Phóng to |
Niềm vui của Quân khu 7 sau lúc loại Thép miền Nam CSG ở vòng 1 cúp quốc gia 2008. Ảnh: Sĩ Huyên |
Trong khi nhiều sân vận động khác chật cứng các bảng quảng cáo thì sân Quân khu 7 chỉ có vài ba bảng quảng cáo do BTC giải đưa xuống chứ không phải do BTC sân bán được.
Trò chuyện cùng chúng tôi, HLV Đoàn Minh Xương nói: ”Sau một năm rớt hạng, Quân khu 7 trở lại với giải hạng nhất vào tháng 9-2007. Trong lễ mừng công thăng hạng, lãnh đạo Quân khu tuyên bố: đã được Bộ Quốc Phòng bật đèn xanh, nhưng Quân khu 7 sẽ đá bóng theo phương án “cây nhà lá vườn”, tức sử dụng cầu thủ nội chứ không có việc theu ngoại binh như các đồng nghiệp. Thà rớt hạng chứ không thuê cầu thủ ngoại…”.
Cùng chơi đá bóng trong màu áo lính, nhưng “anh cả” Thể Công được Viettel nhảy vào tài trợ toàn bộ, Quân khu 4 thì “gắn” với Satra Group, Quân khu 5 duy trì đội bóng bằng kinh phí của Quân khu cộng sự chi viện về nội binh lẫn ngoại binh từ thành phố Đà Nẵng (cung cấp cầu thủ ngoại và trả lương thánng cho ngoại binh). Trong khi đó Quân khu 7 phải tự thân vận động mọi việc.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, HLV Đoàn Minh Xương nữa đùa nửa thật: ”Bạn có biết đội bóng chúng tôi còn có tên gọi là Quân khu Long An hay không?”. Chỉ cần lướt sơ qua bảng danh sách đăng ký thi đấu sẽ thấy ngay rằng gần 1/3 số cầu thủ của Quân khu 7 là dân Long An, và tất cả đều xuất thân từ CLB lừng danh Đồng Tâm Long An. Đó là thủ môn Thanh Toàn, tiền đạo Lê Thanh Xuân, trung vệ Nguyễn Nhân, tiền vệ Công Thành, hậu vệ Minh Hiếu, tiền vệ Công Ánh… Đã qua thời đỉnh cao nhưng kinh nghiệm trận mạc dày dạn ở V-League vẫn giúp cho những tên tuổi ấy đủ sức chơi ở giải hạng nhất và là trụ cột của Quân khu 7.
Lực lượng trẻ vừa thiếu lại vừa yếu, Ban huấn luyện buộc phải chạy vạy khắp nơi (chủ yếu bằng con đường tình cảm) để vay mượn cầu thủ từ các đồng nghiệp. Hậu vệ Chung Thế Hải, tiền đạo Huỳnh Công Phong đến từ thành phố biển Nha Trang, tiền vệ biên trái Rơ Lan Dem từ phố núi Pleiku xuôi về đồng bằng, thủ môn số ba Võ Thanh Tùng từ Quân khu 9 ngược lên TP.HCM.
Đội hình chắp vá, nhiều cựu binh đã luống tuổi, trình độ chuyên môn khập khiễng, không có ngoại binh, HLV Đoàn Minh Xương buột miệng: ”Chỉ tiêu khiêm tốn là trụ hạng cũng rất gay go. Giờ thì ai cũng biết thừa là Quân khu 7 không có “lực”, ai cũng tập trung vào mình để kiếm điểm. 26 trận đấu trong giải đều là 26 khúc xương khó nuốt. Trận nào cũng phải căng sức, dốc hết lực ra, e rằng sẽ hụt hơi. Tôi vẫn còn loay hoay, chưa giải được bài toán này…”.
Nếu có ngoại binh thì sao? HLV Xương: ”Ngoại binh ở giải hạng nhất có thể chưa thật hay, nhưng có họ, tinh thần của toàn đội lên cao bởi các cầu thủ ngoại luôn gây sức ép mạnh trên sân với đối phương. Có các ông Tây to cao thì khi đội nhà bị phạt góc hay phạt trực tiếp, cũng tạm yên tâm trong việc chống bóng bổng. Không có ngoại binh đã khó, lại càng khó hơn khi cựu binh qua thời đỉnh cao, còn lớp trẻ thì non bản lĩnh và thiếu kinh nghiệm…”.
Phóng to |
Cùng là dân nhà binh đi đá bóng nhưng Quân khu 5 (trắng) có ngoại binh còn Quân khu 7 thì toàn cầu thủ nội. Ảnh: Sĩ Huyên |
Kinh phí eo hẹp nên lương của cầu thủ Quân khu 7 không cao so với mặt bằng chung ở giải hạng nhất: cao nhất 7 triệu/tháng, thấp nhất 4 triệu/tháng. Trong khi các đội khác nhận hàng trăm triệu đồng tiền thưởng cho một trận thắng thì Quân khu 7 chỉ dừng lại với hai mức: 40 triệu nếu lấy được 3 điểm (thắng) và 20 triệu nếu có thêm 1 điểm (hòa) bất kể sân nhà hay sân đối phương.
Nghèo thì nghèo thật, nhưng lãnh đạo Quân khu vẫn đưa ra mức thưởng cụ thể: nếu đội đạt được các mục tiêu như sau: hạng 10-12 thưởng 300 triệu, hạng 6-9 được 500 triệu, hạng 3-5 sẽ có 700 triệu, và 1 tỷ đồng nếu đoạt ngôi á quân hoặc chức vô địch giải hạng nhất 2008.
Ngay trong ngày mở màn mùa bóng mới 2008, Quân khu 7 đã gây sốc khi hạ gục đội chuyên nghiệp Thép miền Nam CSG 2-1 ở vòng 1 cúp quốc gia. Mong sao họ sẽ tiếp tục gây sốc và làm nên chuyện ở giải hạng nhất mùa này…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận