Phóng to |
Hiện trạng khu đất quy hoạch của Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân - Ảnh: T.Thạnh |
Tranh mua đất bị thu hồi
Từ năm 2004 đến 2007, UBND TP đã ra quyết định thu hồi và tạm giao đất để tổ chức bồi thường và giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng lần lượt các dự án: Trường Đại học Sài Gòn (Quyết định số 739, ngày 26-2-2004), Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân (Quyết định số 4790, ngày 15-9-2005) và trạm biến áp 110 KV Nam Sài Gòn 3 (Quyết định số 1542, ngày 10-4-2007).
Dù chính quyền địa phương khẳng định khu vực này đã có quyết định thu hồi đất do vậy cấm mua bán, sang nhượng... thế nhưng một số cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp khuyến cáo trên, tranh mua đất bị thu hồi của hơn 160 hộ dân sử dụng đất ở đây. Ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch UBND phường Tân Phong, cho biết: Do là dự án công ích nên theo phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng được duyệt, giá đất ruộng là 200.000 đồng/m2 và giá đất gò là 250.000 đồng/m2. Tuy nhiên, giới “cò” vẫn tung người ra mua với giá cả triệu đồng/m2, thậm chí có nơi được trả tới 5 triệu đồng/m2 dù thửa đất đó hiện chỉ toàn là sình lầy.
Song song với việc thu gom đất, cò dự án còn tung tin thông qua các công ty môi giới, trên mạng Internet là sẽ chi hàng chục tỉ đồng để “binh” nhằm thay đổi quy hoạch từ trường học ra dự án biệt thự nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp nên đã kéo theo hàng loạt người dân từ nơi khác đến chuyển nhượng, mua bán đất bằng giấy tay, bất chấp hậu quả. “Cho đến bây giờ, quy hoạch tại khu vực trên vẫn không có gì thay đổi. Do đó UBND phường không hề ký bất cứ giấy tờ, hồ sơ nào liên quan đến việc chuyển nhượng, xây dựng... ở đây!” - ông Hùng khẳng định.
Bán dự án “ảo”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số cá nhân và doanh nghiệp sau khi mua gom đất từ 1 ha đến 5 ha đã thuê mướn các công ty tư vấn, thậm chí tự lập ra các bản đồ quy hoạch các khu dân cư “dỏm” để tìm người chào bán lại. Trong số đó có một công ty kinh doanh địa ốc khá bề thế đã kêu gọi khách hàng có tiền nhàn rỗi tham gia đầu tư với giá lên từ 10 triệu đồng/m2 đến 20 triệu đồng/m2.
Một tổng giám đốc công ty kinh doanh địa ốc có trụ sở ở quận 1 khẳng định: Công ty từng được chào mua lại toàn bộ dự án để phân phối độc quyền, thế nhưng qua tìm hiểu thấy tính pháp lý của chủ đất quá “khủng khiếp” (bản vẽ dự án tự lập, giấy thỏa thuận kiến trúc tự xin...) nên không dám tham gia.
Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện có một nhóm công ty Việt Nam sau khi mua lại 5,5 ha đất trong khu quy hoạch trên đang thỏa thuận bán lại cho một doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhóm doanh nghiệp này còn mạnh miệng cam đoan sẽ lấy một phần mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, cũng như xin được thỏa thuận quy hoạch cho khu đất từ mục đích giáo dục chuyển sang xây dựng chung cư cao tầng...!?
Để giảm bớt tình trạng mua bán bát nháo, cuối năm 2007, UBND quận 7 có văn bản gửi các phòng công chứng cho biết khu vực dự án Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân đã có quyết định thu hồi đất. Vì vậy, các phòng công chứng không được cho chuyển nhượng 62 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 3 (phường Tân Phong, quận 7), thế nhưng hiện tình trạng mua bán lén lút vẫn cứ tiếp diễn.
Đề nghị điều tra Công ty Đa Võ Ông Trương Văn Thủ, Phó Chủ tịch UBND quận 7 - TP.HCM, vừa có văn bản đề nghị Cơ quan Điều tra Công an quận 7 tiến hành điều tra việc Công ty TNHH Đa Võ phát tán thông tin sai lệch về dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Sài Gòn trên địa bàn phường Tân Phong. Việc phát tán thông tin sai lệch này đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ có đất phải giải tỏa với một số nhà đầu tư địa ốc với giá cao hơn gấp 10 lần đơn giá bồi thường. H.Lan |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận