01/02/2011 12:57 GMT+7

Quà tặng quốc khách

ĐẠI DƯƠNG
ĐẠI DƯƠNG

TTXuân - Trong chuyến công du thăm Tòa thánh Vatican tháng 12-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trân trọng giới thiệu và tặng Giáo hoàng Benedict XVI một sản phẩm sang trọng được kết tinh từ đất và trí tuệ Việt Nam: bình hoa bằng sứ.

GbSsQaWt.jpgPhóng to

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giới thiệu và tặng Giáo hoàng Benedict XVI chiếc bình hoa Phong lan tháng 12-2009 - Ảnh: ông Lý Ngọc Minh cung cấp

4Tmhit3y.jpgPhóng to
Ông Lý Ngọc Minh và những tác phẩm gốm sứ nghệ thuật độc đáo - Ảnh: N.Bình

“Nhìn thấy công trình của mình được các nhà lãnh đạo Việt Nam mang làm quà tặng các nguyên thủ nước ngoài, tôi thật tự hào và cảm thấy hạnh phúc, vậy là mình đã góp được một phần nhỏ bé đưa hình ảnh Việt Nam thêm thân thiện và ý nghĩa hơn trong mắt bạn bè thế giới”

Ông Lý Ngọc Minh

Tác giả chiếc bình hoa là nhà làm đồ sứ nổi tiếng ở Bình Dương: ông Lý Ngọc Minh - người sáng lập hãng gốm sứ cao cấp Minh Long 1. “Chiếc bình hoa đó có tên Phong lan, nó quý bởi hoa văn, họa tiết trên chiếc bình (là loại phong lan quý) được vẽ hoàn toàn bằng tay” - ông Minh giải thích.

Ông Lý Ngọc Minh cũng là người sáng tạo những món quà bằng sứ độc đáo dành tặng các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam tham dự các hội nghị thượng đỉnh mấy năm qua. Cuối năm 2006, chiếc cúp bằng sứ của ông Minh được chọn làm quà tặng chính thức cho những người đứng đầu 21 nền kinh tế thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Hà Nội.

“Tôi bắt đầu làm quà tặng đặc biệt nhân Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Hà Nội cuối năm 1998” - ông Minh kể. Quà tặng nguyên thủ các nước ASEAN tham dự hội nghị năm đó là bộ ấm trà mang tên Hồn Việt, có kiểu dáng và trang trí đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam. Trước khi hội nghị diễn ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tìm kiếm sản phẩm làm quà tặng. Ông Minh đã mạnh dạn gửi sản phẩm mẫu với bài thuyết trình về sản phẩm và được chấp nhận.

Mới đây, tháng 10-2010, chén ngọc Thăng Long, một sản phẩm sứ độc nhất vô nhị của gia đình ông Lý Ngọc Minh, cũng đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm quà tặng các quốc khách tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tổ chức tại Hà Nội. Chén ngọc Thăng Long nguyên bản có kích thước lớn, dùng để dâng tặng Thăng Long nghìn năm tuổi. Sau đó ông Minh đã tạo những phiên bản với kích thước thu nhỏ dành tặng các vị quốc khách tại Hội nghị cấp cao ASEAN.

ws96L3hQ.jpgPhóng to
Cúp Hồn Việt
HIf8vwoy.jpg
Chén ngọc Thăng Long
2l5Gx0LQ.jpg
Cúp sen
oNefVgUA.jpg
Bình trà Hồn Việt

Mỗi “quốc phẩm” sứ là sự kết tinh cao độ giữa tình yêu, sự đam mê và kỹ thuật điêu luyện của nhà làm đồ sứ tài hoa Lý Ngọc Minh. Để làm được điều đó, ông Minh cùng cộng sự đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, sáng tạo.

Với chén ngọc Thăng Long, ông Lý Ngọc Minh cho biết từ khi thai nghén đến lúc chính thức hoàn thiện sản phẩm mất năm năm liền. Suốt thời gian đó ông phải vượt qua rất nhiều thách thức từ ý tưởng đến tạo hình, họa tiết trang trí rồi đến kỹ thuật nung. Chén ngọc Thăng Long là tổ hợp tạo hình phức tạp, gồm ba con rồng chầu cõng chiếc chén ngọc. Quanh thân chén là phong cảnh Thăng Long xưa và nay với những đường nét chạm khắc, trau chuốt tỉ mỉ.

Thách thức lớn nhất là khâu tạo hình và nung sản phẩm. Ông Minh kể ba con linh vật (rồng) mảnh mai làm sao cõng nổi cái chén? Nếu làm để đủ sức chịu lực thì thô kệch. Khi nung cái chén vì chỉ có ba điểm chịu lực nên sẽ bị méo. Nung xong, quá trình nguội hóa do bên dưới là hình khối, nhiệt thoát ra không được nên sinh ra ứng lực bể vỡ, chén thì cạch nứt do trên dưới không đồng dạng; chưa nói đến trọng lực từ cái chén đè lên ba con linh vật sẽ làm chúng sụm đổ, nghiêng ngửa… “Trong năm năm liền thực hiện sản phẩm này, chúng tôi làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm đều hư bỏ, phải làm tới làm lui, có lúc tưởng chừng không thành công” - ông Minh nhớ lại.

Nhưng rồi ông Minh và cộng sự đã tìm được giải pháp để có tác phẩm đạt đến độ hoàn hảo và tinh xảo: nung liền khối và trải qua năm lần nung, trong đó thân sứ nung ở nhiệt độ 1.380 độ C; dùng kỹ thuật vẽ dưới men và nung ở nhiệt độ cao (1.300 độ C) trên nền men màu cobal, sau đó nung hoàn nguyên làm màu chìm vào men để bức tranh hiện rõ trên nền men bóng loáng. Ông còn sử dụng kỹ thuật mạ vàng 24K để những chi tiết sáng lên ánh vàng sang trọng và bắt mắt. “Sau biết bao khó khăn, mệt nhọc, chúng tôi như bay bổng khi thấy sản phẩm thành công một cách hoàn chỉnh” - ông Minh mãn nguyện.

ĐẠI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên