21/07/2015 16:32 GMT+7

Quản lý kém, buôn gian bán lận tràn lan

MẠNH KHANG  ghi
MẠNH KHANG ghi

TTO - Các chuyên gia cho rằng tình trạng quảng cáo lập lờ gây hiểu nhầm, cân sai, cân thiếu, bán hàng kém chất lượng phổ biến như hiện nay về lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

PGS.TS Ngô Trí Long - Ảnh: Lê Kiên

Ngõ cụt văn hóa

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN -  cho rằng chúng ta không thể có nền kinh tế công nghiệp, hiện đại, hội nhập thế giới nếu chúng ta vẫn giữ quen thói gian lận từ khâu sản xuất hàng hóa đến khi tiêu thụ sản phẩm.

Gian dối là ngõ cụt rất xấu về mặt văn hóa, kéo theo nhiều hệ lụy, nếu cứ xuất hiện tràn làn, thiếu kiểm soát thì lâu dần sẽ hình thành những thói quen gian dối trong các lĩnh vực khác. Con người sẽ nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến mất mọi cơ sở lòng tin.

Ngoài người tiêu dùng, bản thân người buôn bán cũng là một người tiêu dùng trung gian phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, chúng ta không chỉ bảo vệ người tiêu dùng bằng hành lang pháp lý và hoạt động của những cơ quan có thẩm quyền, không chỉ bảo vệ trực tiếp người tiêu dùng ngay từ con cá, mớ rau mà cần phải xây dựng “chuẩn văn hóa, văn minh” trong thương nghiệp.

Ở các nước phát triển, một số tập quán tốt trong thương nghiệp mà chúng ta đang noi theo thật ra chỉ mới hình thành gần đây nhờ  hành lang pháp lý để triệt tiêu nạn chặt chém ở VN vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa thật sự nghiêm minh.

Trong khi đó, TS Lý Tùng Hiếu (khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho rằng xét trên khía cạnh tâm lý, nhiều người cứ muốn mình có thêm chút và thêm chút nữa mà không hài lòng với những gì đang có dẫn đến hành vi nói thách, gian dối, "chặt chém" nhau khi mua bán.

Lòng tham con người biến giao dịch vốn cần đặt uy tín lên đầu trở nên khó tin tưởng hơn cả. Người bán cứ vô tư “được” bao nhiêu hay bấy nhiêu. Người mua thì lúc nào cũng ham hàng giá rẻ, luôn mong muốn có được sản phẩm với mức giá thấp nhất nên ra sức trả giá, thậm chí phá giá làm ảnh hướng đến lợi nhuận của người bán.

Điều này dẫn đến con người dễ mất niềm tin cá nhân, khiến họ luôn làm khó nhau, ứng xử thiếu tình người.

Điều cần làm ngay bây giờ là phải có chế tài thật nghiêm khắc để phá bỏ lối bán giả, bán dối, đeo bám, "chặt chém", lừa đảo. Mặt khác, cần bắt đầu xây dựng tinh thần Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong giao dịch buôn bán để đảm bảo sự khách quan và tôn trọng.

Mua bán nhỏ nên thường bị bỏ qua

Trong giao dịch mua bán nên có thỏa thuận rõ ràng về số lượng, chất lượng, giá cả hàng hóa. Khi không thỏa thuận được, người mua có thể từ chối.

Theo điều 412, Bộ luật Dân sự 2005, các bên phải thực hiện hợp đồng về đối tượng, chất lượng, chủng loại.

Tuy nhiên, thực tế, vì hành vi buôn bán gian dối chỉ xảy ra ở những giao dịch có giá trị nhỏ nên người tiêu dùng thường bỏ qua, điều đó càng làm cho hành vi này được dịp phổ biến tràn lan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

 

Người tiêu dùng có quyền từ chối

Để hạn chế nạn buôn gian bán lận của người Việt, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng từ nói thách, cân điêu đến buôn bán hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng… người tiêu dùng giờ đây ít tin tưởng với việc mua bán ở các chợ truyền thống, các cửa hàng.

Thậm chí, nhiều người khi mua sản phẩm trong siêu thị cũng cảm thấy không an tâm.

Không ai có quyền bắt buộc người tiêu dùng phải mua một loại sản phẩm, hàng hóa nào. Trường hợp buôn bán lập lờ, người tiêu dùng cần chú ý “nếu thuận mua thì vừa bán”, tức là việc anh mua hay không mua hàng hóa là quyền quyết định của anh.

Pháp luật chỉ quy định quản lý, kiểm tra, xử lý với những hàng hóa giả, không đúng chất lượng hoặc loại hàng này nhưng lại sử dụng thương hiệu hàng khác, khi đó mới cần đến đội quản lý thị trường. Còn những trường hợp bán buôn lập lờ như cua cột dây trâu, mua trái cây mua cả cành cây không quả bị chêm vào giữa chùm… thì người mua rõ ràng vẫn biết thực hư câu chuyện, vì vậy nếu họ không chấp nhận thì có quyền từ chối mua hàng.

Động cơ của hoạt động kinh doanh là lợi nhuận và muốn có lợi nhuận thì phải dùng rất nhiều hành vi, trong đó gian lận thương mại là hành vi cơ bản nhất để dễ dàng thu lợi nhuận tối đa.

“Buôn gian bán lận” hiện nay có thể xem là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Bởi người mua lúc nào cũng muốn có được sản phẩm với giá thấp nhất nên người bán lợi dụng vào tâm lý đó.

Cơ quan quản lý thị trường không thể can thiệp vì thông tin được người bán ghi rõ ràng trên bảng quảng cáo. Người mua có quyền mua hoặc không mua - Ảnh: Hữu Khoa

 

Bán một lần không sống được cả đời

Hiện tượng "chặt chém" với nhiều thủ đoạn trắng trợn hiện nay rất phổ biến, nó không còn là hiện tượng có tính chất cá biệt “con sâu làm sầu nồi canh” nữa. Hầu như ở bất kỳ đâu có điểm du lịch đều xảy ra hiện tượng này.

Nếu không được xử lý nghiêm túc, nó sẽ trở nên phổ biến. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập kinh tế với sự cạnh tranh gay gắt thì uy tín thương hiệu phải đặt lên hàng đầu.

Không ai buôn bán một lần mà tồn tại cả đời. Do vậy, “buôn gian bán lận” sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng ra là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Ở các nước có nền kinh tế phát triển, với hệ thống pháp luật rõ ràng, xử lý nghiêm sai phạm, những trường hợp gian lận thương mại rất hi hữu.

Tuy nhiên, ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi tỉ lệ tham nhũng, tiêu cực còn cao, các chế tài chưa thật sự nghiêm minh thì gian lận thương mại là phổ biến.

Tiến sĩ Ngô Trí Long khẳng định: "Để chấn chỉnh vấn đề này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Cần thiết có thể rút giấy phép kinh doanh của những hộ buôn bán không trung thực, lừa dối khách hàng.

Đối với những người bán hàng trên đường, hàng rong thì nhất thiết phải tuyên truyền và giáo dục về ý thức kinh doanh để họ tự nhận thức và chấn chỉnh hành vi của mình, nếu không chấn chỉnh sẽ bị chế tài nghiêm minh". (TRÀ MY)

Quản lý kém, lỏng lẻo, bất cập

Nguyên nhân của thực trạng đáng báo động trên là công tác quản lý của các cơ quan chức năng: vừa buông lỏng, vừa yếu kém, vừa bất cập.

Cụ thể, các cơ quan không quản lý được giá cả thị trường và trật tự an ninh xã hội.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân nhận thức được những hành vi buôn bán lập lờ, “móc túi” người tiêu dùng còn kém, vì vậy nhiều người vẫn hoang mang, không biết cách phòng tránh.

Chế tài xử phạt chưa thật sự nghiêm minh. Chưa có chế độ khen thưởng kịp thời và đúng mức đối với những cá nhân, tập thể làm ăn tốt, có thành tích tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, chưa quy trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan quản lý.

Mới đây, chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 02-07-2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch nhấn mạnh nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh.

Theo nội dung chỉ thị, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cần rà soát công tác quản lý giá cả, thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; xử lý theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh hoặc đề nghị rút giấy phép.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - cũng nhấn mạnh địa phương nào để xảy ra hoạt động gian lận thương mại gia tăng thì người đứng đầu chịu trách nhiệm.

 

MẠNH KHANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên