21/08/2004 14:36 GMT+7

Quái vật trên sông Đồng Nai

TỰ TRUNG
TỰ TRUNG

TTCN - Tình trạng tận thu cát sỏi lòng sông Đồng Nai đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cát và nghiêm trọng hơn là sự tác động gây sạt lở hàng trăm ngàn mét vuông đất.

BzX6ZJcD.jpgPhóng to
Hàng trăm bãi thu gom cát dọc sông Đồng Nai

Chính vì vậy, trong tháng 5-2004 phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM chấn chỉnh công tác quản lý khai thác, tận thu cát...

Thế nhưng, đi dọc theo sông Đồng Nai chúng tôi chứng kiến tình hình khai thác cát vẫn còn nóng bỏng...

Có thời điểm trên 50 cần cạp, hàng trăm ghe bơm hút cát thoải mái cả ngày lẫn đêm trên một đoạn sông Đồng Nai dài khoảng 60km. Khi lòng sông hết cát, lực lượng khai thác cát kéo vào mép bờ sông tiếp tục khai thác khiến hai bờ sông bị sạt lở. Thậm chí nhiều cù lao, di tích lịch sử... bị thu hẹp dần nhưng chẳng ai phòng chống sạt lở, ngăn chặn tình trạng khai thác cát bừa bãi.

Người dân hai bên bờ kêu gào không thấu, khiếu nại tập thể cũng không giải quyết được gì. Thậm chí lực lượng khai thác cát còn hăm dọa đưa cần cẩu vào giật sập nhà dân nên đã xảy ra nhiều trận chiến. Người dân trong bờ ném đá, làm giàn ná bắn đá tấn công bọn khai thác cát. Bọn “giặc cát” trên sà lan đáp trả bằng cách tiến lại gần bờ quăng gàu khai thác cát, giật lở bờ sông, phá sập nhà dân...

Từ thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên (Bình Dương) chúng tôi xuôi dòng Đồng Nai, vòng qua cù lao Bạch Đằng. Ngay ngã ba giữa con sông Cái và tuyến sông nhánh rộng khoảng 200m một xáng cạp đang làm việc miệt mài, lặp đi lặp lại động tác quăng cần cẩu cạp cát lên sà lan đậu sẵn kế bên. Dọc theo sà lan là một số ghe đang chờ ăn cát.

Từ sáng sớm đến 12g trưa, chiếc xáng cạp đã móc được hai sà lan cát. Chiếc cần cẩu trên sà lan mỗi lần cạp 1m3 cát. Người dân cho biết chiếc cẩu cạp này của Công ty Xây dựng Bình Dương “núp bóng” khai thác cát dưới danh nghĩa một dự án nạo vét dòng sông. Đoạn sông này hiện đã bị tận thu cát sâu hơn 20-25m, còn hai bên bờ bị sạt lở rộng thêm khoảng 40m.

Trên từng cây số

Cách khu vực cầu Hóa An khoảng 300m là ba cần cẩu đang tiến hành cạp cát ở khu vực giữa sông trên một đoạn gần 1km, theo một cán bộ phòng khoáng sản Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn bộ dự án khai thác cát đều bị ngưng cấp phép.

Chiếc sà lan mang biển số BV 0478 đang miệt mài quăng gàu hốt cát từ dưới sông lên sà lan. Thỉnh thoảng cần cẩu lại thả xuống dòng sông một mẻ vừa cạp lên. Một anh lái ghe gần đó cho biết: “Đó là mẻ cạp có cát pha lẫn bùn nên phải đổ lại, vì cát pha lẫn bùn đen giá sẽ giảm khoảng 10-20%”. Cách đó khoảng 70m chiếc sà lan cạp cát số LA 3636-H vừa cạp đầy một sà lan cát, rồi lại tiếp tục ăn cát cho sà lan mới. Trên sà lan lúc này có khoảng 40m3 cát và ba người luôn túc trực để tách bùn và cát.

rfpOTDCp.jpgPhóng to
Mố cầu ông Tiếp đang bị sạt lở (Đồng Nai)
Từ đoạn cầu Hóa An chạy xuôi về khu vực cầu Ghềnh khoảng hơn 1km, chúng tôi gặp hai sà lan số SG 0104 LH và một cần cạp không số cũng đang miệt mài khai thác cát. Theo người dân khu vực, hai chiếc sà lan này nằm một chỗ hốt cát đã hai năm nay. Việc khai thác này có giấy phép do các tỉnh cấp để “nạo vét dòng sông” dù đoạn sông này mực nước ước tính đã sâu khoảng 30-35m rồi.

Ban ngày hầu hết việc khai thác cát và vận chuyển bằng sà lan 400-500 tấn được núp dưới những tấm giấy “thông hành” nạo vét, hoặc khai thác tận thu cát, sỏi lòng sông. Còn ban đêm thì lực lượng hùng hậu 40-60 chiếc ghe hút cát dàn đều khắp nơi phá nát lòng sông từ Bình Dương - Đồng Nai - TP.HCM.

Đây là bọn khai thác cát lậu có “tai mắt” khắp nơi, toàn bộ hoạt động đều ngưng lại ngay tức thì khi có một cú phone báo động. Nhiều năm nay, từ công an xã đến huyện, tỉnh đều biết rõ bọn chúng nhưng chẳng làm gì được để ngăn chặn những con quái vật ăn cát ngày đêm, suốt năm này qua năm khác! Chạy dọc sông Đồng Nai có hàng trăm bãi cát sẵn sàng thu gom cát 24/24 giờ, lúc nào những bãi đó cũng có dày đặc sà lan chở cát, ghe hút cát đang neo chờ đưa cát lên bờ.

Một chủ bãi cát tiết lộ: cứ vào mùa mưa là tình hình sạt lở bờ sông xảy ra, đó cũng là một nguồn cát cho giới khai thác khi cát dưới lòng sông Bình Dương - Đồng Nai - TP.HCM đang cạn kiệt. Ước tính mỗi ngày có khoảng 70.000 -150.000m3 cát bị khai thác thì có nguồn trữ lượng nào bù đắp nổi!

Di tích lịch sử rồi...sẽ biến mất

Cù lao Rùa được xem là một di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh Bình Dương, vậy mà trong khoảng ba năm nay hàng trăm ngàn mét vuông đất cù lao đã bị cuốn trôi, sạt lở. Nguyên nhân chính là do khai thác cát bừa bãi. Tuyến đường giao thông ấp 3, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (Bình Dương) năm ngoái xe tải có thể chạy được, vậy mà từ đầu năm đến nay đã bị sạt lở và biến mất. Người dân phải làm con đường khác ngay bên cạnh nhưng đến tháng 5-2004 vừa qua con đường mới làm cũng bị biến mất chỉ còn lại con đường mòn chạy vòng vào khu đất của ông Hồ Văn Nghĩa, và ngay phía dưới con đường mòn này lại có một hàm ếch khoét sâu vào trong, dấu hiệu một vụ sạt lở sắp diễn ra.

Ông Nghĩa nói: “Chỉ cần một cơn mưa nhỏ đủ thấm đất là con đường này lại biến mất ngay”. Như vậy là chỉ trong hai năm, phân đất liền cù lao Rùa giáp với mé sông đều bị sạt lở ăn sâu vào ít nhất 30m. Mới đây người dân cù lao Rùa đã kiến nghị tập thể lên Thủ tướng Chính phủ nhằm chấm dứt khai thác ở quanh cù lao này.

Còn khu vực cù lao Phố (TP Biên Hòa) cũng trong tình trạng sạt lở tương tự. Địa danh nổi tiếng này đang bị thu hẹp dần dù là khu qui hoạch du lịch sinh thái của xã anh hùng Hiệp Hòa bởi nó đang đối đầu với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Từ bến đò Kho kéo dài đến cầu Rạch Cát đều bị sạt lở. Tính trong hai năm gần đây đất cù lao bị sạt lở ăn sâu vào bờ 10-15m. Nhiều đoạn bờ sông hiện đang chờ đổ ập xuống bởi hàng chục hàm ếch ăn sâu vào đất liền. Nhiều người dân phải tự cứu mình bằng cách thả đá, xây dựng bờ kè, cắm cọc cừ, chặn bao cát... tránh sạt lở.

j7V6coMg.jpgPhóng to
Cây gãy, đất lở ụp xuống sông Đồng Nai tại thị xã Hòa Hiệp, TP Biên Hòa
Họ kể: “Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại, thậm chí ngăn chặn không cho sà lan vào cạp cát nhưng mỗi lần như thế bọn chúng lại quăng gàu giật cát rất mạnh để làm sạt lở bờ sông, sập nhà. Thậm chí chúng còn đứng ngoài bờ vừa khai thác vừa chửi rủa bà con”.

Trao đổi với TTCN, một số cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc sạt lở vẫn là do nhiều nguyên nhân như thay đổi dòng chảy dòng sông, qui luật bên bồi bên lở... Còn việc khai thác chỉ gây ảnh hưởng phần nào thôi” (?!). Còn người dân hầu hết các khu vực bị sạt lở đều cho rằng việc khai thác cát là nguyên nhân chính. Trước đây trong khoảng thời gian từ 5-7 năm bờ sông mới bị lở và nhiều lắm 1m, nhưng chỉ trong ba năm gần đây, khi những sà lan cạp cát đến khai thác cát thì bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 30m.

Anh Năm Rê, một người sinh sống trên cù lao Bạch Đằng, cho biết: “Mới tháng rồi ở đoạn trên cù lao đã có hai căn nhà bị sạt lở nhưng cũng may không gây tử vong. Điều lạ là tình hình sạt lở không còn theo qui luật từ xưa đến nay là bên lở, bên bồi mà cả hai bên đều lở”. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở hai bờ sông là do thay đổi dòng chảy và tình trạng khai thác cát gây ra.

Tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra từng ngày, từng giờ... đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Khai thác cát một cách tràn lan đã gây ra vấn nạn sạt lở bờ sông là một thực tế. Tình trạng hủy hoại môi trường không thể chấm dứt nếu chính quyền các địa phương còn thờ ơ với thực trạng đã đến hồi nguy cấp này.

Những "lỗ đen" giữa lòng sông

Sau khi những hố bom ngầm dưới sông Sài Gòn thuộc phường Phước Long, quận 9 đã gây sạt lở hàng ngàn mét vuông đất của người dân địa phương thì UBND TP.HCM mới thu hồi giấy phép khai thác của Công ty Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Tưởng tai họa đã qua, nào ngờ bên kia sông là đội quân hùng hậu đến từ tỉnh Đồng Nai vẫn vô tư hốt cát.

Tiếng kêu của người dân vẫn không át được tiếng gàu múc cát để tận thu đến hạt cát cuối cùng của tuyến sông này. Không chỉ ở khu vực này mà đoạn sông giáp ranh huyện Nhà Bè (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng trong tình trạng tương tự. Cho đến tháng 6 - 2004 UBND tỉnh Đồng Nai mới thu hồi giấy phép, kết thúc bốn năm tận thu của ba “con quái vật” ngày đêm quăng gàu hốt cát. Hiện nay, lòng sông khúc này đã có chỗ sâu đến 30m.

Đoạn sông một bên là xã Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và một bên là xã Thạnh Phước (Bình Dương) bây giờ như cái bẫy giăng tàu bè qua lại. Khu vực này do bùn nhiều nên không ai thực hiện nạo vét dòng sông. Thế nhưng xuống một đoạn khác gần khu vực cù lao Rùa lại là một mỏ cát khổng lồ.

eV59lgLf.jpgPhóng to
Sà lan cạp cát thuộc dự án nạo vét lòng sông nhưng lại thả bùn trở ngược xuống sông Đồng Nai (đoạn đầu Hóa An)
Người dân địa phương bức xúc: “Trước đây dòng sông chỉ sâu khoảng 10m nhưng bây giờ đã là 25-30m rồi. Họ nạo vét cát núp bóng dưới cái tên dự án nạo vét lòng sông. Nơi nào có cát thì họ nạo vét cả ngày lẫn đêm, còn nơi nào có bùn thì chẳng ma nào đến!”. Người dân khu vực cầu mới (cầu Hóa An) cho biết nhiều năm nay đoạn sông này bị sạt lở nghiêm trọng nhưng cần cẩu vẫn cứ múc cát thoải mái đêm ngày. Bác Nguyễn Văn Hai cay đắng: “Bọn hốt cát này dự tính khai thác cát cho sập cầu thì mới thôi”.

Dọc sông Đồng Nai, từ Bình Dương đến TP.HCM từ năm 1999 đến nay đã có trên 22 giấy phép tận thu cát lòng sông. Mỗi giấy phép được các cơ quan chức năng cấp với thời hạn 2 – 5 năm, trữ lượng cát cho mỗi năm khai thác là 500.000 – 3 triệu m3/năm. Đơn cử một đoạn sông từ ngã ba Tân Uyên (Bình Dương) đến khu vực cầu Hóa An (Đồng Nai) với trữ lượng được phép khai thác là 3,6 triệu m3, với độ sâu 7-8m, do các tỉnh mạnh ai nấy cấp phép nên có đến năm doanh nghiệp được khai thác cát ở đoạn sông này. Bộ Công nghiệp cũng đã cấp phép cho hai doanh nghiệp khai thác khu vực từ cầu Đồng Nai đến phà Cát Lái. Tổng sản lượng được phép khai thác là 3 triệu m3/năm trong thời hạn năm năm. Cũng trên tuyến sông này vào tháng 10-2003, UBND TP.HCM cũng đã tạm ngưng trước thời hạn việc khai thác cát.

Theo đoàn kiểm tra Cục Địa chất và khoáng sản VN, do cát lòng sông đã bị khai thác quá trữ lượng cho phép nên mới xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực cù lao Rùa. Tương tự là tình trạng khai thác cạn kiệt gây sạt lở bờ sông trên đoạn sông từ ngã ba Hiếu Liêm đến ngã ba Tân Uyên (Bình Dương). Đó là chưa kể tình trạng khai thác lén, khai thác ngoài kế hoạch mà người dân ở các địa phương cho rằng không thể quản lý xuể với số lượng cát khai thác lên đến hàng triệu mét khôi trong nhiều năm qua...

Những con quái vật trên sông Đồng Nai còn ăn cát cho đến bao giờ mới no?

TỰ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên