![]() |
Niềm hạnh phúc của vợ chồng ông Khải khi vui vầy bên con cháu - Ảnh: M.T. |
Bà tuổi 49, ông tuổi 51, giờ ngoài những buổi làm công nhân vệ sinh ở Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Bến Tre, niềm hạnh phúc của ông bà là những phút vui vầy bên đứa cháu ngoại đầu lòng.
Rời quê
23 năm trước từ Hải Phòng, vợ chồng ông Đoàn Như Khải dắt díu nhau vào Bến Tre lập nghiệp với mong ước các con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạc tiền không có, vơ vét lúa non bán tống bán tháo chỉ đủ để cả nhà mua vé tàu lửa vào Nam.
Hiện bà Trần Thị Vững là đội phó Đội vệ sinh đô thị kiêm tổ trưởng tổ mặt đường của Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Bến Tre. Từ năm 2005-2008, bà được tặng bằng khen, giấy khen chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Năm 2010, bà được mời tham gia giao lưu phụ nữ điển hình tiên tiến tỉnh Bến Tre. |
Được người thân cho mảnh đất trống, vợ chồng ông cất tạm căn chòi để ở bằng lá dừa nước quanh đó. Ông xin bốc vác ở công ty than hoạt tính, còn bà làm công nhân xe chỉ xơ dừa. Bấy giờ ba đứa con của ông bà còn quá nhỏ. Con gái lớn nhất 6 tuổi, con kế 4 tuổi, thằng út mới 7 tháng tuổi nên bà Trần Thị Vững làm việc mà bụng bồn chồn không yên.
“Thời gian đó tôi ở bên con rất ít, mãi đến khi xin vào làm công nhân ở công trình đô thị mới gần con được nhiều hơn...” - bà Vững tâm sự. Và sự cơ cực của ông bà tăng lên khi hai đứa con gái vào cấp I. Học phí, tiền sinh hoạt cả nhà khiến ông bà làm việc đêm ngày. 2g sáng bà lọ mọ thức dậy đi quét rác các tuyến đường thị xã, xong lại đẩy xe khắp các ngõ hẻm thu gom rác. 6g công việc kết thúc, bà quay về lo việc bếp núc, chăn nuôi. 18g tiếp nối công việc đẩy xe rác.
Còn ông Khải cặm cụi kiếm thêm bằng cách tăng ca. Làm được bốn năm thì công ty giải thể do kinh doanh thua lỗ, ông Khải xoay qua làm phụ hồ rồi đạp xe đi bán kem khắp các tuyến đường thị xã, huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành... cách xa nhà 20-30km. 3g sáng ông bắt đầu công việc đến hơn 19g mới về tới nhà.
Qua cơn bĩ cực
Ông Khải thổ lộ: “Mấy chục năm trước chỗ vợ chồng tôi ở rất hoang vắng, xung quanh bao bọc bởi những kênh rạch trồng dừa nước. Đường khi ấy là đường đất. Cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chi tiêu, ăn uống tằn tiện. Được cái các con rất ngoan, ba mẹ cho ăn gì, mặc gì... cũng không kêu ca”.
Xứ dừa ngõ ngách, kênh rạch chằng chịt, nhiều nơi đường rất hẹp nên rất nhiều lần ông Khải đẩy xe đi bán bị vấp té xuống mương, nước tràn vào hư hết thùng kem. Lỗ vốn nhưng khi về nhà ông không hề bực tức, quạu quọ vợ với con. Bà Vững cũng thế. Có những hôm một mình quét rác giữa đêm lạnh, phần nhớ quê, phần cám cảnh phận mình “chẳng lẽ cả đời cứ gắn với rác” khiến bà buồn tủi bật khóc. Biết chuyện, ông không ngừng vỗ về, an ủi. Cứ thế ông bà động viên nhau gắng sức lo cho con ăn học từng năm một.
Năm con ông vào cấp III, ông xin làm công nhân công trình đô thị, khâu xịt ruồi ở bãi rác Phú Hưng. Lương ông bà cộng lại căn cơ ổn định nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Dư một ít vợ chồng mua lại mảnh đất người thân, đổ đất đắp nền cao ráo rồi lần hồi cất nhà. Ông Khải cười tươi: “Không ai cất nhà như tụi tôi. Ban đầu chỉ xây hai vách tường rồi để đó. Dành dụm một ít thì mua tôn thiếc lợp vào, thêm một ít nữa làm thêm cửa nẻo, một thời gian sau đắp thêm gạch men...”. Cứ thế vợ chồng ông lần lượt lắp vào khoảng trống cho đến khi ngôi nhà hoàn chỉnh. Có nhà rồi vợ chồng ông lại “tha” về chiếc xe máy mới cáu mua trả góp. Mấy năm sau trả dứt nợ, lần hồi sắm thêm tivi, tủ lạnh...
Năm 2004, vợ chồng ông bắt đầu dư chút đỉnh. Hai con gái học lên trung cấp, đại học giờ đã lập gia đình có việc làm ổn định ở Bến Tre, còn con trai út đang học tại Hà Nội. Ông bà khoe: “Tài sản quý nhất của tụi tôi là mấy đứa con ngoan hiền, nếu không có các con, không biết vợ chồng tôi có ngày hôm nay không”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận