09/06/2012 08:42 GMT+7

Quán ăn vẫn hét giá

Anh PHÚC LONG (khách hàng một quán ăn ở đường Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM)
Anh PHÚC LONG (khách hàng một quán ăn ở đường Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM)

TT - Liên tục trong hơn một tháng qua, nhiều loại thực phẩm, rồi giá gas, giá xăng bán lẻ trong nước giảm mạnh. Thế nhưng ngược lại ở nhiều nhà hàng, quán ăn người tiêu dùng vẫn bị “hét” với giá... trên trời.

KdTxCuCt.jpgPhóng to
Giá nhiều món nhậu tại các nhà hàng chỉ lên chứ không giảm trong suốt thời gian qua - Ảnh: Thuận Thắng

Cơm văn phòng, quán cơm sinh viên, cơm công nhân giá đang thi nhau nhảy múa, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt thòi...

Đã tăng đừng mong giảm

"Tất cả những quán tôi đi ăn so với giá từ cuối năm ngoái đến giờ tăng thêm một nửa mà đồ ăn ít hơn. Cứ thấy xăng tăng là tuần sau thấy các quán ăn tăng giá liền, nhưng giờ giá xăng giảm rồi mà nhà hàng vẫn không chịu xuống"

Chị Thái Hà, nhân viên một công ty có văn phòng tại Q.3, TP.HCM, hằng ngày vẫn chọn quán phở TV trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) để ăn sáng, mới đây đã hết sức bất ngờ khi tô phở tăng thêm 10.000 đồng. “Gần 40.000 đồng một tô phở bình dân, không biết sắp tới phải ăn gì đây?” - chị Hà bức xúc.

Cùng cảnh ngộ như chị Hà, anh Ngọc Tú - nhân viên một cửa hàng áo cưới trên đường Hai Bà Trưng (Q.1) - cũng không khỏi ngỡ ngàng khi cơm văn phòng buổi trưa gần chỗ anh làm mới đầu tháng 6 vừa qua đã “nhảy” lên mức 55.000 đồng/suất.

Là khách quen của quán cơm Hương Kiều (Q.12, TP.HCM), anh Minh Hùng, công nhân Công ty may Việt Hưng, rất bất ngờ khi mới đầu tháng 6 bà chủ quán cơm này đã tăng giá thêm 5.000 đồng/ suất ăn. Một suất ăn bình dân ở đây giờ đã vọt lên 22.000 đồng.

“Tăng giá, tưởng đâu có thêm miếng thịt, miếng cá nhưng chỉ thấy lèo tèo vài cọng rau, miếng thịt mỏng, thậm chí cơm còn ít đi” - anh Hùng than vãn.

Không riêng quán ăn này tăng giá, chỉ tính riêng một đoạn đường song hành thuộc Q.12 đã có tới năm quán cơm đồng loạt tăng giá 5.000-10.000 đồng mỗi suất. Anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân may, cho biết trước đây cơm bình dân ở đây có giá 15.000-17.000 đồng/suất, nhưng gần đây đi quán nào cũng thấy bà chủ nói: xăng tăng, gas tăng nên cơm cũng phải tăng.

Không riêng gì khu vực đông công nhân, quanh các trường đại học khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM giá cũng đang đua nhau leo lên chóng mặt. Lựa một con cá rô kho, thêm vài cọng rau muống và một chén canh... toàn nước, Linh - sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên - phải bỏ ra 15.000 đồng để có một phần ăn.

Nhìn suất cơm teo tóp dần, Linh than thở từ đầu tháng 3 đồng loạt các tiệm bán cơm khu vực đối diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV TP.HCM nâng giá 2.000-3.000 đồng/đĩa.

Nhậu bình dân cũng tăng giá

Sẽ mạnh tay với hành vi không niêm yết giá

Trước tình trạng người tiêu dùng đang hoàn toàn tù mù với giá cả thị trường, ông Đặng Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết hay không. Hiện tình trạng vi phạm về giá như việc không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết vẫn xảy ra nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chỉ tính riêng trong tháng 5, cơ quan này đã kiểm tra, lập biên bản 70 vụ vi phạm, trong đó có đến 55 vụ không niêm yết giá và 15 vụ niêm yết giá không đúng quy định.

Tình trạng loạn giá, tăng vô tội vạ cũng xảy ra phổ biến tại các quán nhậu từ bình dân đến sang trọng trong thời gian này khiến dân nhậu cũng chóng mặt. Tại quán Hoàng Mập trên đường Thép Mới (Q.Tân Bình, TP.HCM), hầu hết giá các món ăn đều được bôi xóa, điều chỉnh tăng.

“Món bình dân nhất như rau muống xào tỏi cũng nâng giá từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/đĩa. Một số món hải sản như cua, ghẹ ngày trước còn để giá, nay chỉ ghi “theo giá thị trường” - anh Long, một thực khách quen thuộc của quán, ngỡ ngàng cho biết.

Một thủ thuật được các quán ăn áp dụng khá phổ biến trong thời điểm hiện nay là không ghi giá cụ thể mà chỉ ghi chung chung “theo giá thị trường” để qua mặt thực khách. Giải thích việc các món ăn tăng giá chóng mặt nhưng không giảm, ông Hoàng chủ quán cười xòa: “Cái gì lúc này chẳng tăng.

Với lại những món ăn này đều là đặc sản của quán nên giá phải cao hơn quán khác chứ”. Tương tự, tại quán nhậu ốc T nằm trên đường Hoàng Diệu (Q.4) vốn nổi tiếng nhờ “nhậu giá rẻ”, nhưng cách đây vài ngày tất cả các món ốc đều tăng thêm 5.000 đồng/đĩa.

Anh Việt Dũng, khách quen của quán này, nhẩm tính vào thời điểm đầu năm giá các loại ốc, cua, ghẹ chỉ 20.000 đồng/đĩa, nhưng từ đó đến nay giá cứ tăng thêm 4, 5 đợt, mỗi đợt vài ngàn đồng. Đến thời điểm này, chỉ qua vài tháng nhưng giá đã ngất ngưởng 50.000 đồng/đĩa. Cũng tại đường Hoàng Diệu, món mì xào ốc ở hầu hết các quán đã đội lên mức 45.000-50.000 đồng/đĩa. “Lâu lâu đi ăn đến lúc tính tiền mới hoảng vì giá tăng quá đáng” - một thực khách bức xúc.

Trên đường Thành Thái (Q.10), một quán nhậu hải sản ngày đêm khá “nổi” khác cũng đã liên tiếp “cập nhật” thực đơn mới với giá tăng thêm 20.000-30.000 đồng/món.

Đầu vào giảm mạnh

Hầu hết các quán ăn tăng giá thời điểm này khi được hỏi đều trả lời chắc nịch lý do tăng giá là do tác động của giá xăng và giá gas thời gian gần đây, bên cạnh đó là lý do nguyên liệu như thịt bò, thịt heo, rau củ tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế giá các loại mặt hàng này hầu hết có xu hướng giảm, thậm chí giảm mạnh.

Cụ thể, đối với giá gas nếu như ba tháng đầu năm có lúc đạt ngưỡng 477.000 đồng/bình 12kg, nhưng qua tháng 4 và tháng 5 đã giảm mạnh, hiện giá gas đã về mức 340.000 đồng/bình. Tương tự, giá xăng trong hơn một tháng qua đã có ba lần giảm, tổng cộng giảm 1.900 đồng/lít xăng A92.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống làm nguyên liệu cho các quán cơm như rau củ, thịt cá thời gian vừa qua biến động liên tục nhưng đều có xu hướng giảm. Theo bà Lương Hồng Thanh - đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức (TP.HCM), giá rau củ biến động mạnh vào thời điểm đầu năm, sau đó dần đi vào ổn định. Hiện giá nhiều loại rau củ như bắp cải, bí xanh, dưa leo dao động từ 7.000-9.000 đồng/kg, mức giá này thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, bà Trần Thị Thái Thanh, phó ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho biết sức mua rất yếu khiến giá thực phẩm không thể tăng lên được, thậm chí đối với mặt hàng thịt heo hiện giá chỉ dao động quanh mức 70.000-100.000 đồng/kg tùy loại do còn chịu tác động bởi thông tin heo siêu nạc nên vẫn chưa thật sự hồi phục.

Thức ăn nhanh cũng tăng

Tại quán mì quảng Mỹ Sơn trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), một nhóm khách quen vừa cầm thực đơn đã phải thốt lên “lại tăng giá nữa sao!”. Vị khách này cau có, cách đây không lâu cầm thực đơn còn có giá hơn 30.000 đồng mà nay tất cả đều trên 45.000-95.000 đồng.

Một nhân viên quán này cho biết: “Từ đầu năm đến nay quán đã lên giá ba lần tùy theo món, tăng từ 13.000-15.000 đồng/món. Dù giá gas giảm nhưng giá thực phẩm và nguyên phụ liệu ngoài chợ đều tăng buộc quán phải tăng theo”.

Tương tự, quán cơm tấm Bụi Sài Gòn cũng tăng giá chóng mặt, với một chén canh 10.000 đồng, một đĩa cơm sườn 45.000-50.000 đồng. Tại một quán ăn khá nổi tiếng trên đường Trần Nhật Duật (Q.1) giá cũng tăng gần gấp đôi.

Anh Phúc Long - một khách hàng thân thiết quán này - cho biết lúc trước món cơm chiên hải sản chỉ 45.000 đồng, cách đây một tháng tăng lên 55.000 đồng và bây giờ lên 60.000 đồng/phần. Món canh nghêu ở quán này trước chỉ 35.000 đồng giờ cũng lên 50.000 đồng mà nghêu ít hẳn.

Tại các quán thức ăn nhanh giá cả cũng đang được đẩy lên khá nhiều. Cụ thể tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh như KFC, Pizza Hut... những combo tiết kiệm tăng giá gần 40%.

Anh PHÚC LONG (khách hàng một quán ăn ở đường Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên