan đến chủ quyền quốc gia cũng chưa được chú trọng?
- Chính xác là chưa quan tâm. Chúng ta có Ủy ban Biên giới quốc gia - cơ quan có nhiệm vụ thu thập tài liệu để đấu tranh ngoại giao về chủ quyền lãnh thổ. Bộ Tài nguyên - môi trường có Cục Đo đạc và bản đồ quốc gia. Nhưng tôi biết chắc các cơ quan này cũng chưa có được những tài liệu đầy đủ nhất, tốt nhất về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Trước đây, hội chúng tôi từng xúc tiến và bây giờ nhân việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ công bố bản đồ sai lệch về Hoàng Sa, tôi có bàn với anh Đặng Hùng Võ (chủ tịch hội) liên hệ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ở TP.HCM để xin chụp lại những tài liệu bản đồ mà ở Việt Nam chỉ ông mới có. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề mua lại toàn bộ tài liệu đó để làm thư viện bản đồ cho cả nước. Đấy là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp của chúng tôi.
Sưu tầm bản đồ để khẳng định chủ quyền là việc rất đáng làm nhưng chúng ta đang làm chưa tốt. Tôi từng đi thăm Viện Bản đồ ở Catalan (Tây Ban Nha) và rất ngạc nhiên khi họ mua bản đồ từ khắp nơi trên thế giới về sao chụp lại, bán bản sao chụp và đưa bản gốc vào bảo quản. Ở đấy họ có riêng một phòng trưng bày bản đồ liên quan đến Việt Nam. Một viện của một xứ ở Tây Ban Nha còn như vậy thì tại sao chúng ta không làm được? Tất nhiên phải có kinh phí nhưng quan trọng là chúng ta không có ý tưởng đó.
* Sau những vụ việc xảy ra vừa qua liên quan đến bản đồ và chủ quyền lãnh thổ, theo ông, Việt Nam cần có ứng xử thế nào?
- Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc, bản đồ cần có hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, tổ chức trong nước, các tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam về việc đưa bản đồ Việt Nam lên mạng để đảm bảo được sự toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp nữa, chúng ta phải đẩy nhanh việc đưa các bản đồ chính thống của chúng ta ra ngoài nước để giới thiệu, quảng bá...
Rồi phải tính đến việc chuẩn hóa theo quốc tế. Bản đồ thế giới chúng ta làm hiện nay ghi địa danh theo từ Hán Việt nên người nước ngoài, đại sứ quán các nước tại Việt Nam không dùng được. Đại sứ Nam Phi hỏi tôi có thể mua giúp ông bản đồ Việt Nam mà ông có thể đọc được không. Vừa rồi vấn đề chuẩn hóa địa danh trên bản đồ mới được khởi xướng và được các cơ quan chức năng đồng ý.
________________
Bản đồ Việt Nam trên Internet còn nhiều sai lệch:
Đưa nội dung đúng thay cho nội dung sai
Không chỉ Google Maps vẽ sai đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc mà ngay trên trang web http://wikimapia.org, một ứng dụng bản đồ trực tuyến mở cũng sử dụng bản đồ vẽ sai đường biên giới này. Trong khi đó, tại bách khoa toàn thư mở http://wikipedia.org, hàng chục bản đồ Việt Nam được người dùng đưa lên cũng thiếu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Do chủ yếu lấy lại hình ảnh của Google Maps, Wikimapia cũng lập lại toàn bộ những gì ở Google Maps sai, chưa chính xác. Cụ thể, đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc bị vẽ sai như trên bản đồ của Google Maps. Thậm chí nhiều chú thích khác trên trang web này bị đánh dấu sai hoàn toàn so với vị trí địa lý thực. Nhiều địa điểm của Việt Nam bị đánh dấu sai vị trí.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Cục Đo đạc bản đồ Việt Nam, bản đồ trên Wikimapia cũng giống như Google, đều không đảm bảo tính chính xác và không có giá trị pháp lý. Do đó, bản đồ này hoàn toàn không có giá trị ở Việt Nam, kể cả sử dụng để tham khảo.
Tương tự, trên trang web Wikipedia, hàng loạt bản đồ Việt Nam được đưa lên đều thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điển hình là hình ảnh bản đồ địa lý Việt Nam tại địa chỉ http://vi.wikipedia.org/wiki/Tập_tin:Vietnam_Topography.png do Sadalmelik đăng tải. Tiếp đó là hệ thống bản đồ phân vùng khu vực các vùng miền của Việt Nam tại địa chỉ http://vi.wikipedia.org/wiki/Tập_tin:VietnameseRegions_vn.png. Những tấm bản đồ này hầu hết được sử dụng để minh họa cho các bài viết có giá trị về địa lý, vùng miền của Việt Nam trên Wikipedia.
Bản thân trang web này cũng thừa nhận “không đảm bảo giá trị pháp lý của thông tin” vì “nội dung của bất kỳ bài viết nào đều có thể bị sửa đổi, phá hoại hoặc thay thế bởi những người không thuộc về chuyên môn”.
Do đó, vấn đề đặt ra, như ông Lưu Vũ Hải - cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông - nêu lên, là mỗi website cơ quan nhà nước, các tổ chức của Việt Nam cần ý thức rõ vấn đề này, sửa ngay những vi phạm của mình và đưa lên cơ sở dữ liệu những tấm bản đồ chuẩn để người dân có thể sử dụng tham chiếu hoặc download khi cần thiết.
MINH QUANG
Đầu tháng 4-2010 cung cấp bản đồ Việt Nam chính thức trên mạng Chiều 22-3, Cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng cho biết cùng với việc rà soát bản đồ trên các website, cục đang khẩn trương hoàn thành dịch vụ cung cấp bản đồ nguồn chính thức trên website của cục có địa chỉ www.dosm.gov.vn. Ông Hùng cho biết dự kiến từ đầu tháng 4-2010 bản đồ địa hình Việt Nam sẽ được đưa lên mạng. “Đây sẽ là nguồn bản đồ chính thống và cục sẽ có hướng dẫn, đồng thời cho phép các bộ, ngành, cơ quan truy cập và download bản đồ này như một nguồn cung cấp chính thống để tránh những sai sót trong sử dụng bản đồ tới đây” - ông Hùng khẳng định. Lập chuyên mục “Biển đảo” trên website Sở Ngoại vụ Đà Nẵng UBND TP Đà Nẵng vừa đồng ý thành lập chuyên mục “Biển đảo” trên trang web của Sở Ngoại vụ nhằm góp phần định hướng, tuyên truyền giúp người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về vấn đề biển đảo và biên giới hải phận Việt Nam. Xuân Long - Dân Hùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận